Bệnh mùa nắng nóng

09-06-2012 10:03 | Phòng mạch online
google news

Mùa nắng nóng với nhiệt độ cao, độ ẩm lớn là điều kiện rất thuận lợi cho các loại virut, vi khuẩn, ký sinh trùng và côn trùng gây bệnh phát triển, trong khi sức đề kháng của con người bị suy giảm do dinh dưỡng kém, mệt mỏi mất nước, mất muối.

(SKDS) –  Mùa nắng nóng với nhiệt độ cao, độ ẩm lớn là điều kiện rất thuận lợi cho các loại virut, vi khuẩn, ký sinh trùng và côn trùng gây bệnh phát triển, trong khi sức đề kháng của con người bị suy giảm do dinh dưỡng kém, mệt mỏi mất nước, mất muối. Vì vậy, bước vào mùa nắng nóng, chúng ta đang đứng trước nguy cơ rất nhiều bệnh cấp tính xảy ra, có thể lây lan thành dịch đặc biệt là đối tượng trẻ em và người cao tuổi. Ngoài ra, nắng nóng cũng  là điều kiện thuận lợi cho một số bệnh mạn tính có cơ hội tái phát.

Một số  bệnh cấp tính

Mùa nắng nóng rất dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa. Bệnh có liên quan nhiều đến ăn uống, các loại nước uống, nước giải khát, không hợp vệ sinh, ăn các loại thực phẩm chưa nấu chín hoặc bảo quản không đúng cách đều có thể mắc các bệnh về đường ruột. Bệnh thường do vi khuẩn E.coli, thương hàn, lỵ, đặc biệt nguy hiểm là vi khuẩn tả, liên cầu lợn, tụ cầu vàng hoặc vi khuẩn ngộ độc thịt. Triệu chứng điển hình là đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, dẫn đến mất nước, mất chất điện giải, trụy tim mạch có thể gây tử vong. Hiện nay, tiêu chảy vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng  suy dinh dưỡng ở trẻ em, giảm sức đề kháng ảnh hưởng tới sự tăng trưởng sau này của trẻ. Khi trẻ bị tiêu chảy, việc đầu tiên các bậc cha mẹ cần làm là cho con uống nước oresol, đảm bảo chế độ dinh dưỡng và không được uống bất cứ loại thuốc nào nếu như không được bác sĩ chỉ định.

Mùa hè có thể gặp một số bệnh về đường hô hấp trên như viêm tai, viêm mũi họng. Bệnh thường liên quan mật thiết đến việc giữ gìn vệ sinh răng miệng. Bệnh viêm phế quản cấp tuy không phải là bệnh nặng nhưng hay mắc, và dễ có biến chứng viêm phổi, viêm tai giữa. Viêm phổi là tình trạng nặng với biểu hiện ho, sốt, thở nhanh dẫn đến khó thở suy hô hấp rất nguy hiểm. Bệnh cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ đặc biệt là trẻ sơ sinh. Cần tăng cường dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ, bên cạnh đó, việc bù lại lượng nước đã mất do sốt cao, nôn trớ, bằng cách cho trẻ uống nhiều nước hơn là việc làm cần thiết, phải vệ sinh mũi hằng ngày cho trẻ nếu trẻ bị viêm đường hô hấp trên.

Bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng đáng kể về số lượng trẻ em mắc bệnh trong thời gian vừa qua. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi, khả năng lây lan rất cao, có liên quan đặc biệt đến vấn đề vệ sinh cá nhân và môi trường. Bệnh thật sự nguy hiểm nếu xuất hiện các biến chứng về thần kinh như run chi, co giật, gồng người, hốt hoảng, lơ mơ... nếu gặp những biểu hiện này phụ huynh nên khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời.

 Trẻ nhập viện tăng đột biến khi thời tiết nắng nóng.

Mùa nắng nóng cũng là thời điểm làm cho trẻ dễ bị nhiễm  các loại virut  khiến trẻ bị sốt, phát ban, quấy khóc, nôn ói, ăn uống khó khăn… Hiện có hơn 200 chủng virut được phân lập, tuy nhiên hầu hết đều là các virut  thông thường ít có hại cho trẻ, bệnh có thể tự khỏi trong 5 - 7 ngày nếu được theo dõi và chăm sóc tốt. Một số virut nguy hiểm có thể gây hại cho trẻ, chúng ta cần phải chú ý để có cách phòng ngừa chủ động bằng các loại vacxin sẵn có như virut cúm, virut  sởi,  virut  gây bệnh thủy đậu, bệnh quai bị, bệnh sốt phát ban rubella…

Viêm não - màng não do vi khuẩn, virut cũng là một căn bệnh truyền nhiễm và rất hay gặp trong mùa nắng nóng. Viêm màng não có thể do não mô cầu, H. influezae, S. pneumoniae… các loại vi khuẩn này thường ký sinh ở họng, hầu, khi gặp điều kiện thuận lợi là chúng sẽ gây bệnh. Bệnh này cũng có liên quan chặt chẽ với vệ sinh họng miệng của từng cá nhân.  Viêm não Nhật Bản B là bệnh lý khá nguy hiểm gây tình trạng viêm cấp tính ở não và tủy sống.
 
Có nhiều loại virut gây ra, nên những dấu hiệu và triệu chứng có khác nhau về mức độ nặng nhẹ và sự tiến triển. Nhiều người bị nhiễm mà không có triệu chứng. Ở thể trung bình, có sốt, đau đầu, trường hợp nặng có sốt cao, đau đầu, hôn mê và có thể liệt. Bệnh gây tỷ lệ tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng nề. Hiện nay chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với người bệnh. Biện pháp điều trị chủ yếu hiện nay là điều trị triệu chứng và chăm sóc tích cực nâng cao sức đề kháng.

Với thời tiết oi bức, nhiệt độ môi trường tăng cao làm trẻ em thường bị chứng rôm sảy, lở ngứa rất khó chịu hay nhiễm khuẩn gây mụn nhọt. Mùa nắng nóng cũng có thể gặp nhiều bệnh thuộc về da như hắc lào, nấm kẽ, ghẻ, chốc đầu do liên cầu khuẩn hoặc do tụ cầu khuẩn. Một số trẻ bụ bẫm nếu vệ sinh da không sạch có thể mắc các bệnh do hăm kẽ ở cổ, nách, khuỷu tay, khoeo chân bởi vi khuẩn C.minusium. Ở một số người nhất là tuổi dậy thì có thể mắc bệnh trứng cá hoặc trứng cá tái phát vào mùa nắng nóng.

Mùa nắng nóng một số loại côn trùng rất dễ phát triển, trong đó phải kể đến các loại ong,  kiến, ve vắt, bọ chét, rệp dĩn … khi bị các loại côn trùng cắn, đốt gây phản ứng ngoài da là ngứa ngáy dữ dội, nơi bị cắn nổi hồng ban sưng phù, nổi mụn nước, bóng nước và các nốt dạng hạch lympho. Những vết đốt không nguy hiểm thường giảm và khỏi trong một vài ngày, nhưng đối với một số côn trùng có nọc như ong, nhện, kiến … có thể thể gây sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng. Muỗi là loại côn trùng rất nguy hiểm trong việc truyền bệnh đối với con người như sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não, bệnh giun chỉ ….

Các bệnh mạn  tính

Dù ở giai đoạn nào của quá trình suy tim thì người bệnh vẫn phải thường xuyên dùng các thuốc trợ tim, thuốc lợi tiểu, trong khi thời tiết mùa hè nóng nực làm cho tình trạng cơ thể mất nước nhiều hơn, do nước thoát ra qua tuyến mồ hôi và đi tiểu tăng lên. Những người bệnh này dễ mất muối, mất nước dẫn đến rối loạn nước và điện giải. Thể tích tuần hoàn giảm, các chất điện giải như natri, canxi, kali… đều giảm làm cho bệnh nhân có thể xuất hiện những biến chứng như rối loạn nhịp tim, suy thận do không đủ nước để lọc. Mặt  khác, mất nước cũng dễ làm xuất hiện tác dụng phụ của các thuốc điều trị kèm theo. Thể tích tuần hoàn giảm sẽ gây ra hiện tượng máu bị cô đặc, trở thành điều kiện thuận lợi cho tai biến tắc mạch do huyết khối, đặc biệt nguy hiểm đối với những người dùng thuốc chống đông không đầy đủ.

Nhiệt độ tăng làm nhịp tim tăng nhanh do vậy huyết áp cũng tăng theo, đây là điều nguy hiểm đối với người có sẵn bệnh tăng huyết áp. Những bệnh nhân này nên được điều trị bằng thuốc đầy đủ, không nên ngừng thuốc điều trị đột ngột sẽ dễ làm phát sinh cơn tăng huyết áp gây tai biến nghiêm trọng. Những bệnh nhân đang được điều trị thuốc hạ huyết áp bằng các thuốc lợi tiểu cũng lưu ý nguy cơ giảm thể tích tuần hoàn dẫn đến rối loạn nước và điện giải, nếu đang được điều trị hạ áp bằng các thuốc giãn mạch nên tránh hoạt động thời gian dài ngoài trời lúc nóng bức, đề phòng hiện tượng giãn mạch quá mức, dẫn đến tụt huyết áp.
 
Một số thuốc hạ huyết áp như nifedipine, amlordipine có thể có những tác dụng phụ nặng hơn như nóng mặt, nhịp tim nhanh hơn… làm người bệnh cảm thấy khó chịu, ngột ngạt, khó thở. Những người mắc bệnh động mạch vành thường là có mảng xơ vữa trong lòng động mạch, nguy cơ giảm thể tích tuần hoàn đối với những bệnh nhân này trong mùa hè sẽ dễ làm cho động mạch vành thuyên tắc, làm cho bệnh càng thêm nặng nề. Uống thuốc và uống nước đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ giảm được nguy cơ đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim.

Lưu ý nhất trong mùa hè đối với bệnh nhân đái tháo đường là chế độ dinh dưỡng. Tránh hiện tượng hạ đường huyết do ăn uống không đầy đủ trong khi vẫn dùng các thuốc điều trị đái tháo đường. Hạ đường huyết là một trong những yếu tố thuận lợi dẫn đến nhồi máu cơ tim ở trường hợp có suy mạch vành. Đồng thời, người bệnh đái tháo đường là một trong những cơ địa dễ bị biến chứng huyết khối, tắc mạch nhiều hơn nếu cơ thể không được cung cấp đủ nước trong mùa nắng nóng. Nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường của bệnh, phải được đi khám tại các chuyên khoa tim mạch và chuyển hoá kịp thời, tránh để những hậu quả xấu xảy ra.

Phòng bệnh mùa nắng nóng

Để việc phòng các bệnh mùa nắng nóng tốt cần đảm bảo tăng cường chế độ dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng của cơ thể, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với trẻ nhỏ nên cho con bú mẹ hoàn toàn trong 4-6 tháng đầu để trẻ hấp thu các kháng thể, cung cấp cho trẻ các loại vitamin và các loại nguyên tố vi lượng như kẽm, sắt, đồng, acid folic....  Vệ sinh môi trường bao gồm môi trường làm việc cũng như môi trường sinh hoạt, vệ sinh an toàn lao động. Đảm bảo vệ sinh cá nhân là những việc hết sức quan trọng.
 
Duy trì chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục đều đặn phù hợp là biện pháp giữ gìn sức khỏe cho mọi đối tượng. Một số bệnh đã có vaccin nếu chưa có miễn dịch cần tiêm phòng bởi vì tiêm vaccin là biện pháp mang lại nhiều hiệu quả phòng bệnh rất tốt. Thời tiết nắng nóng trong mùa hè thực sự là một trở ngại lớn đối với sức khỏe con người, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường… Cần tuân thủ đầy đủ hướng dẫn của bác sĩ về sử dụng thuốc và chế độ dinh dưỡng. Phải biết phòng bệnh từ bản thân mình cũng như mọi thành viên trong gia đình từ trẻ nhỏ đến người cao tuổi.

BS. Vũ Thành


Ý kiến của bạn