Bệnh lý dịch kính võng mạc: Nguyên nhân thứ hai gây mù lòa

18-01-2025 17:55 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Dịch kính võng mạc là nguyên nhân thứ hai gây mù lòa ở nước ta, sau bệnh đục thủy tinh thể. Có rất nhiều chấn thương gây tổn thương dịch kính và võng mạc khiến người bệnh mất thị lực hoàn toàn.

Theo BSCKII Nguyễn Thị Thanh (Phó Trưởng khoa Đáy mắt – Bệnh viện Mắt Hà Nội) trong quá trình thăm khám, có rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra như học sinh tiểu học trong quá trình vui chơi nô đùa bị ngã vào các vật nhọn (bút chì, bút bi…) chọc vào mắt và mất chức năng hoàn toàn. Thậm chí có trường hợp bé gái 8 tuổi được bố đưa đến cấp cứu một tay bê lấy bên mắt, qua thăm khám bác sĩ phát hiện ra bệnh nhân đã vỡ nhãn cầu. Đây là những tình huống chấn thương rất đáng tiếc vì người bệnh mất hoàn toàn thị lực.

BSCKII Nguyễn Thị Thanh chia sẻ về trường hợp chấn thương mắt đáng tiếc ở trẻ nhỏ gây tổn thương dịch kính và võng mạc. 

Dịch kính võng mạc nguy hiểm như thế nào?

Dịch kính là một thành phần dạng gel trong suốt nằm ở phía sau thể thủy tinh và trước võng mạc. Dịch kính có vai trò quan trọng trong việc ổn định hình thể của nhãn cầu cũng như giúp cho ánh sáng truyền từ phía ngoài đi qua dịch kính trong suốt vào đến võng mạc. Võng mạc là màng thần kinh giàu mạch máu nằm lót ở mặt trong thành sau nhãn cầu. Có nhiều chấn thương trong sinh hoạt hàng ngày gây tổn thương nghiêm trọng cho dịch kính võng mạc thậm chí mù lòa.

Cụm từ dịch kính võng mạc là một khái niệm chung chung để chỉ tình trạng bệnh lý của dịch kính và võng mạc hay còn gọi là bệnh lý bán phần sau nhãn cầu. Đây là bệnh lý vô cùng nguy hiểm vì có thể gây suy giảm thị lực thậm chí là mù lòa. Nguyên nhân gây ra nhóm bệnh này rất đa dạng có thể kể đến một số như:

  • Các bệnh lý viêm được chia làm 2 nhóm: viêm do nhiễm trùng và viêm không nhiễm trùng.
  • Các bệnh lý thoái hóa: thoái hóa hoàng điểm tuổi già, thoái hóa võng mạc do di truyền.
Bệnh lý dịch kính võng mạc: Nguyên nhân thứ hai gây mù lòa- Ảnh 1.
Bệnh lý dịch kính võng mạc: Nguyên nhân thứ hai gây mù lòa- Ảnh 2.
Bệnh lý dịch kính võng mạc: Nguyên nhân thứ hai gây mù lòa- Ảnh 3.

Một trường hợp bệnh nhân bị tổn thương dịch kính võng mạc. 

Ngoài ra còn nhóm nguyên nhân quan trọng khác là nguyên nhân do chấn thương. Ở những nước đang phát triển trong đó có Việt Nam thì nhóm chấn thương rất quan trọng, vì có thể ảnh hưởng trầm trọng đến chức năng của bệnh nhân. Chấn thương có thể dẫn đến những tổn thương rất nghiêm trọng cho dịch kính và võng mạc giống như ví dụ về trường hợp của bệnh nhân 8 tuổi kể trên.

Dịch kính võng mạc có điều trị được không?

Để điều trị được bệnh lý dịch kính võng mạc các bác sĩ cần dựa trên nguyên nhân. Tùy thuộc vào các nguyên nhân cụ thể các bác sĩ sẽ có phương pháp phù hợp.

Với bệnh lý thoái hóa hoàng điểm tuổi già thể tân mạch, biến chứng võng mạc tiểu đường, tắc mạch võng mạc có phù hoàng điểm như tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc hoặc tắc nhánh tĩnh mạch võng mạc phù hoàng điểm,... Phương pháp điều trị đầu tay là tiêm nội nhãn thuốc ức chế tăng sinh nội mô mạch máu chống phù hoàng điểm (Anti-VEGF).

Bệnh lý dịch kính võng mạc: Nguyên nhân thứ hai gây mù lòa- Ảnh 4.

Để phát hiện sớm bệnh lý dịch kính võng mạc người bệnh nên thăm khám mắt định kỳ.

Các nhóm nguyên nhân như bong võng mạc có vết rách hoặc nguyên nhân do chấn thương thì phương pháp điều trị đầu tay là phẫu thuật. Xu hướng mới hiện nay phẫu thuật dịch kính võng mạc với đường mổ nhỏ giúp nâng cao tỷ lệ thành công trong phẫu thuật đồng thời giảm thiếu sự khó chịu cho bệnh nhân từ đó giúp chăm sóc sau mổ tốt hơn.

Để phát hiện sớm bệnh lý dịch kính võng mạc, người bệnh cần lưu ý một số triệu chứng thường gặp:

  • Thấy vẩn đen hoặc thấy ruồi bay trước mắt
  • Có chớp sáng như có tia chớp khi trời mưa
  • Bị nhìn mờ
  • Hình dạng bị biến đổi giống như bị méo hình

Đặc biệt là đối với nhóm bệnh dịch kính võng mạc người bệnh ít có cảm giác đau đớn do vậy bệnh thường phát hiện muộn. Hiện nay với sự phát triển của AI có thể áp dụng vào việc thăm khám sàng lọc để phát hiện những tổn thương từ sớm của bệnh lý dịch kính võng mạc từ đó có phương pháp điều trị hiệu quả hơn và có chiến lược theo dõi bệnh nhân tốt hơn giảm mù lòa cho bệnh nhân và giảm chi phí cho việc điều trị. Vì vậy việc người bệnh thăm khám mắt thường xuyên cũng là một cách giúp phát hiện những bất thường tại mắt.

Giải pháp toàn diện để phòng ngừa và điều trị tật khúc xạ ở trẻ | SKĐS


BSCKII Nguyễn Thị Thanh
Phó Trưởng khoa Đáy mắt – Bệnh viện Mắt Hà Nội
Ý kiến của bạn