Theo TS. Trịnh Thành Trung, Viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội, người có 12 năm nghiên cứu về bệnh này cho biết whitmore là một loại bệnh truyền nhiễm phổ biến ở một số vùng Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Báo cáo khoa học tại hội thảo bệnh whitmore toàn cầu tháng 8 năm 2016 cho thấy từ tháng 6-12/2015 đã phát hiện 70 ca bệnh whitmore tại 5 tỉnh Bắc Trung Bộ gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Huế trong đó có 18 ca tử vong, 11 ca ghi không rõ, 11 ca khác phải chuyển tuyến. Tỷ lệ tử vong trung bình của whitmore là 40 - 60%.
Hầu hết các bệnh nhân bị whitmore cho biết, họ đều không biết gì về căn bệnh này. Kể cả bệnh nhân vừa tái phát whitmore - trên nền có bệnh đái tháo đường - cũng không biết mình thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao tái phát bệnh.
Thoát cửa tử vì được phát hiện sớm bệnh whitmore
Chứng kiến chàng thanh niên 35 tuổi, chưa lập gia đình nhưng đang nằm mệt mỏi trên giường bệnh khiến chúng tôi không khỏi ái ngại. Đó là bệnh nhân Đặng Văn Huấn, ở Gò Chùa, Quang Yên, Sông Lô, Vĩnh Phúc, nhập viện hôm 16/10.
Bệnh nhân Đặng Văn Huấn sau 20 ngày điều trị tại viện.
Bác sĩ CK I Nguyễn Ngọc Trung, trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện 74 Trung ương cho biết, hiện tại, sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân đã đỡ hơn rất nhiều. Khi mới nhập viện, bệnh nhân có triệu chứng sốt, đau ngực nhiều, khó thở, thể trạng suy sụp, thậm chí không thể đi lại. Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết, anh làm nghề lái tàu trên sông Lô. Anh Huấn cho biết, khi ở nhà anh bị đau ngực rất nhiều, sốt cao nhiều ngày, khi đi khám tại các phòng khám tư, điều trị hết sốt nhưng đau ngực và khó thở. Người nhà đã đưa anh nhập viện. Qua các xét nghiệm lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường típ 1 với mức đường huyết rất cao, lên tới 20,1 mmol/l, trên phim chụp CT thấy bệnh nhân xuất hiện tràn dịch màng phổi ở vị trí đáy phổi.
Hình ảnh tổn thương phổi trên phim.
Phổi tổn thương trên phim chụp cắt lớp.
Bệnh nhân lập tức được nghi ngờ mắc căn bệnh whitmore, các bác sĩ đã cho chọc dịch làm test nhanh. Tuy nhiên test nhanh không phát hiện ra vi khuẩn. Ở lần chọc dịch thứ 2, bác sĩ cho nuôi cấy vi khuẩn thì tìm thấy vi khuẩn whitmore. Bác sĩ kết luận, bệnh nhân bị viêm phổi, màng phổi do vi khuẩn whitmore, có dịch xuất tiết.
Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định điều trị kháng sinh theo hướng dẫn của các tài liệu Quốc tế, và đáp ứng tốt với thuốc. Hiện bệnh nhân hết sốt, đau ngực giảm rất nhiều, lúc mới nhập viện bệnh nhân không thể đi lại được chỉ nằm tại giường nay đã tự đi lại được. Bác sĩ Trung đánh giá, đây là trường hợp khá may mắn, bệnh nhân đã được phát hiện vi khuẩn whitmore khá sớm nhờ triển khai kỹ thuật mới để định danh vi khuẩn bằng ngưng kết miễn dịch. Nếu không phát hiện ra bệnh, bác sĩ sẽ phải điều trị mò mẫm rất tốn kém và mất thời gian, lúc đó khả năng bệnh tiến triển xấu không kịp trở tay.
Với chi phí điều trị trong đợt tấn công mỗi ngày lên tới 1 triệu đồng, nếu không có thẻ bảo hiểm y tế, người bệnh ở các vùng nông thôn khó có thể theo đuổi điều trị căn bệnh này. Bởi sau 2 tuần tiêm thuốc kháng sinh tấn công, người bệnh còn phải duy trì uống kháng sinh củng cố kéo dài từ 3-6 tháng. Whitmore là bệnh có tỷ lệ tử vong cao, biểu hiện bệnh đa dạng, ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể, khiến bác sĩ dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.
Bác sĩ CKI Nguyễn Ngọc Trung- Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu.
Với sự hỗ trợ của Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã bước đầu phổ biến và thay đổi phương pháp xét nghiệm định danh vi khuẩn cho hàng chục bệnh viện trên cả nước, đặc biệt hướng dẫn các bệnh viện thử nghiệm phương pháp xét nghiệm nhanh, xác định chính xác phương pháp điều trị cho người bệnh. Nhiều trường hợp đã được phát hiện nhờ các phương pháp mới mà quy trình thường quy không phát hiện được.
Nguy cơ cao tái phát whitmore
Bệnh nhân Triệu Văn Mừng, 51 tuổi ở Triệu Đề, Lập Thạch, Sông Lô là một trường hợp whitmore khác đang điều trị tại viện. Đây là bệnh nhân whitmore đầu tiên được phát hiện ở Bệnh viện 74 TW tại Vĩnh Phúc hồi tháng 4/2016, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường típ II trên 10 năm. Bệnh nhân Mừng nhập viện với triệu chứng ban đầu là viêm phổi, áp xe phổi trên nền bệnh đái tháo đường và gút có loét chân. Sau khi được xác định nhiễm vi khuẩn whitmore, bệnh nhân đã nằm viện điều trị kéo dài 2 tháng, đến tháng 6/2016 được ra viện.
Bệnh nhân Triệu Văn Mừng 2 lần mắc bệnh nguy hiểm whitmore.
Tuy nhiên đến ngày 23/9, thấy trong người có triệu chứng mệt, ho máu, đau đầu, sốt cao, bệnh nhân Mừng lại được người nhà đưa vào viện. Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị tái phát với bệnh whitmore, bác sĩ đã quyết định phân lập vi khuẩn whitmore và đúng như dự đoán, bệnh nhân dương tính với whitmore.
Ở lần nhập viện này, mặc dù bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh theo đúng phác đồ nhưng đáp ứng rất chậm. Ths. BS Nguyễn Ngọc Vinh, quyền trưởng khoa Điều trị tích cực Bệnh viện 74 TW cho biết, trên lâm sàng bệnh tình của bệnh nhân lui rất chậm, chụp phim có dấu hiệu xấu đi, các bác sĩ đã quyết định sử dụng 2 loại kháng sinh phối hợp mạnh nhằm điều trị cho bệnh nhân. Sau 10 ngày điều trị, hiện tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt.
Như vậy bệnh whitmore không chỉ là căn bệnh nguy hiểm mà còn là rất dễ tái phát. Khi tái phát, việc điều trị rất khó khăn, phức tạp. TS Đặng Văn Khoa – Giám đốc Bệnh viện 74 TW cho biết, vi khuẩn whitmore không chỉ nguy hiểm cho những người mắc bệnh mạn tính mà nó là loại vi khuẩn kháng với rất nhiều loại kháng sinh thường dùng. Nên người dân khi có triệu chứng giống cảm cúm, mệt, sốt, đau ngực, cơ, khớp, nên nhanh chóng đến bệnh viện có uy tín để được khám bệnh và điều trị kịp thời.