Hà Nội

Bệnh lý đường tiêu hóa: Khó chẩn đoán và điều trị

04-07-2017 15:14 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Do nước ta thuộc vùng nhiệt đới, khí hậu thay đổi thất thường kèm theo tập quán ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh... là những điều kiện thuận lợi cho bệnh tật, trong đó có bệnh về đường tiêu hoá phát triển và biến đổi.

Do nước ta thuộc vùng nhiệt đới, khí hậu thay đổi thất thường kèm theo tập quán ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh... là những điều kiện thuận lợi cho bệnh tật, trong đó có bệnh về đường tiêu hoá phát triển và biến đổi. Bệnh tiêu hoá thường đa dạng, phức tạp nên việc chẩn đoán và điều trị vẫn còn gặp nhiều khó khăn...

Đặc điểm của đường tiêu hoá theo lứa tuổi

Bình thường, hệ tiêu hóa được chia thành từng phần bao gồm ống tiêu hóa và những cấu trúc phối hợp với từng chức năng riêng. Ống tiêu hóa gồm miệng, hầu, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, trực tràng, ống hậu môn và hậu môn. Ngoài ra còn có một số cơ quan có liên quan đến sự tiêu hoá của hệ đường ruột như những cấu trúc phối hợp gồm răng, môi, má, lưỡi, tuyến nước bọt, tụy, gan và túi mật. Ở trẻ em, men tiêu hoá chưa được hoàn chỉnh, dạ dày nằm ngang và cao (khoảng 7-11 tuổi thì giống người lớn), gan, chiều dài ruột tương đối lớn so với người trưởng thành… Trong khi đó, ở người cao tuổi có nhiều biến đổi như giảm khối lượng dạ dày, chứa được ít thức ăn, ruột có hiện tượng teo nhỏ, số lượng cũng như hoạt lực của các men tiêu hóa giảm, vị toan tiết ra chỉ bằng 40-50% ở người trẻ tuổi. Nhu động dạ dày và ruột giảm, khả năng hấp thu thức ăn và tiêu hóa các chất cũng bị giảm nhiều hoặc cơ thành bụng và các dây chằng giữa các phủ tạng bị suy yếu.

Bệnh lý đường tiêu hóaHệ tiêu hóa.

Một số bệnh tiêu hoá thường gặp

Bệnh lý dạ dày: Số người mắc bệnh dạ dày chiếm từ 5 đến 10% toàn dân số thế giới, ở nước ta con số này là 7%. Một con số đáng nói khác là có đến 70% dân số nước ta mắc và có nguy cơ mắc các bệnh dạ dày do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori). Bệnh lý phổ biến là viêm dạ dày mạn tính với 31% – 64% các trường hợp nội soi đường tiêu hóa. Các biến chứng có thể gặp là loét, chảy máu hoặc thủng dạ dày, hẹp môn vị, sa dạ dày, thậm chí ung thư. Ngoài ra, bệnh rất dễ tái phát gây mệt mỏi, ảnh hưởng lớn đến công việc và chất lượng sống của người bệnh.

Hội chứng ruột kích thích (IBS): Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh này là khoảng 15-20%, phổ biến ở những người trong độ tuổi khoảng 40-60. Phụ nữ mắc bệnh IBS cao gấp hai lần so với nam giới. Triệu chứng chính là đau bụng (đau vùng dưới rốn, đi ngoài xong hết đau), táo bón, tiêu chảy... Bệnh gây nhiều phiền muộn lo lắng và bất tiện cho người bệnh, nhất là mỗi lúc đi xa.

Ngộ độc thực phẩm: Theo số liệu của Bộ Y tế thì năm 2016 đã xảy ra 129 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 4 nghìn người mắc.Ngộ độc thực phẩm chủ yếu xẩy ra cấp tính, dữ dội với biểu hiện đau bụng, nôn, mệt lả, thậm chí truỵ tim mạch do ngộ độc độc tố của vi khuẩn hoặc hoá chất.

Viêm đại tràng cấp và mạn tính: Viêm đại tràng cấp có thể do vi khuẩn hoặc có thể do virus hoặc do ký sinh trùng, đặc biệt là lỵ amíp (bệnh kiết lỵ). Viêm đại tràng mạn tính rất khó chữa trị gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Biến chứng thường gặp nhất là mệt mỏi, chán ăn, ăn không tiêu, liên tục bị rối loạn tiêu hoá (phân lúc lỏng lúc rắn, thậm chí táo bón, đi ngoài có nhày, máu…) dẫn đến cơ thể bị suy kiệt.

Ung thư ống tiêu hóa: Đó là các bệnh lý ung thư dạ dày, đại tràng, thực quản. Theo số liệu tại Hội nghị khoa học về bệnh tiêu hóa toàn quốc lần thứ XIX cho thấy, trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 11.000 đến 12.000 người mắc mới ung thư dạ dày và 8.000 người tử vong. Với bệnh ung thư thực quản, con số mắc mới tương đương với lượng người tử vong, lên đến hàng nghìn người.

Viêm gan B, C: Theo ước tính, có khoảng trên 10% dân số Việt Nam nhiễm hai loại virus này. Đây là virus có thể gây nên hiện tượng viêm gan mạn, dẫn đến xơ gan, ung thư gan và trở thành gánh nặng trong các bệnh viện vì bệnh gây tử vong và tiêu hao lớn về chăm sóc y tế, thuốc men.

Rối loạn tiêu hóa: Rối loạn tiêu hoá gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em và người cao tuổi với nhiều biểu hiện như chán ăn, không muốn ăn, ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, phân nát, phân lỏng, thậm chí táo bón hoặc tiêu chảy, đi ngoài ra máu… Hầu hết rối loạn tiêu hoá thuộc dạng nhẹ, nếu được khám bệnh sớm có thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, nếu mắc tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả, lỵ… gây ra không được điều trị đúng phác đồ thì sẽ gây biến chứng trụy mạch rất nguy hiểm.

Bệnh lý đường tiêu hóaKhám cho bệnh nhân bị đau bụng.

Những khó khăn trong chẩn đoán và điều trị

Bệnh đường tiêu hóa rất đa dạng: Do hệ tiêu hóa trải dài từ miệng đến hậu môn nên số bệnh lý xuất hiện tại đây rất đa dạng với nhiều biểu hiện khác nhau nên việc chẩn đoán bệnh không đơn giản. Ngoài các triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ còn rất cần có sự hỗ trợ đắc lực của cận lâm sàng như chụp X-quang, nội soi… nhưng phương pháp này lại đang bị lạm dụng từ cả phía thầy thuốc và người bệnh.

Một triệu chứng có nhiều nguyên nhân: Về mặt lâm sàng đòi hỏi các bác sĩ ngày một tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm bởi vì một triệu chứng nhưng có thể của nhiều bệnh, ví dụ, nôn không chỉ gặp ở bệnh dạ dày mà còn gặp ở các bệnh đường ruột khác (dạ dày, tắc ruột, viêm ruột thừa…) hoặc các bệnh không phải đường ruột khác (sỏi niệu quản, rối loạn tiền đình…).

Trình độ bác sĩ và trang thiết bị không đồng đều: Nhiều kỹ thuật cận lâm sàng rất cần cho chẩn đoán bệnh đường ruột như nội soi dạ dày, nội soi đại - trực tràng từ cơ bản đến cải tiến (nội soi gây mê) không phải cơ sở y tế nào cũng có. Mặt khác còn lệ thuộc vào trình độ của bác sĩ nội soi, điều này hết sức quan trọng, bởi vì, cho dù máy nội soi có tốt đến mấy nhưng bác sĩ nội soi không được đào tạo bài bản hoặc chưa có kinh nghiệm, việc xác định bệnh gặp không ít khó khăn.

Chưa nắm chắc phác đồ điều trị: Việc điều trị các bệnh đường ruột, nếu là bác sĩ chuyên khoa sẽ có nhiều thuận lợi, nhưng với bác sĩ đa khoa có thể khó thống nhất các phác đồ điều trị, đặc biệt là các bác sĩ ở phòng khám tư nhân. Đơn cử, phác đồ điều trị của viêm loét dạ dày - tá tràng không phải bác sĩ nào cũng nắm được tại sao dùng kháng sinh và tại sao không dùng kháng sinh và nếu phải dùng thì dùng loại kháng sinh gì. Nếu sử dụng kháng sinh không đúng mục đích sẽ làm cho bệnh không khỏi và vi khuẩn kháng kháng sinh càng ngày càng rộng. Hiện nay, một số kháng sinh điều trị vi khuẩn HP gây bệnh dạ dày, vi khuẩn đã đề kháng đến mức báo động.

Khó khăn do bệnh nhân: Một số trường hợp bệnh nhân không tuân thủ hay tự ý dừng thuốc khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn do vi khuẩn, virus trở nên quen thuốc, nhờn thuốc...

Làm thế nào để hạn chế mắc bệnh tiêu hoá ở cộng đồng?

Ăn uống lành mạnh: Trước hết để tránh mắc các bệnh do ngộ độc thực phẩm làm ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, năng suất lao động, học tập và công tác cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thật tốt, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực hiện ăn chín, uống nước đã đun sôi, không ăn tiết canh, rau sống, nem chua, nem chạo, gỏi cá…, không lạm dụng rượu, bia hoặc không lạm dụng các loại chất kích thích chua, cay (ớt, dấm, mù tạt…).

Cách ăn để tránh mắc bệnh dạ dày: Ăn uống cần điều độ, ăn chậm, nhai kỹ, ăn xong không nên nằm ngay, nên ăn nhiều rau, ăn thêm trái cây, uống đủ lượng nước cần thiết (1,5 – 2,0 lít/ ngày).

Vận động: Hàng ngày nên vận động cơ thể đều đặn, thường xuyên với những phương thức phù hợp với điều kiện và sức khoẻ của mình để làm cho khí huyết luôn được lưu thông, tiêu hoá tốt như đi bộ, bơi, chơi cầu lông…

Khi nghi ngờ mắc bệnh: Người bệnh cần đi khám bệnh ở cơ sở y tế càng sớm càng tốt, không nên để người không có chuyên môn về y học khám và điều trị.

GS.TS. Đào Văn Long, Trưởng khoa Tiêu hóa- Bệnh viện Bạch Mai:

Bệnh lý tiêu hóa có sự thay đổi khá nhiều giữa các vùng, miền cũng như mặt bệnh. Chẳng hạn, trong bệnh áp xe gan, nhiều năm trước đây là áp xe gan amip nhưng giờ đây lại là áp xe gan đường mật, áp xe gan do sán, thậm chí áp xe gan do nấm tăng lên còn do amip giảm đi khá nhanh. Ngoài ra, tình trạng nhiễm Hp ở nước ta cũng ngược lại so với diễn biến chung của thế giới khi Hà Nội là thành phố có mức sống cao nhưng tỷ lệ nhiễm Hp cũng lại rất cao so với các khu vực hay vùng khác trong cả nước. Bên cạnh đó là sự gia tăng những bệnh lý nguy hiểm, có khả năng gây tử vong cao như viêm gan virus B,C, viêm gan do thuốc, viêm tụy cấp tính, béo phì, ung thư... do ô nhiễm môi trường, ăn uống tùy tiện, thiếu khoa học, không đủ chất.

TS. BS. Đặng Bùi Bảo Linh
Ý kiến của bạn