Mới đây, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) tiếp nhận bệnh nhân T.T.L. (sinh năm 1980, trú tại Bình Dương) trong tình trạng sốt 39 độ, đau bụng trên bên phải, vàng da vàng mắt.
Sau khi được thăm khám, làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, bệnh nhân được xác định: Bị nhiễm trùng huyết do sỏi đường mật trong gan 2 bên.
Trước đó bệnh nhân đã mổ 3 lần ở các bệnh viện khác do sỏi mật và nhập viện điều trị nhiễm trùng đường mật do sỏi nhiều lần. Bệnh nhân được nhập viện điều trị tình trạng nhiễm trùng huyết và phẫu thuật lấy sỏi sau khi tình trạng nhiễm trùng ổn.
Trong quá trình mổ, các bác sĩ nhận thấy gan trái bệnh nhân xơ teo, chứa nhiều sỏi nên quyết định cắt gan trái để phòng ngừa ung thư đường mật và sỏi tái phát. Đồng thời, nội soi đường mật trong mổ để lấy sạch sỏi gan phải, nối mật ruột ra để dễ dàng can thiệp lại sau này nếu sỏi tái phát.
Phẫu thuật lấy sỏi của bệnh nhân sau khi tình trạng nhiễm trùng ổn.
Theo nhận định của bác sĩ Mai Hóa, Trưởng Khoa Ngoại tổng quát, gan là một bộ phận cơ thể quan trọng với chức năng sản xuất mật để tiêu hóa chất béo, khử độc và loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể. Chính vì vậy, khi sỏi xuất hiện trong gan sẽ gây biến chứng nguy hiểm cho gan, gây hại cho cơ thể hơn rất nhiều so với sỏi xuất hiện tại các vị trí khác trong cơ thể. Những biến chứng bệnh phổ biến là:
- Viêm đường mật: Khoảng 90 % bệnh lý viêm đường mật là do sỏi.
- Viêm gan, áp xe gan: Dịch mật ứ đọng lâu ngày khiến vi khuẩn tấn công vào gan, tạo nên các ổ mủ, dẫn tới áp xe gan, viêm gan.
- Nhiễm trùng máu: Biến chứng nguy kịch, nếu không xử lý nhanh sẽ dẫn tới tử vong.
- Xơ gan: Khi gan bị viêm nhiễm, tổn thương mô gan hồi phục chậm sẽ dẫn tới xơ gan và suy giảm chức năng gan.
- Ung thư đường mật trong gan: Tỷ lệ người mắc bệnh không nhiều nhưng đây là biến chứng nguy hiểm nhất, người bệnh phát hiện ung thư thường rất muộn nên khó cứu chữa.
Bác sĩ Mai Hóa khuyến cáo: Sỏi gan là một bệnh lý khá nguy hiểm, bệnh nhân nên thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện và điều trị sớm.