Bệnh mày đay theo y học cổ truyền

SKĐS - Mày đay là một bệnh da liễu có tính quá mẫn thường gặp. Lâm sàng biểu hiện bằng: nổi mày đay to nhỏ không đều, có thể cục bộ nhưng cũng có thể lan ra toàn thân.

Bệnh phát đột ngột, tiến triển nhanh, biến mất cũng rất nhanh và không để lại sẹo. Bệnh này thuộc về phạm vi chứng ẩn chẩn của y học cổ truyền.

Nguyên nhân gây bệnh:

- Hít phải phấn hoa, bụi xác động vật, khói thuốc, bào tử nấm, một số chất bay hơi.

- Thực phẩm: cá, tôm, trứng, sữa...

- Thuốc: vắcxin, huyết thanh....

- Nhiễm trùng, vi khuẩn, nấm, virus...

- Các yếu tố vật lý: ánh nắng mặt trời, nhiệt độ thấp, thời tiết nóng ẩm.

- Yếu tố tinh thần: mày đay nổi khi lo lắng, hưng phấn quá mức.

- Nguyên nhân khác: côn trùng đốt, bệnh toàn thân, bạch cầu, bệnh nội tiết...

Cơ chế bệnh sinh có liên quan đến phản ứng quá mẫn týp I, do tương bào giải phóng ra histamin, làm giãn mao mạch, tăng tính thấm thành mạch, huyết tương thấm qua thành mạch vào vùng chân bì gây nổi mày đay. Có một số loại nổi mày đay liên quan đến phản ứng quá mẫn týp III. Phức hợp kháng nguyên kháng thể kích thích bổ thể, khởi động cho quá trình sản sinh ra các chất trung gian hóa học, làm cho tương bào giải phóng ra histamin rồi gây nên nổi mày đay.  Ngoài những cơ chế trên các yếu tố lý hóa trực tiếp làm tổn thương tổ chức, kích thích trực tiếp các tương bào gây nổi mày đay. Ngoài ra nổi mày đay còn liên quan tới yếu tố di truyền.

Theo y học cổ truyền: do bẩm sinh tiên thiên không đầy đủ, lại ăn phải những thức ăn tanh dễ gây động phong như tôm, cá... Hoặc vì ăn uống không điều độ, khiến cho vị tràng thực nhiệt, hoặc vì thể chất suy nhược, vệ khí không kiên cố, khiến cho cơ thể dễ cảm phải phong nhiệt, phong hàn tà, tà khí uất ở khoảng tấu lý mà gây nên bệnh.

Phân loại và điều trị mày đay theo y học cổ truyền

Thể phong nhiệt: bệnh phát rất nhanh; mày đay màu đỏ, ngứa dữ dội, kèm theo phát sốt, buồn nôn, họng sưng đau, đau bụng; khi gặp nóng, bệnh nặng lên. Rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù sắc. Chứng này thuộc phong nhiệt thúc biểu, phế vệ không tuyên phát.

Pháp trị: tân lương thấu biểu, tuyên phế thanh nhiệt.

Bài thuốc có thể dùng: Kinh phong phương (kinh giới, phòng phong, cương tàm, kim ngân hoa, thuyền thoái, ngưu bàng tử, đan bì, phù bình, sinh địa, hoàng cầm, cam thảo); Tang cúc ẩm (tang diệp, cúc hoa, hạnh nhân, cát cách, cam thảo, bạc hà, liên kiều, lô căn); Phòng phong thông thánh tán (phòng phong, kinh giới, liên kiều, ma hoàng, bạc hà, xuyên khung, đương quy, bạch thược, bạch truật, chi tử, đại hoàng, mang tiêu, thạch cao, hoàng cầm, cát cánh, cam thảo, hoạt thạch) hoặc phối hợp các bài với nhau.

Bệnh  mày đay theo y học cổ truyềnKinh giới dùng trong bài thuốc Kinh phong phương

Thể phong hàn: màu mày đay như màu da bình thường. Gặp gió hoặc lạnh tình trạng nặng thêm, miệng không khát, chất lưỡi bệu nhạt, rêu trắng, mạch khẩn. Chứng này thuộc về phong hàn thúc biểu, phế vệ mất tuyên thông.

Pháp trị: tân ôn giải biểu, tuyên phế phát hàn

Bài thuốc: Ma hoàng phương (ma hoàng, hạnh nhân, can khương bì, phù bình, bạch tiễn trì, trần bì, đan bì, bạch cương tàm, đan sâm) hoặc độc vị phù bình.

Thể âm huyết bất túc: mày đay hay tái phát, kéo dài không khỏi, bệnh hay phát về chiều và đêm, tâm phiền, hồi hộp, hay cáu, miệng khô, lưỡi đỏ khô, mạch trầm tế, chứng này thuộc về âm huyết bất túc, phong tà thúc biểu.

Pháp trị: tư âm, nhuận huyết, sơ tán phong tà

Bài thuốc: Lục vị gia kinh giới, phòng phong, hoặc Đa bì ẩm phương (địa cốt bì, ngũ gia bì, tang bạch bì, can khương bì, đại phúc bì, bạch tiễn bì, đan bì, xích linh bì, đông qua bì, biển đậu bì).

Châm cứu: dùng cho các trường hợp mày đay mạn tính

Phương huyệt: Khúc trì, Cách du, Can du, Đại trường du, Huyết hải, Tam âm giao, Hợp cốc. Châm bình bổ bình tả.

Điều trị tại chỗ: dùng nước sắc lá dướng rửa nơi có mày đay hoặc bôi cồn thuốc Bách bộ. Dướng là loại cây to sống lâu năm, cao thông thường từ 10 - 16m, vỏ thân cây nhẵn màu nâu tro, lá đơn, mép có răng cưa, đầu lá nhọn, mặt dưới có lông dính, cụm hoa đực dạng bông dài, mọc ở ngọn cành, cụm hoa cái hình đầu nhiều hoa phủ đầy lông, quả mọng có đường kính tới 3cm, chín đỏ rất mềm.

Bệnh  mày đay theo y học cổ truyềnTang diệp dùng trong Tang cúc ẩm

Các biện pháp điều trị phối hợp:

- Tránh tiếp xúc với nguyên nhân gây bệnh, tránh thức ăn gây dị ứng.

- Chú ý điều trị các rối loạn ở dạ dày, ruột, bệnh ký sinh trùng, các rối loạn nội tiết, các ổ nhiễm trùng mạn tính.

- Kiêng rượu, chè đặc, cà phê, các loại thức ăn cay nóng.

Đối với mày đay cấp, các thuốc giải dị ứng của y học cổ truyền còn chưa phát huy hiệu quả nhanh như thuốc Tây, các trường hợp dị ứng nặng có kèm phù nề niêm mạc đường hô hấp nên phối hợp Đông Tây y trong điều trị.

Đối với mề đay mức độ trung bình hoặc nhẹ, điều trị bằng y học cổ truyền cho hiệu quả tốt; trong việc giảm bớt tái phát thuốc y học cổ truyền lại có ưu thế lớn thông qua việc biện chứng luận trị để điều hòa lại các rối loạn trong đáp ứng miễn dịch của người bệnh.


BS.CKII.HUỲNH TẤN VŨ
Ý kiến của bạn