Thời tiết chuyển sang mùa hè, nắng nóng, thiếu nước sạch, vệ sinh không đảm bảo là những điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển trong đó có lỵ trực khuẩn. Bệnh dễ phát thành dịch, diễn biến thường lành tính. Tuy nhiên với thể nặng và thể tối độc, điều trị không đúng và không kịp thời dễ dẫn tới tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề.
Biểu hiện như thế nào?
Đây là bệnh truyền nhiễm lây bằng đường tiêu hóa do trực khuẩn lỵ Shigella gây nên. Lâm sàng biểu hiện với tình trạng nhiễm độc toàn thân, nhiễm độc thần kinh và viêm đại tràng ở các mức độ khác nhau.
Bệnh lây bằng đường tiêu hóa thông qua nguồn thực phẩm nhiễm mầm bệnh hoặc qua tay, chân. Ruồi, nhặng là các trung gian truyền bệnh đóng vai trò quan trọng.
Biểu hiện lâm sàng đa dạng tùy theo sức đề kháng của bệnh nhân, típ huyết thanh, các bệnh mạn tính khác kèm theo. Thông thường, sau khi mắc bệnh 1 – 3 ngày, bệnh nhân đột ngột xuất hiện sốt cao, sốt nóng có gai rét, đôi khi có rét run. Kèm theo sốt là đau đầu nhiều, đau toàn bộ đầu, mệt mỏi, bơ phờ, thờ thẫn, mất ngủ, da xanh tái, chán ăn, khát nước, môi khô, đái ít…
Đau bụng âm ỉ dọc theo khung đại tràng, nhất là vùng hố chậu trái, đôi lúc đau quặn thành cơn làm bệnh nhân xuất hiện cảm giác mót rặn. Sau mỗi lần đi ngoài, cảm giác đau có xu hướng giảm sau đó lại xuất hiện trở lại.
Đi ngoài xuất hiện sau mỗi lần đau quặn bụng, đi ngày nhiều lần, từ vài lần đến vài chục lần, khi ngoài luôn có cảm giác mót rặn. Phân lỏng, sệt lúc đầu sau đó phân toàn nhầy máu lẫn lộn, nhầy mủ, nước phân như nước rửa thịt, tanh, và thối.
Nếu bệnh nhân không được điều trị hoặc điều trị không đúng, bệnh sẽ có những diễn biến nặng nề hơn.
Nguồn nước ô nhiễm là nguyên nhân gây bệnh lỵ trực khuẩn
Cách điều trị
Bù nước và điện giải là vấn đề quan trọng nhất, đặc biệt nếu lỵ trực khuẩn cấp xảy ra ở trẻ em. Phải cho trẻ uống bù nước ngay vì ở trẻ em thể trọng cơ thể nhỏ, tỷ lệ nước cao, khi tiêu chảy, sốt cao rất dễ bị mất nước, điện giải, sẽ nhanh chóng gây giảm khối lượng tuần hoàn và rối loạn nước điện giải.
Ngay tại nhà, cần bù nước bằng dung dịch osezol hoặc viên hydrite. Cần chú ý pha dung dịch bù nước theo đúng hướng dẫn sử dụng, không được chia nhỏ gói osezol hoặc viên hydrit để pha làm nhiều lần. Dung dịch bù nước đã pha nếu quá 12 giờ không uống hết phải bỏ đi.
Kháng sinh: có nhiều loại kháng sinh có thể sử dụng trong điều trị lỵ trực khuẩn như nhóm bactrim, nhóm beta lactam, quinolon… tùy theo tình hình thực tế. Hiện nay, hay sử dụng và hiệu quả nhất là nhóm quinolon.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo chỉ sử dụng kháng sinh với các trường hợp ở thể vừa trở lên, không dùng cho thể nhẹ. Dùng thuốc gì, liều dùng bao nhiêu và dùng như thế nào cần có ý kiến của bác sỹ, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng.
Ngoài các nhóm khánh sinh trên còn có thể sử dụng berberin chiết xuất từ cây vàng đắng, thuốc an toàn nhưng chỉ nên dùng cho thể nhẹ và vừa, nếu uống liều cao, thuốc gây mỏi mệt. Thuốc rẻ tiền, ít độc nhưng có hiệu quả.
Bên cạnh bồi phụ nước điện giải và dùng kháng sinh, cần cho bệnh nhân sử dụng thêm các thuốc sinh tố, an thần, trợ tim mạch và điều trị các triệu chứng khác nếu có.
ThS. Nguyễn Bạch Ðằng