Bệnh lý khe mang - bệnh bẩm sinh vùng đầu cổ

28-10-2014 14:00 | Y học 360
google news

Bệnh lý khe mang là một trong những bệnh lý bẩm sinh thường gặp ở trẻ em với tỉ lệ chiếm 30% trong những khối u bẩm sinh vùng cổ.

Bệnh lý khe mang là một trong những bệnh lý bẩm sinh thường gặp ở trẻ em với tỉ lệ chiếm 30% trong những khối u bẩm sinh vùng cổ. Bệnh xuất phát từ sự phát triển không bình thường của bộ phận mang trong quá trình phát triển phôi thai, làm tồn tại những nang, xoang hay đường rò khe mang vùng đầu cổ mà theo như bình thường phải đóng lại và thoái triển. Những bệnh lý này biểu hiện về mặt lâm sàng là những khối u vùng cổ bên hay lỗ rò vùng cổ và tai kèm theo nhiễm trùng tái phát nhiều lần.

Bệnh có thể diễn tiến thành những đợt nhiễm trùng nặng, áp-xe hóa vùng cổ hay lan xuống trung thất và có thể gây ra hậu quả nặng nề đối với trẻ. Đây là một bệnh lý phức tạp, liên quan giải phẫu phức tạp với những cấu trúc quan trọng vùng đầu cổ, biểu hiện đa dạng, có thể xơ dính do quá trình viêm nhiễm tái đi tái lại. Từ đó dẫn tới việc chẩn đoán và điều trị ban đầu có thể không đầy đủ và chính xác, phẫu thuật lấy đường rò gặp nhiều khó khăn, dễ dàng nhầm lẫn hay bỏ sót đường rò.

Theo BS. Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai Mũi Họng - BV Nhi Đồng 1, từ tháng 9/2012 đến tháng 4/2013, trong 34 ca mắc phải bệnh lý này, tỉ lệ bất thường khe mang số I chiếm 17,65% biểu hiện là nang/lỗ rò chảy dịch vị trí trước tai, sau tai, vùng góc hàm; bất thường khe mang số II chiếm 38,24% biểu hiện chủ yếu là lỗ rò tiết dịch (84,62%) vị trí dọc theo bờ trước cơ ức đòn chũm; rò xoang lê chiếm 44,11% biểu hiện là viêm tấy/áp-xe vùng tuyến giáp tái đi tái lại (66,67%). Siêu âm là phương pháp chẩn đoán dễ thực hiện, không xâm lấn, có thể giúp các BS chuyên khoa tai mũi họng sàng lọc những khối u vùng cổ.

Bệnh nhân bị bệnh lý khe mang I chủ yếu đến khám bởi lỗ rò chảy dịch hay nang vùng trước tai, sau tai hay góc hàm trên. Hoặc bệnh nhân có thể tới vì chảy dịch hay viêm tấy vết rạch áp-xe hay vết mổ cũ ở vị trí như trên, tỉ lệ này chiếm 50%. Còn đặc điểm lâm sàng của bệnh lý khe mang II ở trẻ em chủ yếu là lỗ rò tiết dịch dọc theo bờ trước cơ ức đòn chũm. Tỉ lệ này chiếm 84,62%. Chụp cản quang đường rò thực hiện được trên 5 ca có thể luồn catheter để bơm thuốc, 2 ca thuốc vào đến hố amydan, 3 ca thuốc đọng tại mô vùng cổ. X-quang cản quang chụp đường dò có thể giúp ích cho việc khảo sát đường đi của đường dò trước phẫu thuật. Điều trị chọn lựa vẫn là phẫu thuật lấy đường rò và phương pháp thực hiện phải phù hợp với từng loại bất thường được chẩn đoán để tránh tái phát.

Đối với bệnh lý khe mang I, bệnh nhi thường có nang hoặc lỗ rò ngoài da vùng sau tai hoặc vùng tam giác Poncet; hay có một lỗ rò bên trong thành ống tai ngoài hay hòm nhĩ. Kết quả phẫu thuật cho thấy ống rò chạy từ lỗ rò ngoài da vào đến ống tai ngoài hay hòm nhĩ. Còn đối với bệnh lý khe mang II, bệnh nhân có nang hoặc lỗ rò vùng cổ bên thấp, dọc theo bờ trước cơ ức đòn chũm. Phẫu thuật thấy ống rò chạy từ lỗ rò ngoài da đi lên gần thành bên họng, tận hết ở vùng hạnh nhân khẩu cái.

Để phẫu thuật bệnh lý khe mang số I, các phẫu thuật viên sử dụng đường rạch như phẫu thuật tuyến mang tai, bộc lộ dây thần kinh VII đoạn thoát ra khỏi lỗ châm chũm, bộc lộ các nhánh chính, cắt một phần thùy nông tuyến nước bọt mang tai. Còn đối với các bệnh nhân bị trường hợp II, phẫu thuật viên sử dụng đường rạch da ngang cổ một đường hay hai đường kiểu “bậc thang”, bộc lộ thần kinh quặt ngược thanh quản, cắt bán phần tuyến giáp bị viêm hay dính với u, cắt trọn u kèm đường rò.

An Quý


 


Ý kiến của bạn