Bệnh lậu đe dọa sức khỏe sinh sản

07-03-2020 07:52 | Bệnh lây truyền
google news

SKĐS - Bệnh lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục, đồng thời là một bệnh xã hội đáng lo ngại.

Bệnh lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục, đồng thời là một bệnh xã hội đáng lo ngại. Bệnh lậu có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh bởi khả năng lây nhiễm nhanh chóng cũng như dễ dàng gây ra các biến chứng viêm nhiễm đối với cơ quan sinh sản, là nguy cơ lớn gây vô sinh, hiếm muộn.

Bệnh lậu do song cầu khuẩn neisseria gonorrhea gây ra. Vi khuẩn lậu có thể sinh sôi nảy nở nhanh trong môi trường nóng và ẩm ướt của đường sinh sản như cổ tử cung, buồng trứng, vòi trứng và cả đường tiết niệu (niệu đạo), hậu môn… Bệnh thường gặp ở người trẻ tuổi. Bệnh lậu lây truyền do tiếp xúc với dương vật, âm đạo, miệng hay hậu môn của người bệnh. Lậu có thể truyền từ mẹ sang con khi sinh đẻ. Một số ít trường hợp có thể mắc lậu do dùng chung chậu, khăn hoặc qua quần áo nhiễm lậu cầu khuẩn.

Biểu hiện của bệnh lậu

Bệnh lậu thường có hai giai đoạn: Lậu cấp tính và lậu mạn tính.

Lậu cấp tính: Bệnh lậu cấp tính thể hiện ở nam giới và nữ giới có khác nhau.

Ở nam giới: Sau thời gian ủ bệnh trung bình từ 2 - 6 ngày, đa số các trường hợp có triệu chứng của viêm niệu đạo cấp tính: đau dọc theo niệu đạo, rát, nóng, buốt khi đi tiểu. Mủ tự chảy ra hoặc lẫn với nước tiểu (nước tiểu đục). Mủ đặc có màu vàng. Toàn thân có thể sốt, mệt mỏi. Đôi khi nam giới bị bệnh lậu thấy đau hay sưng ở tinh hoàn.

Ở nữ giới: Thời gian ủ bệnh rất khó xác định. Những triệu chứng của bệnh lậu ở nữ giới bao gồm: lỗ niệu đạo sưng đỏ, chảy mủ, ngứa âm đạo, tiểu nhiều lần, tiểu cấp, tiểu buốt, cổ tử cung sưng đỏ…rất dễ bị viêm vùng chậu và các loại bệnh như: viêm ống dẫn trứng, viêm nội mạc tử cung, viêm phần phụ… Phụ nữ bị bệnh lậu có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng bất kể bệnh cảnh như thế nào.Hình ảnh song cầu khuẩn gây bệnh lậu trên kính hiển vi điện tử.

Hình ảnh song cầu khuẩn gây bệnh lậu trên kính hiển vi điện tử.

Lậu mạn tính

Ở nam giới biểu hiện tiểu dắt, tiểu buốt, ít khi thấy tiểu mủ. Đa số các trường hợp thấy có chất nhầy như nhựa chuối chảy ra ở niệu đạo vào sáng sớm, lúc ngủ dậy, khi đi tiểu. Nam giới bị lậu nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ thì dễ chuyển thành mạn tính và khi đã trở thành lậu mạn tính thì rất khó điều trị.

Ở nữ giới, đa số bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính ngay từ đầu. Bệnh có khi gây viêm cả hậu môn (do mủ kèm theo vi khuẩn lậu chảy vào hậu môn). Điểm quan trọng của lậu mạn tính ở phụ nữ là làm lây bệnh trong cả quá trình dài nhiều tháng, nhiều năm trong thời kỳ hoạt động tình dục, đặc biệt là gái mại dâm.

Bệnh lậu rất ảnh hưởng sức khỏe và gây vô sinh

Với nam giới, bệnh lậu có thể để lại những biến chứng như:

Viêm tuyến tiền liệt: đây là ảnh hưởng đầu tiên của bệnh lậu.

Chít hẹp niệu đạo: tiểu buốt, tiểu dắt là biểu hiện của bệnh viêm niệu đạo, tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến chít hẹp niệu đạo ở nam giới, một số người có thể bị hẹp ống dẫn tinh, thậm chí tắc nghẽn, từ đó dẫn đến vô sinh.

Mắc các bệnh viêm nhiễm khác: viêm tinh hoàn (bụng dưới có cảm giác đau, sờ vào thấy mào tinh hoàn sưng to, có cảm giác đau dữ dội), viêm quy đầu, viêm bao quy đầu... hoặc các viêm nhiễm khác ở cơ quan sinh dục.

Gây vô sinh: bệnh lậu có thể gây viêm tinh hoàn, viêm ống dẫn tinh... có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng vô sinh ở nam giới.

Bệnh lậu gây hậu quả nghiêm trọng, lâu dài cho phụ nữ

Với phụ nữ, bệnh lậu là một nguyên nhân thường gặp gây viêm tiểu khung, có thể dẫn đến sự tạo thành túi mủ trong ổ bụng và gây đau kéo dài, mạn tính ở vùng tiểu khung. Viêm tiểu khung có thể làm cho tiến triển mạn tính gây xơ hóa hẹp vòi trứng dẫn đến vô sinh hoặc tăng nguy cơ bị chửa ngoài tử cung. Chị em cũng cần lưu ý rằng mắc lậu mạn tính rất dễ gây vô sinh do lây nhiễm gây viêm cổ tử cung, tử cung, vòi trứng, buồng trứng…

Phụ nữ có thai bị bệnh lậu có nguy cơ cao về sẩy thai, nhiễm trùng ối hoặc chuyển dạ sớm. Trong quá trình chuyển dạ, nếu mẹ mắc bệnh lậu thì vi khuẩn của bệnh có thể truyền sang cho bé. Bệnh lậu sẽ ảnh hưởng đến mắt của bé sơ sinh, nếu không được điều trị, bé có thể bị mù. Ngoài ra, bệnh lậu từ mẹ có thể ảnh hưởng đến các phần khác trên cơ thể bé như nhiễm trùng máu, viêm màng não...

Lời khuyên của thầy thuốc

Trước đây có thể điều trị dứt điểm bệnh lậu bằng các kháng sinh đặc hiệu, kháng sinh tổng hợp. Tuy nhiên, một công bố gần đây của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho thấy tỷ lệ số người mắc bệnh lậu kháng thuốc điều trị có số lượng tăng. Điều này cho thấy cần nâng cao việc phòng ngừa bệnh như: thực hiện quan hệ một vợ một chồng, không quan hệ tình dục với gái mại dâm… Phát hiện bệnh sớm nhất có thể. Khi có những biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh lậu cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị kịp thời. Bởi càng để lâu, biến chứng của bệnh ngày càng nặng, khi chuyển sang giai đoạn mạn tính sẽ thường xuyên tái phát.

BS. SONG NHI
Ý kiến của bạn