Hà Nội

Bệnh lậu

22-05-2019 08:27 | Bệnh lây truyền
google news

SKĐS - Về triệu chứng, bệnh lậu ở nữ và nam có khác nhau. Do niệu đạo của nam giới dài gấp 5 lần, giai đoạn cấp tính lậu ở nam giới có tính chất rầm rộ.

Xin cho hỏi bệnh lậu được điều trị như thế nào?

(Nguyễn T. T. - Long An)

Ở điều kiện sinh lý bình thường, niệu đạo của nữ giới tương đối ngắn so với nam, dài khoảng 3cm, do có nhiều tuyến quanh niệu đạo, nên là nơi ẩn náu thích hợp cho lậu cầu như tuyến Skène, tuyến Bartholine ở 1/3 trước của môi lớn và môi bé. Sau khi lậu cầu xâm nhập vào cơ thể thông qua niệu đạo, vi khuẩn có khuynh hướng ưa thích tế bào mô bì trụ ở niêm mạc đường tiết niệu, đưa đến phản ứng viêm tại chỗ, kéo theo bạch cầu đa nhân đến để thực bào, từ đó trở thành tổ chức hoại tử trong quá trình viêm, được thoát ra ngoài theo nước tiểu, màu trắng hơi vàng gọi là tiểu ra mủ, vi khuẩn tiếp tục phát triển và đi dọc theo chiều dài của niệu đạo, đi đến đâu gây viêm đến đó, viêm ống dẫn trứng, buồng trứng.

Bệnh lậu lây truyền như thế nào?

Ảnh minh họa

Về triệu chứng, bệnh lậu ở nữ và nam có khác nhau. Do niệu đạo của nam giới dài gấp 5 lần, giai đoạn cấp tính lậu ở nam giới có tính chất rầm rộ, như: tiểu gắt tiểu buốt, còn ở nữ thì âm thầm gần như không có triệu nào để nhận biết, nên dễ bỏ qua. Thời gian nung bệnh trung bình 3 - 5 ngày, nhưng có thể kéo dài 2 - 3 tuần. Thời gian nung bệnh càng ngắn thì bệnh càng nặng và thời gian càng dài bệnh nhẹ hơn. Ở giai đoạn cấp tính, triệu chứng âm thầm, không rõ, theo thống kê có khoảng 97%  số ca không có triệu chứng, chỉ có 3% còn lại mới có triệu chứng nhẹ thoáng qua như tiểu gắt, tiểu buốt, khó chịu, nên dễ nhầm với nhiễm trùng tiểu thông thường. Ở giai đoạn mãn tính, thường không có triệu chứng gì đặc biệt, chỉ có huyết trắng, hoặc có những biểu hiện của biến chứng mà thôi. Nếu điều trị không kịp thời có thể gây biến chứng như viêm tuyến Bartholin - tuyến Skène, viêm cổ tử cung, viêm nội mạc tử cung, viêm bàng quang, viêm vùng chậu, viêm trực tràng; viêm ống dẫn trứng có thể dầy dính gây thai ngoài tử cung, hoặc tắt tai vòi gây vô sinh.

Về điều trị, lậu cầu cứ 15 phút phân chia một lần do đó lan nhanh; vì vậy cần điều trị càng sớm, càng tốt, điều trị đúng thuốc - đủ liều; điều trị cả với người tiếp xúc sinh lý. Điều trị cho nữ  bao giờ cũng dùng thuốc và thời gian gấp đôi liều nam giới. Chỉ được kết luận là khỏi bệnh khi cấy hai lần liên tiếp âm tính hoặc không còn tiết dịch niệu đạo. Thuốc hiện nay được chọn ưu tiên là Spectinomycine với tên biệt dược là Trobicin hay Kirin, 4g - tiêm bắp một liều duy nhất; trường hợp bệnh mãn tính, tiêm liên tiếp 2 ngày. Nếu không tiện tiêm thuốc có thể chọn giải pháp uống nhưng thường tỉ lệ thành công sẽ thấp hơn, thuốc thường dùng Azithromycin (Zithromax) 250mg x 4 viên uống liều duy nhất. Nếu điều trị đúng thuốc, đủ liều thì triệu chứng tiểu gắt, tiểu buốt, tiểu nhiều lần sẽ giảm nhanh sau 24 - 48 giờ, riêng tiểu ra mủ sẽ hết chậm hơn sau 48 - 72 giờ, các triệu chứng chung sẽ biến mất hoàn toàn sau 5 - 7 ngày.

Về phòng bệnh, cho đến hôm nay, phương pháp dùng bao cao su được xem như là phương tiện duy nhất để phòng bệnh lậu, tuy nhiên đó chưa phải là phương pháp đảm bảo tuyệt đối.


BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG
Ý kiến của bạn