Bệnh nhân bất ngờ và xúc động vì được y bác sĩ tri ân

05-06-2019 19:28 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - PGS.TS Hà Hữu Tùng - Giám đốc BVĐK Nông nghiệp cho biết: Người bác sĩ có thể tạo ra thương hiệu bệnh viện nhưng những điều dưỡng viên lại chính là những người làm nên chất lượng dịch vụ bệnh viện. Họ là người tiếp xúc thường xuyên, trực tiếp với người bệnh và thấu hiểu họ hơn ai hết.

Chiều 5/6, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đã tổ chức Hội thảo khoa học Điều dưỡng và tri ân người bệnh. Đây cũng là lần đầu tiên diễn ra hoạt động tri ân người bệnh sau quá trình khám chữa bệnh tại bệnh viện, khiến nhiều bệnh nhân tỏ ra khá bất ngờ và xúc động.

Bệnh nhân Đỗ Quang Thắng, 34 tuổi, được chuyển tuyến từ Nam Định lên đây điều trị nối đứt rời bàn tay tại khoa Chấn thương cho biết, anh "vô cùng ngạc nhiên" khi hôm nay điều dưỡng đến tận giường bệnh mời anh lên để bác sĩ, cán bộ y tế... tri ân.

Chia sẻ về hoạt động có ý nghĩa này, PGS.TS Hà Hữu Tùng - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp, Chủ tịch Hội đồng Điều dưỡng của BV cho biết, ngành y là một nghề rất đặc biệt mà người bệnh là chính đối tượng phục vụ, là khách hàng.

Hiện nay, các bệnh viện muốn có khách hàng cần phải thay đổi tư duy, đồng hành với bệnh nhân, thấu hiểu nhu cầu, tâm tư người bệnh. Bệnh viện không chỉ là nơi chữa bệnh mà còn phải là nơi chăm lo cho người bệnh. Chính vì thế người thầy thuốc phải nhìn nhận lại những vấn đề chưa đáp ứng được để thay đổi.

PGS.TS Hà Hữu Tùng thăm hỏi bệnh nhân hen phế quản.

Bệnh nhân rất vui mừng và xúc động vì được các y bác sĩ chăm sóc chu đáo và tri ân họ.

Đối với nhân viên y tế thực hiện công tác khám chữa bệnh thì bệnh nhân chính là "người thầy" lớn nhất. Việc tri ân người bệnh chính là hoạt động gắn kết giữa nhân viên y tế và những “người thầy” ấy.

Theo PGS. Tùng, người bác sĩ có thể tạo ra thương hiệu bệnh viện nhưng những điều dưỡng viên lại chính là những người làm nên chất lượng dịch vụ bệnh viện. Họ là người tiếp xúc thường xuyên, trực tiếp với người bệnh nhiều nhất. Do áp lực công việc nên tình trạng stress vẫn luôn tăng cao.

Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện cả nước có trên 73.000 y bác sỹ làm trong công tác điều trị, gần 130.000 điều dưỡng, nữ hộ sinh công tác tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Tỷ lệ điều dưỡng, nữ hộ sinh/bác sĩ là 1,8. Tỷ số điều dưỡng trên 1 giường bệnh kế hoạch là 0,395 và giường bệnh thực kê là 0,304, thấp hơn rất nhiều so với quy định và các nước trong khu vực và trên thế giới.

Chia sẻ về vai trò của điều dưỡng trong chăm sóc người bệnh, mới đây, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong những năm gần đây, hệ thống khám, chữa bệnh Việt Nam đang có những thay đổi căn bản, đổi mới từ cách nghĩ, cách làm và cách kiểm tra bệnh viện, lấy người bệnh làm trung tâm, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Trong đó, người điều dưỡng có vai trò quan trọng trong hệ thống khám, chữa bệnh. Tỷ lệ hài lòng của người bệnh nội trú đạt hơn 80% có đóng góp không nhỏ từ chăm sóc của người điều dưỡng.

Kết hợp điều trị và chăm sóc toàn diện cho người bệnh tại BVĐK Nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo PGS Khuê, hiện hệ thống khám, chữa bệnh hiện cũng phải đối mặt với những thách thức như gánh nặng bệnh tật kép từ bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm, các bệnh hiếm gặp; các bệnh viện phải đổi mới để đáp ứng với tự chủ bệnh viện.

Do đó, đội ngũ điều dưỡng cần tiếp tục nghiên cứu về chăm sóc toàn diện người bệnh và tiếp tục có những sáng kiến, đổi mới trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ và phong cách phục vụ người bệnh.

Hưởng ứng kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng năm 2019, BVĐK Nông nghiệp cũng đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm tri ân người bệnh “Ngày vì Người bệnh” như: Chăm sóc người bệnh: cắt tóc, tắm gội, giúp đỡ người bệnh tập đi, hỗ trợ xoa bóp, hỗ trợ ăn uống….

Hướng dẫn chăm sóc phòng bệnh, giáo dục sức khỏe cho người bệnh và người nhà, kể chuyện, hát… để người bệnh vui cười, giảm stress.

Tổ chức thi ảnh với chủ đề “Tận tâm của Điều dưỡng – Hạnh phúc của mọi người” và điều dưỡng đẩy mạnh công tác truyền thông bệnh viện…


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn