Tôi cũng hiểu rằng, người bệnh đến bất cứ một cơ sở y tế nào bao giờ họ cũng có mong muốn cao nhất là được chữa khỏi bệnh, nên cứ đến bệnh viện là "Trăm sự nhờ bác sĩ", hay "Các bác sĩ cứ chọn phương án tốt nhất cho tôi/người nhà tôi".
Thực ra đó cũng là những mong muốn chính đáng, tôi cũng hiểu như vậy, bởi tuy là thầy thuốc nhưng tôi và cả người nhà mình cũng đã từng có lúc là người bệnh, cũng lo lắng, phải chờ đợi.
Những lúc như vậy, tôi thường sẽ cố gắng giải thích về tình trạng bệnh cho người bệnh và người nhà của họ, về chẩn đoán, những việc cần làm, chiến lược điều trị, chăm sóc và tiên lượng, ... Và, một trong những việc khó nhất chính là TIÊN LƯỢNG BỆNH.
Bởi nơi tôi công tác là bệnh viện tuyến cuối nên người bệnh nặng từ khắp nơi đổ về, hơn nữa bệnh tật thì muôn hình vạn trạng nên đây là khâu cực kỳ khó khăn với các bác sĩ. Cũng có không ít gia đình đưa người nhà lên chỉ để xác định chẩn đoán cho thỏa mãn tâm lý của người bệnh và người nhà, rồi lại xin về ngay khi đã có chẩn đoán và tiên lượng bệnh.
Bác sĩ cũng là người, mà sức người thì bao giờ cũng có hạn, đôi khi cũng phải đầu hàng trước bệnh tật. Thời buổi hiện đại, bệnh tật cũng rất phức tạp, đặc biệt là những bệnh lý chuyển hóa và bệnh lý không lây nhiễm, rồi bệnh thận mạn và suy thận mạn sẽ kéo theo nhiều biến chứng ở nhiều cơ quan trong cơ thể, ... tóm lại là toàn những người đa bệnh lý và phức tạp chứ không phải là đơn bệnh, đòi hỏi chúng tôi phải tiếp cận đa ngành, đa chuyên khoa. Cùng với đó còn là chi phí điều trị tốn kém mà không chắc đã giải quyết triệt để được vấn đề.
Bác sĩ và nhân viên y tế có nhiệm vụ chăm sóc, giảm đau đớn cho người bệnh, nhưng khi người bệnh có tiến triển tốt thì các bác sĩ cũng sẽ được chữa lành.
Người bác sĩ chân chính thì không ai mong muốn người bệnh cứ bị lai rai mãi, phải nằm viện kéo dài. Nhiều khi tôi nói vui mà thật với người bệnh của mình: Các bác đau đớn, khổ sở, mãi chưa thuyên chuyển bệnh thì tôi cũng không vui, ăn bữa cơm cũng kém ngon.
Tình huống tồi tệ nhất có lẽ là có những người bệnh không may tử vong ở bệnh viện, hoặc đôi khi là người nhà kiên quyết ở lại cho tới cùng và chỉ buông tay khi người bệnh tử vong rồi mới cho về. Từ khi còn là cậu sinh viên năm 3 bắt đi lâm sàng ở bệnh viện cho tới nay cũng đã hơn 20 năm, tôi cũng đã từng phải cấp cứu ngừng tuần hoàn không biết bao nhiêu người bệnh, thậm chí là ngồi trên xe cứu thương bóp bóng đưa người bệnh coi như đang hấp hối về tận nhà.
Nên một trong những khó khăn nhất của tôi thấy là khi phải điều trị cho những người bệnh quá nặng và không mấy tiến triển. Tôi phải đưa ra quyết định mình và người nhà người bệnh sẽ đi tiếp hay dừng lại? Sẽ giải thích tình trạng và tiên lượng cho người nhà họ ra sao? Nguy cơ thất bại hay tử vong là bao nhiêu phần trăm? Rất khó!
Thực ra trong nghề Y thì ai cũng hiểu, NẶNG XIN VỀ có nghĩa là về để được chết ở nhà, tránh tử vong ở bệnh viện.
Những trường hợp như vậy thường tôi có hai lập luận của riêng mình:
- Một là, tôi sẽ cố gắng đứng trên lập trường của người bệnh và người nhà của họ để khuyên bảo. Thường thì ai cũng mong muốn tốt nhất cho người nhà mình, ngoại trừ một số trường hợp rất phức tạp về phía quan hệ gia đình họ mà đôi khi bác sĩ nào cũng gặp phải. Tôi cũng đã từng phải ra quyết định ký bệnh án cho người nhà mình bị bệnh nhưng nặng quá phải xin về nhà chờ hậu sự.
Tôi nhớ lại câu chuyện về buổi giao ban của Thầy Tôn Thất Bách với các anh nội trú Ngoại, khi các anh chia 2 phe mổ và không mổ cho những người bị chấn thương sọ não nặng. Nhiều khi người nhà nói rằng các bác sĩ giải thích rằng nếu mổ thì cũng có nguy cơ tử vong mà không mổ thì chắc chắn tử vong, là vì vậy. Thầy Bách chỉ hỏi một câu: Thế nếu đó là người nhà các cậu thì các cậu có quyết định mổ hay không?
Câu hỏi không có câu trả lời nhưng mọi người cũng hiểu là mình sẽ cần phải làm gì?
- Hai là, cố gắng thực hiện đúng nguyên tắc của kỹ năng tư vấn mà tôi vẫn nói tôi đã được học từ các thầy cô dạy từ khi còn là sinh viên, đó là lập trường trung gian, mình làm nhiệm vụ cung cấp thông tin trung thực, chính xác nhất có thể chứ không không thiên về làm hay không làm. Còn đâu quyết định về hay ở lại, có điều trị hay không, là quyết định của người nhà người bệnh. Tất nhiên nếu người bác sĩ có những trải nghiệm thực tế cũng nên chia sẻ để họ hiểu hơn.
Tất nhiên có những trường hợp mà nặng quá gần như sắp tử vong thì tôi phải nhanh chóng thông báo cho người nhà biết để họ ra quyết định xin về gặp mặt người thân lần cuối.
Mỗi khi có người bệnh nặng phải xin về, không phải là bác sĩ thấy nhẹ nhõm hơn, mà thực sự là cảm giác không thoải mái, dù là bệnh quá nặng, và cả hai bên đã cố gắng hết sức.
Nên đôi khi tôi vẫn thường tâm sự với các em sinh viên và học viên sau đại học:
"Đã là thầy thuốc, chúng ta cứ cố gắng làm hết sức của mình, thì dù chữa được hay không được chúng ta cũng không phải hối hận về những việc chúng ta đã làm".
Bài viết thể hiện quan điểm riênh của tác giả.