Bệnh lậu ảnh hưởng đến thai nhi thế nào?

28-03-2023 07:20 | Bệnh lây truyền
google news

SKĐS - Thai phụ mắc bệnh lậu có nguy cơ cao bị sảy thai, nhiễm trùng, vỡ ối trước khi chuyển dạ và sinh non… ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi.

1. Bệnh lậu trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?

Chị Phương Th. (Hà Nội) khi mang thai tháng thứ 4 thì phát hiện người chồng mắc bệnh lậu do một lần đi công tác xa và đã có quan hệ ngoài luồng. Do người chồng không biết mình mắc bệnh nên sau đó vẫn quan hệ bình thường với vợ. Chị rất lo lắng không biết bị lậu khi mang thai có nguy hiểm không, thai nhi có bị ảnh hưởng gì không?

Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương: Nếu thai phụ mắc bệnh lậu có thể có nguy cơ cao như sảy thai, nhiễm trùng túi ối và nước ối, ối vỡ trước khi chuyển dạ và sinh non.

Khi điều này xảy ra, trẻ sơ sinh có thể bị các nhiễm trùng nghiêm trọng, bao gồm nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm niệu đạo, viêm âm đạo, nhiễm trùng da đầu, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng khớp, viêm não và tủy sống hoặc nhiễm trùng mắt với các dấu hiệu thường là mắt phù nề, sưng đỏ, có mủ vàng từ mắt chảy ra, giác mạc bị viêm đỏ và loét. Bệnh lậu thường biểu hiện ở trẻ sơ sinh sau 2 ngày chào đời.

Bệnh lậu nếu không được điều trị có thể dẫn đến bệnh viêm vùng chậu. Điều này ảnh hưởng đến khả năng mang thai của phụ nữ và có thể dẫn đến vô sinh. Nó cũng có thể dẫn đến mang thai ngoài tử cung, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của phụ nữ. Vì vậy, tất cả phụ nữ có nguy cơ cao cần được xét nghiệm sớm hơn trong thai kỳ và cả sau đó.

Bệnh lậu ảnh hưởng đến thai nhi thế nào? - Ảnh 2.

Bệnh lậu do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra.

2. Điều trị kịp thời làm giảm nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi

Bệnh lậu có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh an toàn khi mang thai. Nếu thai phụ mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, thai phụ sẽ được điều trị các bệnh đó cùng một lúc vì việc nhiễm chlamydia đồng thời với bệnh lậu là điều bình thường. Ngoài ra, người chồng cũng nên được điều trị cùng thời điểm. Để tránh tái nhiễm, không nên quan hệ tình dục cho đến khi cả hai người điều trị khỏi.

Nếu thai phụ biết mình bị nhiễm trùng lậu khi sinh hoặc nếu con được chẩn đoán bị nhiễm trùng mắt do lậu khi sinh, trẻ sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh toàn thân.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh lậu ở trẻ sơ sinh có thể gây mù lòa hoặc lây lan sang các bộ phận khác trên cơ thể trẻ, gây ra các vấn đề như nhiễm trùng máu hoặc khớp và viêm màng não.

Do bệnh lậu không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng. Vì vậy nhiều thai phụ có thể không biết mình đã bị nhiễm bệnh. Nếu có các triệu chứng, có thể khác nhau tùy thuộc vào bộ phận nào trên cơ thể thai phụ bị nhiễm bệnh. Cổ tử cung, âm đạo hoặc niệu đạo của thai phụ có các triệu chứng bao gồm tiết dịch âm đạo bất thường, nóng rát hoặc đau khi đi tiểu, đốm và đau khi giao hợp. Khi bị nhiễm trùng hậu môn, có thể bị tiết dịch, ngứa hoặc đau khi đi đại tiện.

3. Những rủi ro nếu bệnh lậu không được điều trị

Bệnh lậu ảnh hưởng đến thai nhi thế nào? - Ảnh 4.

Khi nghi ngờ nhiễm vi khuẩn lậu, thai phụ cần đến cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị phù hợp.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết thêm, trong một số ít trường hợp, vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu và gây ra tình trạng nghiêm trọng gọi là nhiễm trùng lậu cầu lan tỏa. Nếu điều đó xảy ra, người mắc bệnh lậu có thể bị sốt và ớn lạnh, lở loét và đau khớp, nhiễm trùng. Nhiễm lậu cầu lan tỏa có thể xảy ra ở bất kỳ ai bị nhiễm lậu cầu không được điều trị, nhưng bệnh này phổ biến hơn ở phụ nữ và dường như xảy ra thường xuyên hơn trong thời kỳ mang thai.

Do những nguy cơ tiềm ẩn đối với cả mẹ và con liên quan đến nhiễm lậu cầu, các bác sĩ khuyến cáo rằng tất cả phụ nữ mang thai nên được kiểm tra bệnh lậu ít nhất một lần trong thai kỳ.

Bệnh lậu cũng có thể lây nhiễm cho trẻ sơ sinh trong quá trình sinh nở. Nếu không được điều trị, trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm trùng mắt. Vì bệnh lậu có thể gây ra các vấn đề ở cả mẹ và con, điều quan trọng là bác sĩ phải xác định chính xác tình trạng nhiễm trùng, điều trị bằng thuốc kháng sinh hiệu quả và theo dõi chặt chẽ để đảm bảo rằng nhiễm trùng đã được chữa khỏi.

Khi mang thai, điều quan trọng là bảo vệ thai nhi đang lớn do đó cần ưu tiên chăm sóc sức khỏe của thai phụ, phải điều trị bất kỳ nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục nào mà thai phụ có thể mắc phải. Do vậy, khi nghi ngờ nhiễm vi khuẩn lậu, thai phụ cần đến cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị phù hợp. Điều trị bệnh lậu khi mang thai cần phải tuân thủ điều trị, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Khi bệnh lậu được điều trị sớm và dứt điểm hoàn toàn thì việc mang thai và sinh con sẽ diễn ra như bình thường.

8 điều cần tránh khi mang thai8 điều cần tránh khi mang thai

SKĐS – Việc mang thai luôn quan trọng với các gia đình, nhất là với gia đình nào đang mong con. Nhiều cặp vợ chồng không biết phải tránh những gì để có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn cho cả mẹ và bé.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Truyền thông về tình dục an toàn, dự phòng HIV.


Thu Hiền
Ý kiến của bạn