Hà Nội

Bệnh lý tim mạch, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, tạo gánh nặng y tế và chi phí điều trị

24-12-2022 08:09 | Y tế

SKĐS - Theo GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, tại Việt Nam, bệnh lý tim mạch thuộc nhóm nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong nhóm bệnh không lây nhiễm, đang tạo gánh nặng cho hệ thống y tế cũng như gánh nặng về chi phí điều trị cho người dân.

Bệnh tim mạch tạo nên gánh nặng cho hệ thống y tế và chi phí điều trị cho người dân

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo tuyến, đề án bệnh viện vệ tinh và Hội nghị khoa học tim mạch năm 2022 của Bệnh viện Tim Hà Nội diễn ra chiều 23/12, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, dù là ở các nước phát triển hay đang phát triển.

Tại Việt Nam, bệnh lý tim mạch cũng thuộc nhóm nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong nhóm bệnh không lây nhiễm, đang tạo nên gánh nặng cho hệ thống y tế cũng như gánh nặng về chi phí điều trị cho người dân.

Bệnh lý tim mạch, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, tạo gánh nặng y tế và chi phí điều trị của người dân - Ảnh 1.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tại Việt Nam, bệnh lý tim mạch thuộc nhóm nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.

Chính vì vậy, việc phát triển mạng lưới khám chữa bệnh về tim mạch rộng khắp từ trung ương tới địa phương với chất lượng ngày càng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phòng chống bệnh không lây nhiễm nói riêng và trong công tác y tế nói chung.

Để giải quyết bài toán này, Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020 do Bộ Y tế xây dựng đã được triển khai trên nhiều bệnh viện nhằm phát triển công tác khám chữa bệnh tim mạch trên toàn quốc. Bệnh viện Tim Hà Nội được chọn tham gia với vai trò là bệnh viện hạt nhân.

"Đây là đơn vị duy nhất thuộc Sở Y tế Hà Nội, cũng là đơn vị y tế tuyến tỉnh duy nhất trong cả nước được Bộ tin tưởng giao trọng trách và dám "cầm cờ", cùng với các bệnh viện trung ương trong việc hỗ trợ chỉ đạo các tuyến để phát triển chuyên ngành tim mạch", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Bệnh viện Tim Hà Nội không chỉ chuyển giao những kỹ thuật cơ bản mà cả những kỹ thuật hàng đầu, công nghệ tiên tiến, cập nhật mới để có thể thiết lập được một mạng lưới phát triển về tim mạch.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay Bộ Y tế ghi nhận những kết quả mà Bệnh viện Tim Hà Nội đã đạt được và đặc biệt đánh giá cao sự nhiệt tình của Bệnh viện Tim. Mặc dù là bệnh viện của Hà Nội nhưng đã luôn xông xáo, không ngại khó đến với các bệnh viện cần sự hỗ trợ trên toàn quốc chứ không riêng gì Hà Nội.

"Từ đó tạo được một mạng lưới có tính bao phủ, không những giúp bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, trạm y tế xã mà còn phối hợp và hỗ trợ cả một số bệnh viện tuyến trung ương khi cần thiết. Kết quả là Bệnh viện Tim Hà Nội đã giúp đỡ xây dựng và phát triển được các Khoa/trung tâm tim mạch cho 16 bệnh viện vệ tinh, hỗ trợ đào tạo theo hướng cầm tay chỉ việc tại nhiều đơn vị của Hà Nội cũng như các tỉnh/thành phố"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

"Nhờ vệ tinh", nhiều cơ sở y tế tuyến dưới đã làm chủ tim mạch can thiệp, phẫu thuật tim mạch

Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị TP Hà Nội cũng như các địa phương cần tăng cường hơn nữa đầu tư cho y tế nói chung, các chuyên khoa sâu như tim mạch nói riêng để đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế của nhân dân, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau giai đoạn COVID-19 trong hơn 2 năm qua.

"Bộ Y tế luôn đồng hành cùng các địa phương, đơn vị trong việc giải quyết những khó khăn, bất cập để dần từng bước hoàn thiện hệ thống y tế "chất lượng, hiệu quả và hội nhập, phát triển y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng" như tinh thần của Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII năm 2017"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn bày tỏ.

Bệnh lý tim mạch, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, tạo gánh nặng y tế và chi phí điều trị của người dân - Ảnh 3.

Các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội thực hiện chuyển giao kỹ thuật mổ tim hở tại Bệnh viện 19-8.

Theo PGS. TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, chỉ đạo tuyến và chuyển giao kỹ thuật được bệnh viện thực hiện thường xuyên, liên tục. Bệnh viện chủ động tìm hiểu, đánh giá thực tế và đã chuyển giao không chỉ kỹ thuật cơ bản, mà nhiều kỹ thuật hàng đầu, tiên tiến, cập nhật mới để có thể thiết lập, phát triển mạng lưới chuyên ngành tim mạch. Nhờ đó, người dân và cả cộng đồng có thể được hưởng tối đa nhất những lợi ích, cơ hội từ việc nâng cao trình độ chuyên môn tại tuyến dưới.

Đến nay, Bệnh viện Tim Hà Nội đã xây dựng mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa gồm 120 đơn vị, trong đó có 16 bệnh viện vệ tinh, 33 bệnh viện và trung tâm y tế các quận, huyện thuộc Hà Nội, 25 đơn vị đã và đang hợp tác, 40 bệnh viện và trung tâm y tế tuyến tỉnh.

Hiện tất cả các bệnh viện trong đề án bệnh viện vệ tinh do Bệnh viện Tim Hà Nội triển khai đều thực hiện được các kỹ thuật tim mạch cơ bản, điều trị và cấp cứu tim mạch cơ bản. Thậm chí, một số đơn vị đã làm được tim mạch can thiệp, một số đơn vị thực hiện được phẫu thuật tim mạch.

Riêng với Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội đã tạo được một mạng lưới bao phủ, từ tuyến thành phố đến tuyến huyện, trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã.

Trong các bệnh lý tim mạch, hiện nay, suy tim được coi là nguyên nhân hàng đầu gây tái nhập viện, làm giảm kỳ vọng sống cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Một trong những báo cáo được quan tâm tại hội nghị là thông tin nghiên cứu từ tháng 9/2019 đến tháng 3/2021, tại Bệnh viện Tim Hà Nội với 1.131 bệnh nhân được theo dõi trong chương trình quản lý suy tim ngoại trú cho thấy, độ tuổi trung bình là 65; trong đó, nhóm 75 tuổi trở lên chiếm hơn 26%.

TS Vũ Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho rằng, mô hình bệnh lý suy tim ở Việt Nam có thay đổi trong những năm qua. Trước kia nguyên nhân suy tim chủ yếu là các bệnh van tim hậu thấp như hẹp van hai lá, thì nay nguyên nhân chính do bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, bệnh cơ tim giãn. Dấu hiệu chính của suy tim thường là khó thở, mệt, phù, đi tiểu ít, đau ngực, rối loạn nhịp tim.

Điều trị suy tim là một quá trình lâu dài và có thể xảy ra nhiều biến cố như suy tim tăng nặng, rối loạn nhịp, nhiễm trùng nặng, tái nhập viện, thậm chí tử vong. Do đó, bệnh nhân cần phối hợp với nhân viên y tế, tuân thủ việc tái khám định kỳ, tuân thủ điều trị và thay đổi lối sống nhằm duy trì tình trạng ổn định, phát hiện sớm các dấu hiệu suy tim tăng nặng.

Ngày 23/12: Ca COVID-19 tăng lên 312, có 2 bệnh nhân tử vongNgày 23/12: Ca COVID-19 tăng lên 312, có 2 bệnh nhân tử vong

SKĐS - Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 23/12 của Bộ Y tế cho biết, có 312 ca mắc COVID-19, tăng thêm 100 ca so với ngày trước đó; trong ngày ghi nhận 2 bệnh nhân COVID-19 tử vong.

Thái Bình
Ý kiến của bạn