Hiện nay, tại một số địa điểm ở TP.HCM, Hà Nội tình trạng kinh doanh dịch vụ cà phê, karaoke, nhà hàng, quán bar, vũ trường... sử dụng âm nhạc và tạo tiếng quá lớn từ sau 22 giờ đêm. Nếu cộng đồng bị ô nhiễm tiếng ồn thường xuyên, kéo dài lâu ngày sẽ mắc các bệnh lý có liên quan.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận trong những thập niên gần đây, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của con người; đặc biệt là tại các thành phố lớn của những nước đang phát triển.
Căng thẳng tinh thần
Một số nghiên cứu ghi nhận, những người thường xuyên sống trong môi trường có tiếng động ồn ào như: nhà ở gần sân bay, ga tàu hỏa, đường sắt đi qua... thường có sức khỏe kém hơn những người ở các nơi khác. Tiếng ồn quá mức có thể làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bình thường về tinh thần và chất lượng học tập của trẻ em.
Với tác động của tiếng ồn kéo dài gây mất ngủ và thiếu ngủ thường xuyên có thể làm cho sức đề kháng của cơ thể suy giảm dần, dẫn đến khả năng miễn dịch kém, dễ bị ảnh hưởng với những tác nhân gây bệnh. Đối với những người cao tuổi, tình trạng mất ngủ vì ô nhiễm tiếng ồn sẽ làm tăng các loại nội tiết tố gây stress như adrenalin và nor-adrenalin, chúng có vai trò điều chỉnh các chức năng chuyển hóa trong cơ thể. Thực tế nghiên cứu ghi nhận, nếu tiếp xúc với tiếng ồn càng lớn thì chức năng chuyển hóa càng suy giảm, hậu quả được phát hiện với chỉ số lượng mỡ máu và đường huyết tăng cao.
Giảm thính lực và mất thính lực
WHO thống kê, ước tính trên toàn cầu có khoảng 120 triệu người bị bị điếc tai vì mất thính lực hoặc khả năng nghe kém vì giảm thính lực do ô nhiễm tiếng ồn gây nên. Tiếng ồn quá lớn ở những đô thị được xem là tên sát nhân giấu mặt vì ít ai để ý đến những tác hại của nó. Thực tế chỉ có những người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với tiếng ồn liên tục mới thấy rõ mình bị suy giảm thính lực dần, khả năng nghe kém đi trước khi bị mất hoàn toàn thính lực và điếc tai.
Ảnh hưởng tim mạch, cơ quan nội tiết, tiêu hóa
Những người thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn lâu dài làm ảnh hưởng sẽ dẫn đến thay đổi chức năng hoạt động của hệ thần kinh tự chủ, làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng sức cản của các mạnh máu ngoại vi.
Một nghiên cứu trên đối tượng hơn 1.000 công nhân ở nhà máy dệt vải tại Trung Quốc ghi nhận sau 5 năm làm việc, lao động tại đây thường xuyên bị ô nhiễm tiếng ồn thì công nhân của nhà máy bị tăng huyết áp với tỉ lệ cao đáng kể.
Nghiên cứu khác tại Đức cho thấy trong sinh hoạt hàng ngày, người dân liên tục phải nghe tiếng ồn phát ra từ các phương tiện giao thông ở cường độ 70dB thì nguy cơ rủi ro bị nhồi máu cơ tim cũng có thể tăng lên.
Tại châu Âu, ước tính có khoảng 3% số nạn nhân bị nhồi máu cơ tim do ô nhiễm tiếng ồn.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy tình trạng bị ô nhiễm tiếng ồn thường xuyên, liên lục ở các công nhân nhà máy công nghiệp có thể làm cơ thể sản xuất ra nhiều nội tiết tố adrenalin và nor-adrenalin; nếu công nhân biết mang thiết bị bảo vệ tai ngăn chặn tiếng ồn thì lượng nội tiết tố này trở về lại mức bình thường.
Tại nước ta, một nghiên cứu tại nhà máy dệt cũng ghi nhận những kết quả tương tự làm ảnh hưởng cơ quan nội tiết của các công nhân dệt.
Đối với hệ tiêu hóa, các nhà khoa học ở tại Anh nghiên cứu nhận thấy tình trạng ô nhiễm tiếng ồn liên tục đã ảnh hưởng đến sự tiêu hóa của cơ thể con người như làm giảm co bóp dạ dày, giảm tiết dịch vị dạ dày, giảm tiết dịch nước bọt ở miệng...
Suy giảm khả năng, chất lượng lao động, học tập
Tại Mỹ, Viện Quốc gia sức khỏe và an toàn nghề nghiệp nghiên cứu ghi nhận đối tượng công nhân, người lao động thường xuyên tiếp xúc với âm thanh lớn có cường độ 75dB trong 3 năm sẽ bị tăng nhịp tim và nhịp thở; tương lai sau đó có thể bị ù tai, tăng huyết áp, loét dạ dày, tâm trạng bất ổn do căng thẳng tinh thần; tính tình trở nên nóng nảy, khó chịu, hay gây lộn với người khác so với những người lao động, làm việc trong môi trường yên tĩnh.
Một nghiên cứu tại Mỹ ghi nhận các em học sinh được học tập ở các tầng thấp trong trường học xây dựng cao tầng gần những trục lộ giao thông thường gặp phải những khó khăn trong việc tập đọc, làm toán, phân biệt chữ có âm tương tự... so với các em học sinh được học tập ở trên những tầng cao, xa tiếng ồn ào ảnh hưởng của xe cộ đi lại trên trục lộ giao thông.
Biến đổi hành vi con người
Thực tế cho thấy nếu người dân sinh sống trong các khu vực ồn ào, náo nhiệt của những đô thị; nhất là nhà ở tại vị trí thường xuyên có tiếng động ảnh hưởng phát ra từ nhiều nguồn khác nhau vào ban ngày kể cả ban đêm sẽ dẫn con người đến tình trạng biến đổi hành vi với tính tình trở nên bực bội, dễ giận dữ, hay khó chịu, thường gây gổ với người ở chung quanh, sống khép kín; ít giao thiệp thân mật với bà con, hàng xóm.
Những điều mong ước
Những việc làm đơn giản mà mọi người có thể thực hiện được để giảm thiểu tiếng ồn gây ra trong cộng đồng như: tránh bóp còi xe khi không cần thiết nhất là gần khu vực bệnh viện, trường học, khu điều dưỡng; không sử dụng còi hơi xe ô tô, nổ máy xe có âm thanh quá lớn lúc vào đô thị, khu dân cư; không được sử dụng thiết bị gây tiếng ồn mà không có bộ phận giảm thanh; các hộ gia đình cần có ý thức không mở các vật dụng sinh hoạt phát ra âm thanh quá lớn kể cả máy nghe nhạc; nghiêm cấm các loại hình dịch vụ cà phê, karaoke, nhà hàng, quán bar, vũ trường, cơ sở khiêu vũ, quán nhậu... hoạt động quá giờ quy định với âm thanh nhạc kích động, tiếng ồn ào gây chói tai.
Pháp luật tại nước ta đã có những quy định về tiếng ồn ở khu dân cư và các thông số kỹ thuật của những thiết bị, phương tiện phát ra âm thanh, tiếng ồn; đồng thời cũng quy định về thời gian hoạt động của các quán cà phê, karaoke, nhà hàng, quán bar, vũ trường, cơ sở khiêu vũ, quán nhậu... Tuy vậy, trên thực tế vấn đề này chưa thực sự đi vào cuộc sống vì các cơ quan chức năng chưa phát huy vai trò trách nhiệm trong việc chủ động phát hiện và xử lý vi phạm hành chính về ô nhiễm tiếng ồn nhằm góp phần hạn chế những bệnh lý do tiếng ồn gây nên như các loại gây ô nhiễm môi trường khác đã được quan tâm.
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH