Bệnh không gây ảnh hưởng đến tính mạng nhưng gây giảm chức năng thần kinh, giảm chất lượng sống cho người bệnh. Nặng nề, có thể gây tàn phế, mất khả năng tự phục vụ sinh hoạt cá nhân, trở thành gánh nặng cho gia đình và cộng đồng.
Thoái hóa cột sống cổ
Thoái hóa cột sống cổ là nguyên nhân thường gặp nhất gây chèn ép tủy cổ, đặc biệt ở lứa tuổi trên 55. Đây là quá trình tiến triển theo tuổi tác, tuy nhiên gặp sớm và nặng hơn ở những người lao động chân tay, đặc biệt liên quan đến mang vác, đội vật nặng trên đầu.
Biểu hiện lâm sàng là đau mỏi cổ gáy, tê bì tay chân, đi lại khó khăn... Người bệnh cần đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh cùng máy chụp cộng hưởng từ để khám và chẩn đoán chính xác bệnh.
Điều trị bệnh lý thoái hóa cột sống cổ có nhiều phương pháp. Với các trường hợp thoái hóa nhẹ, không có biểu hiện chèn ép tủy thì chỉ định điều trị nội khoa với các thuốc giảm đau, chống viêm, phục hồi thần kinh kết hợp đeo nẹp cổ, tập phục hồi chức năng.
Điều trị phẫu thuật cột sống cổ được đặt ra khi bệnh nhân có triệu chứng chèn ép tủy cổ rõ ràng, gây ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt hàng ngày đồng thời với việc có hình ảnh chèn ép phù hợp trên phim cộng hưởng từ. Chỉ định điều trị phẫu thuật cần rất chặt chẽ đảm bảo chính xác có sự phù hợp giữa lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh.
Thoái hóa cột sống cổ là nguyên nhân thường gặp nhất gây chèn ép tủy cổ.
Bệnh nhân cần giữ nẹp cổ 6 tuần, đủ để cho phần mềm liền tốt sau đó tập vận động nhằm giúp giảm đau cột sống cổ, tránh hạn chế vận động cột sống cổ sau mổ. Khám lại theo hẹn định kỳ nhằm phát hiện sớm những biến chứng và bệnh kèm theo.
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng hiện nay ở nước ta chiếm tỉ lệ khá cao, có đến 30% dân số mắc phải căn bệnh này và đang có xu hướng trẻ hóa, thường gặp ở lứa tuổi từ 20-55 tuổi. Bên cạnh đó, nhiều người thường phát hiện bệnh quá muộn và chữa trị không đúng cách nên bệnh có thể tái phát nhiều lần và ngày càng nặng hơn, dẫn đến mất khả năng vận động, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Thoát vị đĩa đệm cấp tính có thể xuất hiện sau một chấn thương cột sống. Chấn thương cột sống mức độ nhẹ sẽ làm cho quá trình thoái hóa đĩa đệm diễn ra sớm hơn và nhanh hơn. Còn trong bệnh lý thoái hóa cột sống thì đĩa đệm là thành phần bị thoái hóa đầu tiên, sau đó mới đến đốt sống, dây chằng cột sống và các khớp. Triệu chứng điển hình của thoát vị đĩa đệm tiến triển theo hai giai đoạn:
Giai đoạn đau cấp: Là giai đoạn đau lưng cấp xuất hiện sau một chấn thương hay gắng sức. Về sau mỗi khi có những gắng sức tương tự thì đau lại tái phát. Trong giai đoạn này có thể có những biến đổi của vòng sợi lồi ra sau, hoặc toàn bộ đĩa đệm lồi ra sau mà vòng sợi không bị tổn thương.
Giai đoạn chèn ép rễ: Đã có những biểu hiện của kích thích hay chèn ép rễ thần kinh, xuất hiện các triệu chứng của hội chứng rễ: đau lan xuống chân, đau tăng khi đứng, đi, hắt hơi, rặn... nằm nghỉ thì đỡ đau. Ở giai đoạn này vòng sợi đã bị đứt, một phần hay toàn bộ nhân nhầy bị tụt ra phía sau (thoát vị sau hoặc sau bên), nhân nhầy chuyển dịch gây ra chèn ép rễ. Bên cạnh đó, những thay đổi thứ phát của thoát vị đĩa đệm như: Phù nề các mô xung quanh, ứ đọng tĩnh mạch, các quá trình dính... làm cho triệu chứng bệnh tăng lên.
Hiện nay có ba nhóm phương pháp điều trị bệnh lý thoát vị đĩa đệm:
- Điều trị nội khoa: Nghỉ ngơi, vật lý trị liệu, châm cứu, bấm huyệt, kéo giãn, thuốc chống viêm, giảm đau, giãn cơ.
- Can thiệp tối thiểu: Một số phương pháp như giảm áp đĩa đệm bằng hóa tiêu nhân, ozon oxygen, laser, sóng radio...
- Phẫu thuật: Biện pháp này dành cho những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa sau 6 - 8 tuần, có biến chứng viêm loét dạ dày do dùng thuốc giảm đau kéo dài, thoát vị gây rách bao xơ, có mảnh rời di trú, gây chèn ép rễ thần kinh cấp tính...