Hà Nội

Bệnh lõm lồng ngực ở trẻ cần phát hiện sớm

24-06-2023 19:00 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Bệnh lõm lồng ngực hay còn gọi là bệnh lõm xương ức là tình trạng xương ức của bệnh nhân bị lõm vào trong ngực. Bệnh do sự phát triển bất thường của xương ức và một số xương sườn làm cho lồng ngực bị lõm xuống, gây ảnh hưởng tới hô hấp, tuần hoàn và ảnh hưởng tới thẩm mỹ.

Cảnh giác lõm lồng ngực bẩm sinh  Cảnh giác lõm lồng ngực bẩm sinh

SKĐS - Lõm ngực bẩm sinh nếu không được phẫu thuật kịp thời không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, tâm lý mà còn ảnh hưởng đối với sức khỏe người bệnh.

Bệnh lõm lồng ngực do đâu?

Lõm lồng ngực là bệnh lý bẩm sinh, xương ức bị lõm ngay sau khi sinh, mức độ nghiêm trọng của lõm xương ức thường trầm trọng hơn trong giai đoạn phát triển nhanh của trẻ ở tuổi vị thành niên.

Bệnh lõm lồng ngực phổ biến ở trẻ em trai hơn là ở trẻ em gái. Các trường hợp nghiêm trọng của bệnh có thể gây trở ngại cho chức năng của tim và phổi, làm cho trẻ cảm thấy khó thở, tim đập nhanh khi hoạt động gắng sức như chơi thể thao. Nhưng ngay cả những trường hợp nhẹ của lõm xương ức cũng có thể khiến trẻ tự ti về ngoại hình của mình.

Nguyên nhân gây bệnh lõm lồng ngực chưa thực sự rõ ràng, nhưng có thể do những rối loạn về di truyền hoặc do bất thường trong quá trình phát triển các sụn sườn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân lõm lồng ngực chủ yếu do dị tật bẩm sinh. Do xương ức bị đè ép trong quá trình hình thành bào thai, do dính chặt xương ức với cơ hoành, do bệnh loạn sản sụn, do rối loạn cấu tạo bào thai. Và các ghi nhận cho thấy có yếu tố di truyền gia đình.

Bệnh lõm lồng ngực ở trẻ cần phát hiện sớm - Ảnh 2.

Bệnh lõm lồng ngực hay còn gọi là bệnh lõm xương ức là một tình trạng xương ức của bệnh nhân bị lõm vào trong ngực.

‎Biểu hiện của bệnh lõm lồng ngực

Bệnh lõm lồng ngực có thể dễ dàng nhận ra, với thể nhẹ triệu chứng duy nhất là ngực hơi lõm vào. Ở một số trẻ, độ sâu của vết lõm trầm trọng hơn ở giai đoạn đầu tuổi vị thành niên và có thể tiếp tục lõm sâu hơn khi trưởng thành.

Trong một số trường hợp nặng của bệnh lõm lồng ngực, xương ức có thể chèn ép phổi và tim. Khi đó, các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:

- Trẻ giảm khả năng vận động thể dục.

- Biểu hiện nhịp tim nhanh hoặc tim đập nhanh.

- Dễ nhiễm trùng đường hô hấp tái phát.

- Trẻ sẽ thở khò khè hoặc ho.

- Xuất hiện tình trạng đau ngực.

Ngoài ra, trẻ mắc lõm lồng ngực sẽ có các biểu hiện khác như: Trẻ dễ mệt mỏi, chóng mặt

Trong bệnh lõm ngực bẩm sinh, bản chất bệnh ở xương nhưng biến chứng lại ở ngoài xương.

‎Biến chứng tác động mạnh nhất là những thay đổi về mặt thẩm mỹ. Bộ ngực bị biến dạng, càng lớn, càng dậy thì, càng đến tuổi làm đẹp thì ngực càng bị biến dạng mạnh. Ngực sẽ trở nên gù vẹo, lõm sâu, co kéo. Đa phần các đối tượng đều cảm thấy xấu hổ, mất tự tin và ngại giao tiếp. Bên cạnh những biến đổi về mặt thẩm mỹ là những ảnh hưởng tiêu cực về mặt sức khoẻ.

Ngoài ra, bệnh lõm lồng ngực có thể làm đảo lộn vị trí và thay đổi hoạt động chức năng của tim. Tùy vào thể lõm ngực là chính tâm hay lệch tâm mà nó tác động tới tim như thế nào.

Nhưng thường thì tim sẽ bị di đẩy ra khỏi vị trí bình thường. Điều này thực sự không có lợi vì sự di đẩy của tim sẽ kéo theo sự xoắn vặn và kéo đẩy của mạch máu lớn. Sự tác động này thường làm thiếu hụt khối lượng máu tuần hoàn. Tim có thể lệch trái, lệch phải hoặc có khi bị ép ở chính giữa. Hoạt động phát nhịp tim có thể bị nhanh lên hoặc chậm đi bất thường.

‎Tiếp đến lõm lồng ngực sẽ tác động tiêu cực lên phổi. Vì lồng ngực lẽ ra cần phải "căng" và nở nang để nở ra trong mỗi thì hô hấp. Nhưng do dị tật, thể tích lồng ngực bị giảm rất lớn. Hiện tượng này làm phổi không thể giãn ra được và do đó chức năng hô hấp không đảm bảo. Người bệnh thường bị chứng thiếu khí thở, thiếu máu, giảm nồng độ oxy trong máu, tăng nồng độ khí carbonic trong máu. Thể lực bị suy giảm và hầu như bị giảm phát triển. Bệnh nhân khó có sự phát triển thể lực vạm vỡ nếu như không được điều trị sớm.

‎Điều đáng ngại hơn, nếu những bệnh nhân này bị các bệnh lý cấp tính khác như viêm phổi, sốt xuất huyết, nhiễm khuẩn huyết... thì tai biến rất dễ xảy ra và nguy cơ tử vong rất cao.

Bệnh lõm lồng ngực ở trẻ cần phát hiện sớm - Ảnh 4.

Lõm lồng ngực cần phát hiện để điều trị sớm, điều trị trước dậy thì sẽ đem lại cơ hội phát triển bình thường cho trẻ. Ảnh minh hoạ.


Bệnh lõm lồng ngực có cần phẫu thuật?

Đây là câu hỏi của nhiều cha mẹ có con mắc phải căn bệnh này. Đối với trường hợp mắc bệnh lõm lồng ngực thể bệnh nhẹ chỉ cần theo dõi.

Đối với các trường hợp nặng, bệnh nhân sẽ được chụp CT scanner để đo chỉ số lõm. Nếu trẻ có chỉ số lõm trên 3,25 thì bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật. Ngoài ra, còn có các chỉ định liên quan đến dấu hiệu chèn ép tim và về mặt thẩm mỹ.

Phẫu thuật sẽ làm thay đổi chiều hướng phát triển và hạn chế sự lấn chiếm vào trong lồng ngực của khối xương biến dạng. Điều quan trọng là lõm lồng ngực cần phát hiện sớm để điều trị sớm, điều trị trước dậy thì sẽ đem lại cơ hội phát triển bình thường cho trẻ. Vì vậy, nếu cha mẹ phát hiện trẻ bị mắc lõm lồng ngực cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và đánh giá điều trị cho thích hợp.

Cần cho trẻ đi khám khi có các biểu hiện sau:

- Ngực trẻ lép, mỏng.

- Vùng lồng ngực chính giữa 2 núm vú lõm sâu xuống như hình đáy chén.

- Ở một số thể bệnh phức tạp, diện lõm này có thể mở rộng, lệch sang trái hoặc phải.

Ngoài ra, quan sát từ phía sau có thể phát hiện cột sống ngực của trẻ không thẳng, có xu hướng cong vẹo hoặc gù gập.

Các biểu hiện nghi ngờ ở trẻ lõm ngực bẩm sinh còn ở các triệu chứng hô hấp và tim mạch như: Trẻ có hơi thở ngắn, nông, nặng nề, đau ngực, đánh trống ngực; không tham gia được các hoạt động gắng sức.

Ở các trẻ lứa tuổi dậy thì, bệnh ảnh hưởng đến tâm lý, khiến các em tự ti về ngoại hình, khó hòa nhập các hoạt động tập thể và hạn chế giao tiếp xã hội.

Mời độc giả xem thêm video:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-

ThS. BS Nguyễn Minh Khôi
Ý kiến của bạn