Mắc cúm 2 ngày thấy khó thở cần đến ngay bệnh viện
GS. TS Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam nói: Trong suốt cuộc đời, ai cũng có thể mắc cúm, đây là bệnh rất thông thường với các triệu chứng ho, sốt, đau đầu, đau mình mẩy, rét run... sau một vài ngày thì đỡ. Tuy nhiên một số trường hợp sẽ trở nặng, đặc biệt gần đây có một số chủng cúm nguy hiểm như cúm A H5N1, H1N1, H3N2. Để phân biệt bệnh nhân mắc chủng cúm nào không hề dễ. Các triệu chứng lâm sàng của cúm như sốt, đau đầu, sổ mũi, ho khan... hoàn toàn giống nhau và chỉ khác là nếu đến ngày thứ 2-3 bệnh nhân thấy mệt hơn hoặc khó thở thì hãy đến các cơ sở y tế gần nhất để khám, xét nghiệm máu, chụp CT phổi để xác định xem bệnh nhân có nhiễm cúm hay không, có tiến triển nặng hay không để có kế hoạch điều trị cụ thể.
Nhiều khi người bệnh thường chủ quan, nghĩ là cảm cúm thông thường không đến bệnh viện đến khi cơ thể không chịu nổi mới tới bệnh viện thì lúc đó cơ thể đã bị tàn phá quá nhiều với hội chứng suy đa phủ tạng, tỷ lệ tử vong khá cao. Vì vậy, khi mắc cúm dù không nhất thiết phải đến bệnh viện ngay ngày đầu nhưng bệnh nhân và người thân khi thấy trở bệnh nặng thì phải đến các cơ sở y tế để có các thiết bị chẩn đoán, theo dõi được tốt hơn.
Trẻ bị bệnh cúm cần đeo khẩu trang để phòng tránh lây lan bệnh
GS. TS Nguyễn Gia Bình nhấn mạnh, cúm là bệnh truyền nhiễm, lây qua đường hô hấp, vì ai cũng phải thở, nếu người bệnh đến chỗ đông người, bệnh rất dễ lây lan. Những người bị cúm cần đeo khẩu trang và khẩu trang cần giặt bằng xà phòng sát khuẩn hàng ngày. Người khỏe mạnh đến chỗ đông người cũng nên đeo khẩu trang để phòng bệnh. Nếu không kiểm soát được nguồn lây thì bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm cúm kể cả trẻ con và người lớn. Mùa đông thời tiết lạnh, ẩm, thích hợp cho virus phát triển, vậy cách phòng bệnh đơn giản nhất là làm nhà cửa thông thoáng, cần mở cửa sổ làm thông khí.
Với những người mắc bệnh mạn tính, bệnh phổi, chạy thận, đái tháo đường, người thường xuyên dùng thuốc corticoid, hay người già, trẻ em... nguy cơ bị cúm cao hơn. Do vậy vào khoảng tháng 8 nên đi tiêm phòng cúm. Còn đối với người bình thường không nhất thiết phải đi tiêm phòng cúm.
Về thông tin về loại vắc xin khô Influenzinum của Pháp được rao bán trên mạng, GS. TS Nguyễn Gia Bình khẳng định: Những sản phẩm xách tay như vậy không đảm bảo về chất lượng và độ an toàn. Tuy nhiên qua các tài liệu chúng tôi có được, ở nước ngoài, đúng có các chế phẩm dạng bột đông khô để uống, có thể sản sinh miễn dịch, hoặc làm giảm nhẹ triệu chứng khi bị cúm. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có một công ty nào được cấp phép nhập khẩu sản phẩm này do vậy cần thận trọng.
GS Bình cũng khuyến cáo, khi bị cảm cúm không nên dùng kháng sinh. Khi bị cúm thông thường, chúng ta có thể dùng một số loại thuốc giảm triệu chứng như thuốc hạ sốt với trẻ em, nếu bị đau đầu có thể dùng thuốc nhóm paracetamol, không nhất thiết dùng thuốc kháng sinh bởi thuốc kháng sinh không có tác dụng với virus cúm. Khi uống kháng sinh không đúng làm loạn khuẩn.
Truyền dịch cho trẻ bị tay chân miệng rất nguy hiểm
Theo GS.TS. Phạm Nhật An - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh thường là nhẹ và biến chứng không nhiều, nhưng nếu ở thể nặng, biến chứng, có thể gây tử vong và để lại di chứng nặng, nhất là di chứng thần kinh. Đây là bệnh lây lan, nên cần phải phòng ngừa, nếu để xảy ra dịch sẽ rất khó khống chế. Nếu tỷ lệ mắc tăng lên, thì tỷ lệ bệnh nặng và biến chứng cũng sẽ tăng lên, và cũng có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh TCM thường có biểu hiện ban đỏ, mụn phỏng ở tay, chân và miệng. Đầu tiên, xuất hiện các ban đỏ, sau đó các ban đỏ có thể biến thể thành các mụn phỏng ở da, tập trung ở vùng tay, vùng mông, và lòng bàn chân, lòng bàn tay. Đặc biệt, trong miệng xuất hiện các nốt đỏ, sau đó có thể loét và lan ra cả môi, cả lợi. Bệnh TCM có thể kèm theo sốt nhẹ, một vài trường hợp có triệu chứng đau họng, tiêu chảy nhẹ. Thể nặng có thể sốt cao, giật mình, nôn, bỏ bú, trường hợp nặng có thể khó thở, suy hô hấp.
Bệnh TCM thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt ở trẻ dưới 3 tuổi, trẻ càng nhỏ càng dễ bị nặng hơn. TCM không có vaccin phòng bệnh nên chủ yếu vẫn là phòng bệnh thụ động, giảm nguy cơ phơi nhiễm. Trong mùa này, nếu có trường hợp bị TCM, cần cách ly tốt để tránh lây sang cho các trẻ em khác.
Khi trẻ bị TCM nhẹ vẫn ăn chơi bình thường, sốt rất nhẹ, không quá 38 độ C có thể điều trị tại nhà. Biện pháp điều trị cơ bản là dùng dung dịch sát khuẩn ở miệng, dùng gel đánh vào miệng để giữ vệ sinh hoặc giảm đau trước khi ăn 30 phút. Ở da giữ cho nốt phỏng không nên vỡ, để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn. Tắm được, nhưng tránh làm vỡ mụn phỏng, nên dùng dung dịch sát khuẩn bôi thường xuyên. Khi trẻ sốt, phải cho thuốc hạ sốt sớm. Ở nhiệt độ 38 độ C, có thể cho uống thuốc hạ nhiệt. Cho uống đầy đủ nước dung dịch điện giải như oresol.
Khi cho trẻ ăn, cần cho trẻ ăn thức ăn mềm như súp, sữa và thức ăn không được để nóng. Thức ăn nóng sẽ làm cho miệng trẻ vốn bị loét sẽ dễ đau.
Tuyệt đối không nên tự ý truyền dịch vì sẽ không cần thiết bởi dinh dưỡng bổ sung qua đường ăn bằng miệng sẽ tốt hơn. Trẻ bị TCM rất hay bị phù phổi cấp và suy tim cấp nên truyền dịch sẽ rất nguy hiểm. Khi bị TCM phải có sự chỉ định của bác sĩ mới được truyền dịch.
Bệnh tiêu chảy cũng là bệnh nguy hiểm cho trẻ. GS.TS. Phạm Nhật An cho biết, nguyên nhân gây tiêu chảy có thể do ăn uống hoặc do các nguyên nhân khác như viêm tai giữa, viêm màng não…nhưng đa số là do rota virus. Hiện nay đã có vắc xin phòng tiêu chảy do rota virus là vắc xin uống có tác dụng phòng bệnh tốt sau khi uống đủ 2 lần.
Hiện có nhiều người bị ngộ độc do dùng các loại nước vitamin bởi tự ý tùy tiện sử dụng. Lời khuyên của tôi là không nên tự ý sử dụng tùy tiện các loại nước vitamin nếu bạn không có chỉ định của bác sĩ dinh dưỡng.
Trong dinh dưỡng, các nhóm thực phẩm sau rất tốt cho hệ miễn dịch, giải cảm như: các thực phẩm có nhiều tinh dầu, gây cay cay ở mắt như: hành, tỏi, ... các thực phẩm chứa nhiều khoáng chất như: hạt tiêu có nhiều selen, cá hồi có nhiều kẽm..., các thực phẩm có nhiều vitamin nhất là vitamin C cũng rất tốt cho hệ miễn dịch như: cam, quýt.... Đặc biệt, món cháo hành của Việt Nam là một trong những món có tác dụng giải cảm tốt và đã được nói đến nhiều từ xa xưa.