Bệnh nám da mùa hè, phòng và điều trị hiệu quả ai cũng nên biết

22-05-2023 09:04 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Nám da là một trong những vấn đề da liễu khiến cho phái đẹp phải đau đầu. Vào mùa hè, ánh nắng mặt trời với tia UVA và UVB tác động đến làn da khiến nám da, gây ra tình trạng lão hóa da sớm.

Nám da được xem là bệnh da liễu tương đối khó khăn khi điều trị. Vì vậy, việc hiểu biết về căn bệnh này là vô cùng quan trọng.

Nám da và nguyên nhân gây nám

Nám da được hình thành bởi sự tăng sinh melanin quá mức, thông thường sự gia tăng này tạo lên các đốm có màu từ nâu đến đen, thường xuất hiện trên gò má, trán hoặc các vùng phơi bày ánh sáng khác. Nám da là một trong những thủ phạm làm cho phụ nữ cảm thấy mất tự tin về sắc đẹp của mình. Điều đáng lưu tâm là nám dai thường xuất hiện rất sớm khiến phái đẹp đau đầu và lo lắng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nám da, tuy nhiên, ánh nắng mặt trời là yếu tố khiến cho tình trạng nám da thúc đẩy nhanh hơn. Theo nghiên cứu, người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời sẽ có nguy cơ bị nám da cao hơn nhiều lần so với các đối tượng khác.

Người ta ghi nhận, nám da còn do sự lão hóa của cơ thể, dưới sự tấn công của các gốc tự do, cơ thể con người dần già đi theo năm tháng. Với người phụ nữ, có thể cảm nhận thấy sự già đi của mình khi bước qua tuổi 30, kèm theo đó là các vết nám, sạm, tàn nhang xuất hiện ngày càng nhiều trên mặt. Tuy nhiên, nếu mùa hè việc tiếp xúc trực tiếp thường xuyên với ánh nắng mặt trời sẽ khiến tình trạng nám da tiến triển nhanh hơn, nặng hơn.

Bệnh nám da mùa hè, phòng và điều trị hiệu quả cần nhớ  - Ảnh 1.

Tếp xúc trực tiếp thường xuyên với ánh nắng mặt trời sẽ có nguy cơ cao bị nám da

Bên cạnh sự thay đổi nội tiết tố của cơ thể phụ nữ (phụ nữ mang bầu và ở tuổi tiền mãn kinh) sẽ kích thích cơ thể tăng sản xuất các hắc sắc tố gây nám da. Một số trường hợp lạm dụng mỹ phẩm làm trắng da hay một số thuốc làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh sáng cũng dễ có nguy cơ bị nám da hơn.

Điều trị nám da thế nào?

Trên thực tế ghi nhận, nám do hai nguyên nhân chính là sự thay đổi nội tiết tố và tác động của ánh nắng mặt trời. Vì vậy, tùy từng trường hợp nám mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phù hợp.

Các phương pháp điều trị bao gồm: Thuốc bôi, thuốc uống hay là dùng máy chiếu ánh sáng IPL, máy laser... Nhiều trường hợp các bác sĩ sử dụng thuốc bôi nhưng phương pháp thuốc bôi tại chỗ có khả năng gây nên tình trạng viêm da do tiếp xúc dị ứng, tăng sắc tố sau viêm...

Đối với nám thường các bác sĩ có thể tái tạo da bằng hóa chất, tái tạo da sinh học hoặc áp dụng phương pháp lột da hóa học để lấy đi bớt những tế bào ở thượng bì để cho da sáng hơn, đều màu.

Nếu là nám nông ở dưới da, có thể sử dụng những loại chế phẩm uống hoặc sử dụng các loại laser ánh sáng. Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng, tùy thuộc vào mỗi bệnh nhân mà các bác sĩ chỉ định phù hợp.

Song song với trị nám, người không có thói quen chống nắng cho da sẽ gặp khó khăn trong điều trị nám và có nguy cơ tái phát cao hơn người thường xuyên dùng kem chống nắng.

Bệnh nám da mùa hè, phòng và điều trị hiệu quả cần nhớ  - Ảnh 2.

Điều trị nám người bệnh cần phải kiên trì, cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Khi điều trị nám không được lạm dụng các loại mỹ phẩm trang điểm, nhất là các dòng sản phẩm kém chất lượng. Sản phẩm khiến da bị bào mòn, mỏng và yếu đi.

Và những người làm việc ngoài nắng nhiều cũng sẽ gặp khó khăn trong điều trị nám da hơn là người làm việc trong nhà, ít tiếp xúc với ánh nắng. Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, thiếu chất cũng sẽ thiếu dinh dưỡng để nuôi làn da và khi đó nám cũng sẽ khó kiểm soát hơn.

Do đó, trong quá trình điều trị nám người bệnh cần phải kiên trì, cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Không nên tự ý đi khám một lần rồi lấy đơn thuốc cũ mua uống ở lần sau hoặc chữa trị theo sự mách bảo của bạn bè, người thân.

Tóm lại, nám da là một bệnh da liễu phức tạp do đó khi có biểu hiện nám da, việc điều trị là cần thiết giúp phái đẹp tự tin hơn. Sau điều trị, nám da có thể tái phát nhất là tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời vì vậy, trong quá trình điều trị và sau điều trị nám da, tuân thủ mọi phác đồ của bác sĩ chuyên khoa đưa ra để sớm có làn da đẹp.

Vị trí thương tổn nám thường gặp chủ yếu ở vùng mặt (má, cằm, trán) và vùng tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời (tay, chân, thân mình). Thương tổn có tính chất đối xứng.
- Đặc điểm thương tổn:
+ Nám thượng bì (nám nông): các đốm, mảng màu nâu
+ Nám trung bì: các dải, vệt màu nâu đen hoặc xanh đen
+ Nám hỗn hợp: kết hợp giữa nám thượng bì và nám trung bì.

Mời độc giả xem thêm video:

Phải Làm Gì Khi Gặp Người Bị Say Nắng, Say Nóng

Ths. Bs.Trịnh Tiến Thành
Ý kiến của bạn