Hà Nội

Bệnh nấm Candida: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

18-09-2024 11:09 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh nấm Candida là một bệnh nhiễm trùng bởi loại nấm tên là Candida (phổ biến nhất là Candida albicans) gây ra. Hầu hết phụ nữ đều bị nhiễm nấm (trong đó có Candida) với lượng nhỏ và không gây ra vấn đề gì. Khi hệ miễn dịch suy giảm hoặc gặp môi trường thích hợp sẽ tạo điều kiện vi nấm phát triển và gây bệnh.

Nên ăn gì khi bị nhiễm nấm Candida?Nên ăn gì khi bị nhiễm nấm Candida?

SKĐS- Bệnh nhiễm nấm Candida có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Chế độ ăn uống đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát triệu chứng và hỗ trợ quá trình điều trị nấm Candida hiệu quả.

1. Nấm Candida là gì? Nguyên nhân gây bệnh nấm Candida?

Có rất nhiều loại nấm men sống trong cơ thể người, trong đó có nấm Candida. Loại nấm này thường sống với số lượng nhỏ ở những nơi như miệng và bụng hoặc trên da mà không gây ra bất kỳ vấn đề nào.

Nhưng khi gặp môi trường thích hợp, nấm Candida có thể sinh sôi và phát triển ngoài tầm kiểm soát và gây bệnh. Tùy vào vị trí phát triển nấm mà có tên gọi khác nhau:

  • Nấm miệng (Candida hầu họng, thực quản);
  • Nhiễm trùng nấm men sinh dục (Candida sinh dục);
  • Phát ban do nhiễm nấm Candida (Candida trên da);
  • Candida xâm lấn.

1.1 Nguyên nhân nhiễm nấm Candida

1.1.1 Nấm miệng (Candida hầu họng, thực quản)

Khi nấm Candida lây lan trong miệng và cổ họng có thể gây ra nhiễm trùng gọi là tưa miệng. Bệnh này phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu. Bệnh thường gặp ở trẻ còn bú do pH tại chỗ thấp, trẻ suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hoá. Đối với người lớn có nguy cơ cao bị mắc bệnh nấm miệng bao gồm người lớn từ 65 tuổi trở lên, những người hệ miễn dịch suy yếu.

Bệnh nấm Candida: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa- Ảnh 2.

Hình ảnh nấm Candida trên kính hiển vi

Nhiễm nấm Candida thực quản rất thường gặp trong các bệnh nấm xâm nhiễm niêm mạc. Phần lớn các trường hợp nấm thực quản là do nấm Candida gây ra. Bệnh nhân thường có biểu hiện khó nuốt, trào ngược thực quản, có thể phối hợp với nhiễm nấm ở miệng.

1.1.2 Nhiễm trùng nấm men sinh dục (Candida sinh dục)

Nhiễm trùng xảy ra khi có quá nhiều nấm Candida phát triển trong âm đạo. Nhiễm nấm Candida thường xảy ra khi sự cân bằng trong âm đạo thay đổi. Đôi khi, nhiễm trùng có thể được truyền từ người này sang người khác khi quan hệ tình dục. Số ít nam giới cũng có thể bị nhiễm nấm Candida sinh dục.

1.1.3 Phát ban do nhiễm nấm Candida

Ở trẻ nhỏ nhiễm nấm Candida chủ yếu là phát ban do tã lót, đa số thường do để tã ướt hoặc bẩn quá lâu không thay. Tuy nhiên khi da của bé bị kích ứng, khả năng nhiễm nấm sẽ cao hơn.

Ở trẻ lớn và người trưởng thành, phát ban do nhiễm nấm Candida còn gọi là viêm da do nấm Candida. Bệnh dễ gặp ở những người béo phì, ra nhiều mồ hôi, người tay chân phải nhúng nước thường xuyên hoặc gặp ở trẻ em suy dinh dưỡng, viêm da quanh mông và sinh dục...

1.1.4. Candida xâm lấn

Nếu nấm Candida xâm nhập vào máu nó có thể di chuyển đến tim, não, máu, mắt và xương. Điều này có thể gây ra nhiễm trùng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Bệnh nấm ở nội tạng do Candida xâm lấn khá hiếm gặp. Chỉ gặp ở những bệnh nhân suy kiệt, có bệnh mạn tính nặng, ung thư nhất là giai đoạn cuối của bệnh, dùng kháng sinh hoặc thuốc ức chế miễn dịch kéo dài...

1.2 Những ai có nguy cơ bị bệnh nấm Candida?

1.2.1 Người bị nhiễm nấm miệng (Candida hầu họng, thực quản)

Bệnh Candida hầu họng phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch suy yếu. Hoặc người trưởng thành: Đang điều trị ung thư; Dùng thuốc như corticosteroid và kháng sinh phổ rộng; Mang răng giả; Bị bệnh đái tháo đường.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm nấm Candida thực quản gồm có:

  • Người cao tuổi ;
  • Người bị suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV/AIDS;
  • Bệnh nhân ung thư, hóa trị, xạ trị vùng cổ;
  • Người bị đái tháo đường;
  • Người bị suy tuyến thượng thận;
  • Người dùng kháng sinh, corticoid thời gian dài, bao gồm cả corticoid dạng hít để kiểm soát bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính;
  • Người thường xuyên uống rượu bia, dùng chất kích thích thích cũng tăng nguy cơ nhiễm nấm Candida thực quản
Bệnh nấm Candida: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa- Ảnh 3.

Nhiễm nấm Candida âm đạo.

1.2.3 Nhiễm trùng nấm men sinh dục (Candida sinh dục)

Nhiễm nấm Candida sinh dục thường xảy ra khi sự cân bằng trong âm đạo thay đổi trong trường hợp:

  • Phụ nữ đang mang thai;
  • Người có bệnh tiểu đường;
  • Do hệ miễn dịch suy yếu;
  • Người đang sử dụng một số loại thuốc như: thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai, thuốc corticoid;
  • Phụ nữ thường xuyên sử dụng một số loại thuốc thụt rửa, thuốc xịt âm đạo, chất bôi trơn hoặc chất diệt tinh trùng;
  • Trường hợp thường xuyên mặc bộ đồ tắm ướt quá lâu hoặc quần áo tập thể dục, quần áo lót không thoáng khí;
  • Lây truyền từ người này sang người khác qua quan hệ tình dục không an toàn.

1.2.4 Phát ban do nhiễm nấm Candida

Bệnh dễ gặp ở trẻ em suy dinh dưỡng, viêm da quanh mông và sinh dục. Trẻ dùng tã thường xuyên bị hăm tã. Với người lớn, bệnh dễ gặp ở những người béo phì, ra nhiều mồ hôi, người tay chân phải nhúng nước thường xuyên…

1.2.5 Candida xâm lấn

Giống như các loại nhiễm trùng nấm men khác, trường hợp bị đái tháo đường, suy giảm hệ miễn dịch, suy thận hoặc đang sử dụng thuốc kháng sinh, corticoid nguy cơ mắc bệnh nấm Candida xâm lấn sẽ cao hơn.

2. Triệu chứng bệnh nấm Candida

2.1 Triệu chứng bệnh nấm Candida tùy thuộc vào vị trí phát triển nấm

Nấm miệng (Candida hầu họng)

Các triệu chứng bao gồm:

Niêm mạc miệng lưỡi viêm đỏ sau xuất hiện nhiều giả mạc trắng. Có thể gặp bất cứ vị trí nào trong khoang miệng như: trên lưỡi, môi, lợi, vòm miệng và má trong.

Ở trẻ nhỏ: đau rát khiến trẻ bỏ bú, ăn uống kém;

Người lớn thấy đỏ hoặc đau trong miệng và cổ họng, ăn uống kém, có thể bị nứt khóe miệng.

Nhiễm trùng nấm men sinh dục (Candida sinh dục)

Các triệu chứng bao gồm:

  • Ngứa ngáy nặng ở âm đạo;
  • Âm đạo và âm hộ (phần bên ngoài của bộ phận sinh dục nữ) bị đỏ và sưng tấy;
  • Đau và rát khi đi tiểu, tiểu buốt rắt;
  • Tiết dịch "pho mát nhỏ" dày, màu trắng từ âm đạo.
  • Những triệu chứng khác gồm có hồng ban, rát bỏng ở âm hộ, đau khi quan hệ tình dục. Khám niêm mạc âm đạo viêm đỏ trên phủ giả mạc trắng.
  • Nam giới bị nhiễm nấm Candida có thể bị mẩn đỏ, ngứa dương vật.

Lưu ý: Các triệu chứng nhiễm nấm Candida âm đạo ở phụ nữ có thể giống với các bệnh nhiễm trùng khác như viêm âm đạo do vi khuẩn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Phát ban do nhiễm nấm Candida

Các triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ là: Ngứa, hăm tã, nổi mẩn đỏ.

Tổn thương viêm da do nấm Candida ở trẻ em và người lớn thường gặp ở vùng kẽ (cổ, chân, tay, kẽ mông, bẹn, nếp dưới vú...) thành đám đỏ, trợt, láng bóng, ranh giới rõ kèm tổn thương vệ tinh; Ngứa nhiều, rát bỏng.

Candida xâm lấn

Các triệu chứng bao gồm: Sốt và ớn lạnh.

Biểu hiện viêm màng trong tim, viêm màng não, viêm phổi, viêm ruột, gan lách, nhiễm nấm máu… dễ dẫn đến tử vong.

2.2 Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nhiễm nấm Candida nào nêu trên, người bệnh cần đi khám tại cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra và tư vấn. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh nấm Candida và giúp bệnh mau khỏi, trán bị dai dẳng và tái đi tái lại nhiều lần.

3. Bệnh nấm Candida có lây truyền không?

Bệnh nấm Candida là bệnh lây nhiễm, có mức độ lây lan cao. Tùy từng loại bệnh, nấm Candida có thể lây lan từ bộ phận này sang bộ phận khác của cơ thể và lây lan từ người này sang người khác.

4. Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm nấm Candida

4.1 Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm nấm Candida

Khi có biểu hiện nhiễm nấm Candida, ngoài khám quan sát biểu hiện tại chỗ, bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm. Tùy từng bệnh mà bệnh phẩm là: dịch đờm, dịch âm đạo, vẩy da, chất ngoáy họng... Bệnh phẩm được soi tươi và nhuộm gram, eosin, hematoxylin thấy nhiều tế bào men hình bầu dục, có chồi, có thể có sợi nấm giả.

Các xét nghiệm tìm Candida bao gồm:

Xét nghiệm nuôi cấy: Kiểm tra nấm men và vi khuẩn dưới kính hiển vi.

Nội soi: Kiểm tra thực quản, dạ dày và ruột non bằng phương pháp nội soi.

Sau khi xác định được nguyên nhân chính xác nhiễm nấm Candida các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

4.2 Phương pháp điều trị nhiễm Candida

Thuốc kháng nấm là phương án được áp dụng phổ biến trong những trường hợp bị nhiễm nấm Candida. Ví dụ nếu là nấm miệng có thể dùng thuốc dạng bôi, nếu nặng có thể dùng phối hợp đường uống.

Nếu nhiễm nấm Candida trên da cần giữ gìn vệ sinh da luôn khô thoáng, sạch sẽ kết hợp với dùng những thuốc có công dụng chống nấm.

Nếu nhiễm nấm Candida vùng sinh dục, bệnh nhân có thể được dùng thuốc đặt âm đạo đồng thời phối hợp với các thuốc đường uống khác.

Lưu ý: Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu không được dùng những thuốc này.. Ngoài ra trong quá trình dùng thuốc cần kiêng quan hệ tình dục và không uống rượu bia. Nếu bạn tình cũng xuất hiện triệu chứng bệnh thì cần phải điều trị.

Đối với những trường hợp bị nhiễm nấm Candida toàn thân có thể sẽ được chỉ định tiêm đường tĩnh mạch.

5. Phòng ngừa bệnh nhiễm nấm Candida

5.1 Chế độ sinh hoạt

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn phòng ngừa và hạn chế diễn tiến của bệnh nhiễm nấm Candida

Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị.

Duy trì lối sống tích cực, lạc quan, hạn chế căng thẳng.

Đi khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ có hướng điều trị phù hợp tiếp theo.

Liên hệ ngay với bác sĩ khi gặp tác dụng phụ của thuốc hoặc bệnh diễn biến theo hướng nặng lên.

Năng lập luyện để nâng cao sức đề kháng.

Chế độ dinh dưỡng:

Cần bổ sung các thực phẩm lành mạnh cho sức khỏe như rau củ quả, thịt cá tươi. Điều này giúp đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho cơ thể, nhất là vitamin và khoáng chất.

Ăn phong phú các loại thực phẩm, nếu bị đái tháo đường thì cần có chế độ ăn thích hợp. Tham khảo bác sĩ để có chế độ ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe.

5.2 Cách phòng ngừa nhiễm nấm Candida

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Phòng tránh các bệnh dễ gây suy giảm miễn dịch, đái tháo đường.

Thường ngày cần tắm rửa sạch sẽ, súc miệng, họng với nước muối để sát khuẩn. Không dùng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân với người khác.

Cần tăng cường hệ miễn dịch bằng lối sống lành mạnh, tập luyện thể dục đều đặn, không sử dụng các chất kích thích.

Quan hệ tình dục an toàn.

Không tự ý dùng thuốc ức chế miễn dịch mà chưa có chỉ định hoặc hướng dẫn của bác sĩ.

Ích mẫu - Vị thuốc quý chữa bệnh phụ nữ.


BS. Đức Phong
bác sĩ
Ý kiến của bạn