(SKDS) - Mùa hè nắng nóng, mưa giông thất thường tạo điều kiện rất thuận lợi cho các loại nấm gây bệnh phát triển. Nhưng mùa hè lại là mùa du lịch, nghỉ mát nên bạn cần phải đề phòng các bệnh nấm da vì khi đi du lịch, dã ngoại, tắm biển, da của bạn dễ bị nhiễm nấm và mắc bệnh.
Nấm thường lây trực tiếp
Các loại bệnh nấm da thường lây trực tiếp khi da của bạn tiếp xúc với bào tử nấm, sợi nấm trong thiên nhiên, trong không khí, đất, nước hoặc từ thực vật... hoặc khi bạn tiếp xúc với súc vật bị nấm như chó, mèo, trâu, bò, dê cừu... Những yếu tố thuận lợi để bệnh lây lan là: da của bạn bị tổn thương, mồ hôi lép nhép làm bở lớp sừng, cọ sát da làm xung huyết, nhất là trong điều kiện thiếu vệ sinh, ít tắm giặt, để cho nha bào, sợi nấm bám vào da có đủ thời gian nảy nở và phát triển thành bệnh.
Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Biểu hiện một số bệnh nấm da thường gặp
Nấm cryptococcus neoformans gây viêm da là các vết loét có ranh giới rõ, hình tròn hoặc đa cung, ở giữa màu đỏ tím, xung quanh có quầng màu hồng, dưới là dịch và mủ. Tổn thương có thể lan rộng rồi có thể hoại tử và thành vết loét nông, tiến triển mạn tính.
Nấm Actinomyces gây bệnh ở vùng cổ, mặt, ngực, bụng: tổn thương ban đầu xuất hiện một hay nhiều cục ở dưới da, thường cứng chắc, không đau, gắn với nền sâu, sau dính với mặt da trên, thường có màu hồng, dần dần thành gôm mềm, nhũn ở giữa và dò mủ.
Nấm Candida gây bệnh nứt mép: mép đỏ, nứt và loét trợt, hay kèm theo tưa trong miệng và có thể lan ra cả mặt. Viêm các kẽ như bẹn, nách, dưới vú, khoeo, khuỷu và ngón tay, kẽ ngón chân. Tổn thương là những vết đỏ, ranh giới rõ, hơi gồ cao, có vảy, có khi có mụn nước hoặc mụn mủ. Bề mặt thương tổn đỏ và ướt, bờ không đều, nham nhở, xung quanh có một viền vảy mỏng dễ bong. Nấm còn gây rụng tóc và không mọc lại; viêm móng do Candida.
Nấm penicillium gây tổn thương ở da, ở cơ cũng có thể xuất hiện những nốt sẩn giống như u mềm lây, dạng trứng cá mụn mủ, cục, hạt, loét và có áp-xe dưới da.
Các biện pháp phòng bệnh
Khi phát hiện có một số triệu chứng của bệnh nấm da nói trên, bạn phải đi khám và điều trị ở khoa da liễu bệnh viện vì điều trị bệnh nấm cần thời gian lâu dài và sử dụng thuốc kháng nấm thích hợp.
Phòng bệnh nấm da chủ yếu là các biện pháp vệ sinh. Bạn cần tắm rửa sạch sẽ bằng nước sạch hàng ngày, dùng xà phòng có độ kiềm thích hợp với độ pH của da khoảng 4,5 - 5,5; tránh xà phòng có độ kiềm cao quá làm khô da, giảm sức chống đỡ của da. Đối với người chế biến thực phẩm, hoa quả, bia thì cần phòng nhiễm nấm men gây viêm da bằng cách đeo găng tay, chân đi ủng. Hết giờ làm việc phải rửa sạch tay chân và lau khô, chú ý ở đầu móng, nếp, kẽ ngón tay, kẽ ngón chân, thay tất hằng ngày. Khi có người bị nấm da thì nên cách ly, luộc quần áo, lộn trái quần áo khi phơi nắng. Không dùng chung quần áo, giường chiếu, chăn màn, mũ, lược, khăn quàng, giày tất.
ThS. Nguyễn Thị Thu Hà