Loãng xương là bệnh rất hay gặp ở người có tuổi, đặc biệt ở phụ nữ. Người bị loãng xương thường xuyên bị đau nhức cơ thể, xương rất giòn và dễ gãy làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Một chế độ dinh dưỡng cân đối, ăn uống điều độ kết hợp với luyện tập thể thao, vận động thường xuyên được coi là những giải pháp hữu ích để dự phòng loãng xương.
Nguyên nhân gây loãng xương
Loãng xương (osteoporosis) là hiện tượng tăng phần xốp của xương do giảm số lượng tổ chức xương, giảm trọng lượng của một đơn vị thể tích, là hậu quả của việc suy giảm các khung protein và lượng calci gắn với các khung này.
Loãng xương là hậu quả của sự phá vỡ cân bằng bình thường của hai quá trình tạo xương và hủy xương, quá trình tạo xương suy giảm trong khi quá trình hủy xương bình thường hoặc ngược lại. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do:
Tuổi tác: người già ít hoạt động ngoài trời, thiếu ánh nắng, thiếu vitamin D; chức năng dạ dày, đường ruột, gan, thận và tạo xương suy yếu; xương bị thoái hóa.
Hormon sinh dục nữ giảm: phụ nữ sau khi mãn kinh thì hormon sinh dục nữ giảm làm tăng nhanh tốc độ quá trình chuyển calci từ xương vào máu. Theo thống kê, phụ nữ sau khi mãn kinh, hàng năm thất thoát 2-3% calci. Do đó nếu phụ nữ ở độ tuổi 50-60 không chú ý bổ sung calci thì ngoài 60 tuổi hàm lượng calci trong xương chỉ còn bằng 1/2 thời trẻ. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phụ nữ bị loãng xương nhiều gấp 6 lần nam giới.
Hormon cận giáp: do calci trong thức ăn không đủ để duy trì nồng độ calci cần thiết trong máu, khi đó hormon cận giáp tiết ra để điều calci trong xương chuyển ra bổ sung cho máu nhằm duy trì sự ổn định nồng độ calci trong máu. Tình trạng này kéo dài làm cho kết cấu xương bị thưa loãng.
Thiếu các vi chất dinh dưỡng như: calci, phospho, magie, albumin dạng keo, acid amin… Sự suy giảm miễn dịch cũng góp phần gây chứng loãng xương.
Các yếu tố nguy cơ
Tuổi, giới: nữ trên 50 tuổi (cứ 5 người thì một người loãng xương); nam trên 60 (cứ 5 người có 1 người loãng xương). Tuổi càng cao thì hoạt động của tạo cốt bào càng giảm và hoạt động của hủy cốt bào càng tăng, trong khi sự hấp thu calci ở ruột giảm đi và sự tái hấp thu calci ở ống thận cũng giảm. Ngoài ra ở người cao tuổi, các nội tiết tố giảm, hấp thu vitamin D cũng giảm...
Di truyền: có một số gen liên quan đến giảm mật độ xương và loãng xương.
Yếu tố gia đình: người có mẹ và chị gái bị loãng xương thì nguy cơ cao bị loãng xương.
Dinh dưỡng và thể chất: thấp bé nhẹ cân, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, thiếu calci, thiếu vitamin D. Lối sống tĩnh tại ít vận động, hút thuốc, uống rượu nhiều.
Bệnh lý: Các tình trạng gây giảm hormon sinh dục: mãn kinh, cắt buồng trứng, mất kinh kéo dài, không sinh đẻ...; cường cận giáp, cường tuyến giáp, đái tháo đường phụ thuộc insulin; viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, biến dạng cột sống; hội chứng Cushing, đa u tủy xương; bệnh dạ dày ruột gây rối loạn hấp thu, chán ăn, bệnh gan mật, suy thận, tăng calci máu, suy tủy, sau ghép phủ tạng, bất động kéo dài, ung thư, thiếu máu huyết tán, bệnh Hemoglobin, bệnh tạo xương bất toàn...
Việc sử dụng một số thuốc cũng là những nguyên nhân gây loãng xương. Các thuốc có khả năng gây loãng xương: corticoid, heparin, phenyltoin, điều trị thyroid quá liều, thuốc hóa trị liệu, tia xạ, thuốc chống động kinh, tetracyclin, cyclosporin, rifampicin...
Phân loại loãng xương
Loãng xương nguyên phát
Là mức độ nặng của tình trạng thiểu sản xương bệnh lý, do sự lão hóa của các tạo cốt bào, tuổi càng cao thì tình trạng thiểu sản xương càng tăng, cho đến khi trọng lượng xương (trong một đơn vị thể tích) giảm trên 30% thì có biểu hiện lâm sàng. Loãng xương nguyên phát được chia thành hai thể:
Loãng xương typ I: loãng xương ở tuổi mãn kinh, xuất hiện sau tuổi mãn kinh của nữ từ 6-8 năm, loãng xương nặng ở phần xương xốp thường biểu hiện bằng xẹp đốt sống dẫn đến gù.
Loãng xương typ II: là loãng xương tuổi già gặp ở cả nam và nữ, loãng xương chủ yếu ở phần vỏ xương (xương đặc), thường biểu hiện bằng xương dễ gẫy.
Loãng xương thứ phát
Có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi do các nguyên nhân khác nhau: bất động quá lâu do bệnh hoặc do nghề nghiệp (du hành vũ trụ); do bệnh nội tiết: cường vỏ thượng thận, suy tuyến sinh dục, cường giáp trạng, to viễn cực; do bệnh thận: thải nhiều calci, chạy thận nhân tạo, thiếu chất 1 hydroxylase trong sơ đồ chuyển hóa vitamin D; do thuốc: lạm dụng corticoid, heparin...
Triệu chứng lâm sàng
Những biểu hiện lâm sàng chỉ xuất hiện khi trọng lượng xương giảm trên 30%. Sự xuất hiện từ từ tự nhiên hoặc sau một chấn thương, đôi khi tình cờ chụp Xquang mà thấy.
Biểu hiện lâm sàng là một hội chứng cột sống: đau và hạn chế vận động cột sống, cánh chậu, bả vai. Đau làm cho cột sống cứng đờ, co thắt các cơ cạnh cột sống, gõ ấn vào các gai sau đốt sống đau tăng và lan tỏa. Đau tăng khi vận động, đứng, ngồi lâu, đau giảm khi nghỉ ngơi.
Ngoài ra có thể thấy bệnh nhân loãng xương bị tái phát từng đợt, thường sau khi vận động nhiều, chấn thương nhẹ, thay đổi thời tiết. Đôi khi có hội chứng rễ thần kinh biểu hiện bằng đau thần kinh hông to, đau thần kinh liên sườn vùng ngực bụng. Ở bệnh nhân loãng xương còn có thể thấy cột sống giảm dần chiều cao, biến dạng đường cong sinh lý dẫn đến gù vùng lưng hay thắt lưng, chiều cao cơ thể giảm đi rõ rệt so với khi còn trẻ tuổi. Xương dễ gẫy, đôi khi chỉ một chấn thương nhẹ cũng làm gẫy cổ xương đùi, gẫy đầu dưới xương quay, gẫy lún đốt sống.
Điều trị loãng xương thế nào?
Đối với bệnh nhân loãng xương việc dùng thuốc là điều tất yếu. Nếu bệnh nhân có đau nhiều, thì có thể dùng thuốc giảm đau và nên dùng nhóm non-steroid, không dùng corticoid. Tiếp đến, bệnh nhân cần được bổ sung calci đường uống, vitamin D, fluorur natri… theo chỉ định của thầy thuốc.
Đối với loãng xương tuổi mãn kinh, typ I có thể bổ sung bằng nội tiết tố sinh dục bằng cách cho phối hợp cả oestrogen và progesteron để tránh tai biến ung thư tử cung. Có thể dùng livial (tibolone), raloxifene có tác dụng chọn lọc trên xương không tác dụng nội tiết. Với loãng xương người già, typ II, nên cho bệnh nhân dùng testosteron (Andriol nang), hoặc Durabulin (Nandrolone phenylpropionat, tiêm bắp).
Ngoài ra có thể cho bệnh nhân bổ sung thyrocalcitonin (miacalcic, calcitar, calsyn, cibacalcin - là hoạt chất calcitonin cá hồi tổng hợp). Để tiếp tục điều trị thì giảm liều xuống sau vài ngày khởi đầu hoặc kéo dài khoảng cách giữa các lần tiêm, thuốc có tác dụng ức chế hủy cốt bào.
Biphosphonate cũng là một nhóm thuốc mới có thể dùng cho bệnh nhân loãng xương. Nhóm thuốc này có tác dụng làm tăng khối lượng và độ cứng của xương, đặc biệt ở cột sống, làm giảm đáng kể nguy cơ gãy xương.
Bên cạnh việc dùng thuốc, bệnh nhân có thể dùng một số các loại cao xương, cao toàn tính động vật, các loại sữa gầy giàu calci và cần có một chế độ ăn đảm bảo lượng calci từ 0,8-1g/ngày, chế độ vận động hợp lý, hạn chế chất kích thích (rượu bia, thuốc lá...). Cuối cùng, sử dụng vật lý trị liệu cho bệnh nhân loãng xương cũng là một phương pháp hữu hiệu để giảm đau, đặc biệt dùng hồng ngoại và tử ngoại để tăng cường hấp thu vitamin D, từ trường để chống loãng xương.
Làm thế nào để dự phòng?
Sau 20 tuổi, cơ thể chúng ta bắt đầu có dấu hiệu loãng xương, vì thế cần phải giữ gìn ngay khi còn trẻ. Các bạn nên tăng cường vận động phù hợp với khả năng, kết hợp với việc uống calci và vitamin D theo chỉ dẫn của bác sĩ. Với người sau tuổi mãn kinh, ngoài việc bổ sung calci và vitamin D, nên dùng nội tiết tố kéo dài. Nên có một chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, theo sự hướng dẫn của thầy thuốc.
BS. Mai Dung
Trên thế giới có khoảng 200 triệu người bị loãng xương.
30 % phụ nữ trên 50 tuổi bị lún từ 1 đốt sống trở lên do loãng xương.
Mỗi năm có 1/5 số trường hợp bị gãy cổ xương đùi và xẹp đốt sống do loãng xương bị tử vong.
1/3 số phụ nữ và 1/5 số nam giới có nguy cơ loãng xương.
Tỷ lệ gãy xương do loãng xương hàng năm cao hơn tỷ lệ nhồi máu cơ tim cộng với đột quỵ và ung thư vú.
Nguy cơ gãy cổ xương đùi ở nam cao hơn nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến.