Bệnh não do rượu

16-01-2014 14:00 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Chứng rối loạn thần kinh xảy ra chủ yếu do giảm lượng vitamin B1 (thiamine) trong não gọi là hội chứng Korsakoff. Đây là sự rối loạn tâm thần hay còn gọi là bệnh não do rượu, là chứng giảm trí nhớ do rượu, với đặc trưng là sự mất trí não.

Chứng rối loạn thần kinh xảy ra chủ yếu do giảm lượng vitamin B1 (thiamine) trong não gọi là hội chứng Korsakoff. Đây là sự rối loạn tâm thần hay còn gọi là bệnh não do rượu, là chứng giảm trí nhớ do rượu, với đặc trưng là sự mất trí não.

Ai dễ bị mắc bệnh?

Hội chứng Korsakoff thường gặp ở nam giới từ 45 - 65 tuổi, đặc biệt ở những người nghiện rượu, bia. Ngoài ra, những người có chế độ ăn uống thiếu chất cũng có thể có nguy cơ mắc hội chứng này. Nguyên nhân gây ra hội chứng Korsakoff là sự thiếu vitamin B1, làm ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh, gây tổn hại trực tiếp đến vùng đồi thị và vùng dưới đồi, dẫn đến teo não. Mặt khác, tình trạng nghiện rượu còn gây tổn thương nghiêm trọng niêm mạc dạ dày, làm giảm khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng, trong đó có vitamin B1.

 	Cai rượu mới chữa được bệnh não do rượu.

Cai rượu mới chữa được bệnh não do rượu.

Biểu hiện của hội chứng

Các triệu chứng của hội chứng Korsakoff tùy thuộc vào mức độ thiếu hụt vitamin B1 trong cơ thể, là nguyên nhân gây teo não. Biểu hiện bởi 3 triệu chứng “kinh điển”: Một là triệu chứng ở mắt, dấu hiệu phổ biến nhất là rung giật nhãn cầu, liệt dây thần kinh số VI dẫn đến liệt nhìn phối hợp; đồng tử thường có phản ứng chậm với ánh sáng. Hai là thất điều: bệnh nhân đi lại một cách khó khăn, hoặc có thể không thể đứng hay đi được nếu không có sự giúp đỡ của người khác. Ba là tình trạng lú lẫn: bệnh nhân khó tập trung, dễ bị nhầm lẫn và có thể có sự hiện diện của tình trạng ngủ gà. Ngoài ra, bệnh nhân còn có những triệu chứng khác như: thay đổi nhân cách, thể hiện ở sự thờ ơ hoặc phản ứng quá mức đối với các kích thích từ bên ngoài; kém tiếp thu: bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc tiếp thu các thông tin mới cũng như học các kỹ năng mới; giao tiếp: người bệnh gặp khó khăn trong việc ghi nhớ các chi tiết trong câu chuyện, nếu họ kể lại thì thường câu chuyện được mô tả với nhiều “lỗ hổng” hoặc với trình tự lộn xộn và thậm chí là thêm vào những sự kiện không có thật; ảo tưởng: đây là sự rối loạn tâm thần Korsakoff với hậu quả thường dẫn đến tình trạng ảo tưởng ở người bệnh.

Điều trị hội chứng Korsakoff

Mục đích cơ bản của việc điều trị là giảm các hậu quả của bệnh cũng như phục hồi dần các chức năng thần kinh cho bệnh nhân. Việc bổ sung vitamin B1 cũng như các thực phẩm chứa nhiều vitamin B1 trở nên vô cùng quan trọng và cần thiết nhằm bù đắp sự thiếu hụt chất này trong cơ thể. Có thể dùng vitamin B1 dạng tiêm thay thế cho dạng uống. Bệnh nhân cần có một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng. Nhu cầu vitamin B1 của một người trưởng thành mỗi ngày cần khoảng 1 - 1,2mg. Các loại thực phẩm giàu vitamin B1: ngũ cốc nguyên hạt, sản phẩm từ men bia, mầm ngũ cốc khô, các loại thịt, đậu hạt, cá, trứng... Cần lưu ý khi xay xát gạo không xay xát quá kỹ; trong bảo quản, cất giữ gạo cần tránh để gạo ẩm, mốc.

Do ảnh hưởng của hội chứng Korsakoff đến khả năng vận động, dáng đi, giữ thăng bằng... nên bệnh nhân cần được thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để phục hồi các chức năng này. Bệnh nhân phải kiên quyết từ bỏ rượu để giảm bớt diễn tiến ngày càng nặng của bệnh cũng như giúp cho công tác điều trị được hiệu quả.

Lời khuyên của bác sĩ

Hội chứng Korsakoff dù có thể gây tổn thương nặng đến cơ thể nhưng có thể phòng tránh được bằng các biện pháp đơn giản dễ thực hiện. Nguyên tắc cơ bản là hạn chế uống rượu bia, đặc biệt là uống với số lượng nhiều trong thời gian dài. Chỉ có cách bỏ hẳn hoặc hạn chế uống rượu mới có thể tránh được sự thiếu hụt vitamin B1 trong não. Đối với những người không uống rượu bia, hội chứng này cũng có thể tránh được khi có một chế độ ăn uống lành mạnh được duy trì với sự hấp thu đủ các loại thực phẩm giàu vitamin B1.

Hội chứng Korsakoff được tiên lượng là tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực. Trên thực tế, tình trạng bệnh sẽ dần được cải thiện nếu bệnh nhân tuân thủ theo điều trị, trong thời hạn 2 năm, việc hồi phục hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, nếu để bệnh quá nặng, không điều trị kịp thời và không bỏ rượu bia, bệnh sẽ tiến triển ngày càng trầm trọng hơn với những hậu quả nặng nề suốt đời. Do đó, sự chăm sóc và theo dõi dài hạn cần được thực hiện đối với bệnh nhân mắc bệnh này. Điều quan trọng là sự hợp tác và tuân thủ chặt chẽ của bệnh nhân trong công tác điều trị sẽ có tác dụng tích cực trong việc đẩy lùi bệnh và phục hồi các chức năng bị tổn thương.

BS. Bùi Thị Thu Hương

 


Ý kiến của bạn