Thời gian gần đây tôi bị ngứa mắt; cảm giác vướng như có hạt bụi trong mắt, đau nhẹ, cộm xốn trong mắt... đi khám bác sĩ kết luận tôi bị đau mắt hột. Xin hỏi bệnh có nguy hiểm không?
Nguyễn Lê Hoài (Kon Tum)
Đau mắt hột là tình trạng viêm kết mạc mạn tính, đặc điểm là hình thành những hột, gây tổn thương cho mắt. Bệnh lây truyền chủ yếu do tay bẩn, nước bẩn bắn lên mắt; dùng chung khăn mặt, thau rửa mặt; tắm ao hồ, sử dụng nước ao hồ trong sinh hoạt.
Khi mới mắc bệnh, mắt có hiện tượng ngứa, mỏi mắt, đôi khi hay chảy nước mắt, nếu được điều trị kịp thời thì bệnh sẽ khỏi, không để lại biến chứng. Nhưng nếu bệnh không được điều trị kịp thời sẽ trở nên trầm trọng, nặng nề và kéo dài, có thể gây biến chứng. Các biến chứng của bệnh là tình trạng tổn thương kết mạc bờ mi gây cho lông mi bị xiêu vẹo, biến dạng, quặm và cọ xát liên tục vào giác mạc, gây tổn thương, trầy sước, loét giác mạc, làm mờ đục giác mạc. Biến chứng tiếp theo có thể gặp là viêm sụn mi khiến tổn thương làm bờ mi dày lên, xơ hóa, biến dạng sụn mi; loét giác mạc làm bệnh nhân bị đau mắt, nhức mắt, sợ ánh sáng, hậu quả là biến dạng giác mạc gây loạn thị, đục giác mạc và dẫn đến mù lòa.
Nhiều bệnh nhân mắc bệnh không được điều trị do vệ sinh kém bị nhiễm khuẩn gây viêm mủ nhãn cầu có thể phải khoét bỏ mắt hoặc viêm teo mắt. Các sẹo mắt hột cọ sát lâu ngày trên giác mạc làm giác mạc, lởm chởm, sai lệch đường đi của ánh sáng, gây loạn thị, giảm thị lực; viêm tuyến lệ, tắc ống dẫn lệ dẫn đến mờ mắt, chảy nước mắt sống.
Vì vậy, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ mắc bệnh đau mắt hột cần đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng có thể xảy ra. Không được tự ý dùng thuốc, cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ điều trị.
Bác sĩ Lê Sơn