Bệnh nặng hơn do lạm dụng thuốc

23-05-2016 14:05 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tại phòng mạch tai mũi họng, sau khi bác sĩ khám, hỏi han về tiền sử dùng thuốc cho một bệnh nhân rồi kết luận: bác bị viêm mũi có nguyên nhân là do dùng thuốc xylomethazolin mà bác đang nhỏ. Nằm trong túi người bệnh nhân này, nghe thấy vậy, xylomethazolin tôi thấy ấm ức và buồn… Ấm ức vì đâu phải hoàn toàn do lỗi của tôi và buồn cho người bệnh vì lạm dụng tôi mà ra nông nỗi này.

Ưu điểm của tôi là làm co mạch tại chỗ nhanh và kéo dài nên giảm sưng và sung huyết khi tiếp xúc với niêm mạc. Vì vậy, khi nhỏ vào mũi bị ngạt, tôi sẽ làm cho niêm mạc mũi co lại, mũi sẽ không còn bị sung huyết, phù nề nữa nên người bệnh dễ thở.

Chính vì có tác dụng trên nên tôi được dùng để nhỏ hoặc xịt mũi làm giảm triệu chứng ngạt mũi và giảm sung huyết trong các trường hợp viêm mũi cấp tính hoặc mạn tính, viêm xoang, cảm lạnh, cảm mạo hoặc dị ứng đường hô hấp trên, đau đầu hoặc viêm tai giữa cấp liên quan tới sung huyết mũi. Ngoài ra, tôi cũng được dùng để giảm sưng, làm cho dễ quan sát niêm mạc mũi và họng trước khi phẫu thuật hoặc thủ thuật chẩn đoán, làm thông lỗ vòi nhĩ bị tắc ở người bệnh viêm tai. Sau khi dùng tại chỗ dung dịch thuốc ở niêm mạc mũi hay kết mạc, tác dụng co mạch đạt được trong vòng 5-10 phút và kéo dài trong khoảng 10 giờ. Vì vậy, trong 24 giờ (một ngày), người bệnh chỉ dùng tôi nhiều nhất là 3 lần. Và không tự ý dùng tôi quá 3 ngày. Nếu dùng thuốc liên tục 3 ngày không thấy đỡ, cần ngừng thuốc và đi khám bệnh. Không dùng tôi trong thời gian dài. Khi thiếu tôi mà bạn không thở được nghĩa là bạn đã lệ thuộc vào tôi, đồng nghĩa với bệnh của bạn đã trở nên trầm trọng - “viêm mũi do thuốc”. Hậu quả này là do các bạn lạm dụng tôi chứ đâu phải hoàn toàn do tôi.

Ngoài gây “viêm mũi do thuốc” tôi còn gây kích ứng niêm mạc nơi tiếp xúc, làm khô niêm mạc mũi cho người sử dụng. Do thuốc nhỏ mũi có thể thấm xuống họng gây tăng huyết áp, tim đập nhanh, loạn nhịp nên cần thận trọng dùng cho những người bị cường giáp, bệnh tim, tăng huyết áp, xơ cứng động mạch, phì đại tuyến tiền liệt hoặc đái tháo đường... Chỉ dùng thuốc xylomethazolin cho trẻ em dưới 2 tuổi khi có chỉ định và sự theo dõi của thầy thuốc.


Nguyễn Bích Ngọc
Ý kiến của bạn