Đây là thể nặng và dễ lây nhất trong các loại lao. Một bệnh nhân lao phổi mỗi ngày có thể ho khạc ra 1-7 tỷ trực khuẩn lao. Khi vào cơ thể, khuẩn lao khu trú và phát triển chủ yếu ở nhu mô phổi (85 -90%). Số còn lại gây hại cho các cơ quan khác như màng não, xương khớp, hạch, thận, ruột, da.
Thủ phạm gây bệnh lao là trực khuẩn Koch. Đây là một loại khuẩn hình que, sinh sản nhanh và bền vững. Nó có thể sống vài tuần trong không khí và nước; khi bệnh nhân nhổ đờm xuống đất ẩm và nơi tối thì trực khuẩn lao lại tồn tại đến 2-3 tháng.
Khuẩn lao xâm nhập cơ thể khi ta hít thở không khí ô nhiễm (do người bệnh khạc nhổ, ho, hắt hơi), khi nói chuyện trực tiếp với người bệnh, khi dùng đồ ăn thức uống có lao. Có trường hợp vi khuẩn này được ruồi mang đến. Người mang khuẩn lao có thể vẫn khỏe mạnh nếu hệ miễn dịch tốt. Khi hệ miễn dịch suy giảm (như mắc cảm cúm, đái tháo đường, bụi phổi silic, HIV/AIDS...) hoặc uống thuốc ức chế miễn dịch như corticoid, bệnh lao sẽ phát triển.
Hình ảnh lao phổi (X) trên phim Xquang. |
- Ho húng hắng kéo dài, có khi khạc ra đờm hoặc trong đờm lẫn máu.
- Cảm giác mỏi mệt toàn thân, chán ăn, sụt cân trong những tháng đầu.
- Cứ về chiều lại hơi bị sốt, theo dõi thân nhiệt thấy sáng và chiều cách nhau khoảng nửa độ.
- Cảm thấy khó thở, tức ngực, có khi ho ra máu.
Nếu thấy ho khạc kéo dài trên 3 tuần, uống thuốc ho thông thường không khỏi, kèm thêm mỏi mệt hoặc sốt nhẹ về chiều thì phải đi khám bệnh và làm xét nghiệm đờm tại bệnh viện.
Khi nghi ngờ bị bệnh lao, bác sĩ sẽ làm những xét nghiệm để xác định như: soi đờm tìm khuẩn lao, chiếu hoặc chụp Xquang phổi, làm các xét nghiệm chức năng hô hấp, xét nghiệm máu, chụp cắt lớp phổi, nuôi cấy đờm tìm khuẩn lao và xác định mức độ kháng thuốc. Trong đó, xét nghiệm đờm tìm khuẩn lao là tiêu chuẩn quan trọng để điều trị sớm, tránh lây lan sang những người chung quanh.
Tiêm BCG là biện pháp hiệu quả nhất để chủ động phòng tránh bệnh lao cho trẻ. Cần tiêm trong vòng 6 tháng sau sinh và tiêm nhắc lại khi đến 15 tuổi.
Với người bệnh, không được khạc nhổ bừa bãi xuống đất, khi bệnh đang phát triển thì nên ngủ riêng giường, dùng bát đũa, cốc chén riêng và phải luộc sôi sau khi dùng. Áo quần, chăn màn hàng tuần phải được luộc sôi sau khi giặt; Khi nói chuyện, có thể đeo khẩu trang. Cần kiên trì điều trị lao đúng thời gian và hướng dẫn của thầy thuốc cho đến khi khỏi hẳn. Người bệnh phải khạc nhổ đờm vào ống nhổ riêng, sau đó đem ngâm trong nước vôi, nước crezin 4% hoặc nước clorua vôi 2% rồi mới đổ vào cầu tiêu hoặc chôn xuống đất.
Trước kia, khi chưa có các kháng sinh và thuốc chống lao đặc hiệu, căn bệnh này vẫn được liệt vào tứ chứng nan y. Từ giữa thế kỷ 20, khi kháng sinh streptomycin và một số hóa dược đặc hiệu trị lao ra đời, căn bệnh này không còn quá đáng sợ. Gần đây, người ta đã tìm ra những loại thuốc đặc hiệu vừa ít độc tính vừa mang lại hiệu quả cao hơn như pyrazinamid, ethambutol, rifampicin.
BS. Phạm Ngọc Quế