Võng mạc là cơ quan của mắt nằm ở phía sau nhãn cầu, tiếp nhận ánh sáng và truyền tín hiệu về bộ não giúp trẻ có thể nhìn thấy. Ở trẻ sinh non (dưới 37 tuần), sự phát triển bất thường mạch máu võng mạc có thể gây mù lòa rất sớm nếu trẻ có bệnh mà không được khám sàng lọc, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Khi nào trẻ cần khám và tầm soát bệnh lý võng mạc trẻ sinh non?
Tất cả những trẻ có tuổi thai khi sinh nhỏ hơn 33 tuần và cân nặng khi sinh nhỏ hơn hoặc bằng 1800g cần khám và tầm soát bệnh lý võng mạc trẻ sinh non.
Với những trẻ có tuổi thai khi sinh lớn hơn 33 tuần, cân nặng khi sinh lớn hơn 1800g nhưng có thêm các yếu tố nguy cơ như suy hô hấp, viêm phổi, thở oxy kéo dài, thiếu máu, nhiễm trùng … cũng cần phải được khám mắt nếu có yêu cầu của bác sĩ sơ sinh.

Trẻ sinh nhỏ hơn 33 tuần và cân nặng khi sinh nhỏ hơn hoặc bằng 1800g cần khám và tầm soát bệnh lý võng mạc trẻ sinh non.
Lần khám mắt đầu tiên cần được thực hiện khi trẻ được 3-4 tuần sau sinh, hoặc khi trẻ trên 31 tuần tuổi (dựa theo kinh chót), tùy thuộc vào mốc thời gian nào đến sau.
Việc thăm khám và tầm soát bệnh lý võng mạc trẻ sinh non cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa Mắt tại bệnh viện Nhi Đồng (đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi) hoặc bệnh viện Mắt (trẻ lớn).
Bệnh lý võng mạc trẻ sinh non không thể quan sát được bằng mắt thường mà phải được khám bằng đèn soi đáy mắt gián tiếp. Đây là bệnh thay đổi theo thời gian và có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng.
Các giai đoạn bệnh
Dựa vào mức độ tiến triển của bệnh, bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non được chia thành 5 giai đoạn.
- Giai đoạn 0: Mạch máu phát triển chưa hoàn toàn. Kèm theo vùng vô mạch mà tại đó chưa có tổn thương của bệnh lí võng mạc trẻ sinh non.
- Giai đoạn 1: Đường giới hạn. Đường ranh giới mỏng, dẹt, màu trắng, phân cách vùng võng mạc vô mạch (màu xám) phía trước và vùng võng mạc bình thường (màu cam) phía sau.
- Giai đoạn 2: Gờ sợi mạch. Đường ranh giới nhìn thấy rõ và phát triển ra khỏi mặt phẳng võng mạc, trở nên có chiều rộng và chiều cao, tạo thành một gờ xơ màu trắng nếu ít mạch máu và màu hồng nếu có nhiều mạch máu.

Bệnh lý võng mạc trẻ sinh non được chia làm 5 giai đoạn.
- Giai đoạn 3: Tăng sinh sợi mạch ngoài võng mạc. Các tổ chức xơ mạch tiếp tục phát triển ra sau hoặc ra trước, theo hướng vuông góc với bình diện võng mạc vào dịch kính.
- Giai đoạn 4: Bong võng mạc khu trú. Khi tổ chức xơ phát triển mạnh vào buồng dịch kính sẽ gây ra tình trạng co kéo võng mạc – dịch kính, dẫn đến bong võng mạc thứ phát do co kéo.
- Giai đoạn 4A: Bong võng mạc một phần chưa lan đến hoàng điểm. Chức năng thị giác có thể chưa tổn hại nhiều.
- Giai đoạn 4B: Bong võng mạc lan đến hoàng điểm. Chức năng thị giác giảm sút rõ rệt.
Giai đoạn 5: Bong võng mạc toàn bộ. Võng mạc bong hoàn toàn do sự co kéo của tổ chức xơ, có hình phễu. Đến giai đoạn này, tiên lượng thị lực gần như không phục hồi.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhi sẽ có nguy cơ bị mù loà.
Một số phương pháp điều trị bệnh lý võng mạc trẻ sinh non
Bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non có thể điều trị bằng phương pháp quang đông võng mạc. Năng lượng laser được sử dụng nhằm tạo sẹo ngay giới hạn của vùng võng mạc vô mạch, giúp ngăn ngừa sự phát triển các mạch máu bất thường và biến chứng bong võng mạc. Phương pháp này thường là chỉ định đầu tay cho hầu hết các trường hợp, tỉ lệ thành công cao, hiệu quả lâu dài, tăng thời gian giữa các lần tái khám và theo dõi.
Phương pháp lạnh đông võng mạc có mục tiêu điều trị tương tự nhưng ngày nay ít được sử dụng.
Thuốc tiêm nội nhãn (anti-VEGF) là phương pháp mới được áp dụng, tác dụng nhanh sau khi tiêm, thuốc có tác dụng ức chế sự tăng sinh các mạch máu bất thường.
Thuốc thường được tiêm trực tiếp vào mắt tại phòng mổ, thời gian thực hiện nhanh, thường không cần thực hiện gây mê sâu toàn thân.

Thuốc tiêm nội nhãn thường được tiêm trực tiếp vào mắt tại phòng mổ, thời gian thực hiện nhanh.
Phương pháp tiêm nội nhãn thường được chỉ định cho các trường hợp bệnh diễn tiến quá hung hãn, trẻ có tuổi thai và cân nặng quá thấp, trẻ có nguy cơ biến chứng toàn thân nặng nếu thực hiện gây mê để laser.
Tuy nhiên hiệu quả của phương pháp tiêm anti-VEGF nội nhãn cần được đánh giá qua các nghiên cứu dài hơn, có thể cần tiêm lặp lại hoặc phối hợp laser để đạt hiệu quả lâu dài.
Khi các mạch máu võng mạc đã hoàn toàn trưởng thành và phát triển ổn định, hoặc các mạch máu bất thường đã thoái triển hoàn toàn bệnh nhân có thể ngưng điều trị.
Sau khi điều trị ổn định, các bé cần được tiếp tục thăm khám và theo dõi định kỳ để phát hiện kịp thời các biến chứng khác: tật khúc xạ, nhược thị, lé, bong võng mạc…
Ngày nay, với sự phát triển của y học hiện đại, nhiều trẻ sinh non với tuổi thai và cân nặng thấp được cứu sống nên số lượng trẻ sinh non mắc bệnh lý võng mạc cũng ngày càng cao. Sàng lọc hiệu quả và điều trị sớm là một phương pháp làm giảm nguy cơ mù cho trẻ.