Ngáy và ngừng thở khi ngủ là hiện tượng rối loạn giấc ngủ thường gặp, bệnh chiếm tỷ lệ 4% ở nam giới và 2% ở nữ giới. Khi phát hiện tình trạng ngáy hoặc ngừng thở lúc ngủ thì cần điều trị ngay, không nên để kéo dài sẽ gây biến chứng nguy hiểm.
Bệnh phổ biến
Ngáy là âm thanh vang lên cùng với hơi thở làm cho hơi thở trở nên ồn ào trong lúc ngủ. Ngáy được tạo ra khi không khí cố gắng len qua đường thở bị hẹp hoặc bị tắc nghẽn một phần, làm rung động các phần mềm của đường hô hấp trên như lưỡi gà, màng hầu…
Đây là bệnh khá phổ biến, đặc biệt ở những người cao tuổi và người thừa cân. Ngáy nặng có thể gây thức giấc thường xuyên về đêm và buồn ngủ vào ban ngày. Ngáy to cũng là biểu hiện rối loạn giấc ngủ, nghiêm trọng hơn là hội chứng ngừng thở lúc ngủ. Ngáy không phải là tật mà là một căn bệnh.
Có nhiều nguyên nhân gây ngáy như do béo phì, cổ to; nghẹt mũi do vách ngăn bị vẹo, biến dạng; nghẹt mũi do cảm lạnh, dị ứng; polyp mũi, u hốc mũi, u xơ vòm mũi họng, ung thư vòm họng; phù nề màng hầu hoặc lưỡi gà, phù thanh quản do suy giáp, liệt khép dây thanh một bên… Ngoài ra, viêm amidan, VA quá phát cũng gây tắc nghẽn đường thở.
Những người ngáy thường ngủ không ngon giấc, hay giật mình vùng dậy thở hổn hển do ngạt thở. Vì thế, ban ngày họ thường mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ khi đang làm việc, lái xe, khó khăn khi làm việc nặng... Ở trẻ em, tình trạng ngáy và thở khò khè do amiđan và VA to có thể gây đột tử trong khi ngủ. Vì vậy, khi thấy trẻ ngáy to và hay giật mình bừng tỉnh khi ngủ, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa tai mũi họng để được xử trí kịp thời.
Những người ngáy nhỏ có thể hết ngáy nếu ngủ không nằm ngửa. Tình trạng ngáy sẽ đỡ rất nhiều nếu bệnh nhân bỏ rượu và thuốc lá, không dùng thuốc an thần và giảm cân nặng ở người béo phì. Nếu ngáy ở mức độ nặng, nhất là ngáy kèm theo tình trạng ngừng thở khi ngủ, cần được phẫu thuật tạo hình hầu, mới đem lại kết quả tốt.
Ngừng thở khi ngủ
Ngáy to có thể là biểu hiện của chứng ngừng thở khi ngủ.Đó là tình trạng đường hô hấp bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn trong khi đang ngủ, gây ngừng thở và làm người bệnh thức giấc.Hiện tượng ngừng thở gặp ở cả nam và nữ, thuộc mọi lứa tuổi, càng lớn tuổi càng hay gặp. Bệnh thường gặp ở người có bất thường về đường hô hấp trên như: amidan quá phát, khẩu cái mềm và lưỡi gà quá lớn, lưỡi lớn và dày, hàm nhỏ, hàm ra sau, xương móng thấp hơn bình thường; người có tiền sử nghiện rượu, dùng thuốc an thần, thuốc gây nghiện, trong gia đình có người mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ; người mắc bệnh đái tháo đường, suy giáp… Có nhiều phương pháp điều trị hội chứng ngưng thở lúc ngủ, phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh, các bất thường của đường hô hấp và bệnh lý phối hợp.
Ngừng thở khi ngủ biểu hiện bằng một loạt lần ngừng thở nối tiếp nhau, mỗi lần ngừng từ 20-30 giây trong lúc tim vẫn đập bình thường. Sau mỗi lần ngừng thở, người bệnh lại đột ngột thở lại ngay và bừng tỉnh dậy. Nếu ngừng thở quá nhiều lần, chẳng hạn trên 30 lần trong 6 giờ, sẽ làm giảm lượng ôxy cung cấp cho máu. Bệnh nhân không nhớ gì về những lần bừng tỉnh sau khi ngừng thở mà chỉ cảm thấy mình đã ngủ không tốt.
Bệnh nếu không được điều trị có thể dẫn đến giảm khả năng tập trung, giảm trí nhớ, dễ cáu gắt, hay đau đầu, chóng mệt, giảm ham muốn tình dục, năng suất làm việc và học tập giảm, tăng nguy cơ gây tai nạn do buồn ngủ hoặc ngủ gục khi vận hành máy móc, lái xe… Bệnh có thể gây biến chứng suy hô hấp mạn tính và các rối loạn tim mạch như tăng huyết áp, đau tim, rối loạn nhịp tim, tai biến mạch máu não thậm chí đột tử. Có một loại ngừng thở khi ngủ là hội chứng Pickwick chỉ gặp ở người béo phì, đó là ngừng thở khi ngủ ban đêm, ngủ gật ban ngày và xuất hiện hiện tượng tím tái (móng tay và môi xanh).
Phương pháp điều trị
Phần lớn người bệnh không nghĩ rằng đây là bệnh nên không quan tâm đến việc điều trị trừ khi có biến chứng xảy ra.Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây ngừng thở khi ngủ nhưng kết quả sẽ tốt hơn nếu phối hợp nhiều biện pháp. Tình trạng ngừng thở thường rơi vào những người thừa cân, béo phì nên giảm cân là yêu cầu đầu tiên đối với những người này.
Bên cạnh đó, bệnh nhân không được uống rượu 2 giờ trước khi đi ngủ, không được uống thuốc an thần. Người bệnh cần thay đổi tư thế ngủ: Tránh nằm ngửa, nên nằm nghiêng. Sử dụng thiết bị hỗ trợ trong miệng (giúp đưa hàm ra trước và nâng khẩu cái hoặc dụng cụ giữ lưỡi) là biện pháp điều trị hiệu quả ở các trường hợp bệnh nhân có bất thường giải phẫu vùng hàm như: hàm nhỏ, hàm đưa ra sau và lưỡi dày, tụt ra sau. Ngoài ra, điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cũng góp đường thở mở rộng, hạn chế tình trạng tắc nghẽn trong khi ngủ.
Phương pháp chính điều trị hội chứng ngừng thở khi ngủ là dùng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP). Hàng đêm, khi ngủ bệnh nhân sẽ mang một mặt nạ nối với máy thở CPAP, máy này có luồng khí áp lực dương giúp đẩy không khí vào mũi làm cho đường thở mở rộng trong khi ngủ, nhịp thở trở nên đều đặn, ngừng hiện tượng ngáy. Phương pháp thở máy CPAP có hiệu quả cao, cải thiện được 95 - 98% trường hợp, tuy nhiên khi áp dụng điều trị bằng phương pháp này bác sĩ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tư vấn và thuyết phục bệnh nhân sử dụng vì sự bất tiện và khó chịu của việc đeo mặt nạ khi ngủ.
Bác sĩ Tùng Bách