Hiện nay, nước ta là một trong 27 nước có gánh nặng bệnh lao kháng thuốc cao trên thế giới. Khoảng 6.000 bệnh nhân lao kháng thuốc xuất hiện tại nước ta mỗi năm, trong khi tỷ lệ điều trị thành công chỉ chiếm 70%. Chi phí điều trị cho trường hợp lao kháng thuốc cao hơn hàng chục lần so với bệnh nhân lao thông thường.
Lao kháng thuốc là một thể bệnh nguy hiểm mà nguyên nhân chính do bệnh nhân không tuân thủ quy trình điều trị, tự ý giảm liều hoặc ngừng thuốc khi chưa đủ thời gian điều trị. Quá trình điều trị dở dang, bệnh không khỏi mà còn nhanh tái phát trở lại. Nguy hiểm hơn, còn có trường hợp siêu kháng thuốc, tức kháng thêm với cả kháng sinh thế hệ 2 - loại thuốc dùng để điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc.
Nguyên nhân chính của lao kháng thuốc là người bệnh không tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, cũng có thể do các nguyên nhân khác như người bệnh thiếu kinh phí, thiếu phương tiện đi lại..., không thể đến khám theo định kỳ đã được quy định của bệnh viện. Một nguyên nhân khác là do một số bác sĩ kê đơn chưa đúng, chưa hiểu hết về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, ví dụ bệnh nhân bị các bệnh phối hợp, hoặc tác dụng phụ nặng nề nhưng bác sĩ lại không theo dõi sát sao dẫn đến bệnh nhân bỏ điều trị.
Bệnh lao hiện nay chữa khỏi được bằng thuốc, nhưng bệnh nhân phải tuân thủ đúng theo những lời dặn của bác sĩ điều trị. Những thuốc thường dùng để trị bệnh lao là: isoniazid, rifampin, pyrazinamide, ethambutol, strpetomycin. Báo cáo của Văn phòng WHO tại Hà Nội cho biết, có 2 chủng lao mới là lao đa kháng và lao siêu đề kháng. Lao đa kháng (MRD - TB) là một dạng bệnh lao nặng, thường có kết quả đàm dương tính, gây ra bởi vi khuẩn lao kháng tối thiểu 2 loại thuốc chống lao rifampicin và isoniazide.
Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi TW. Ảnh: TM
Trong quá trình điều trị, khác biệt cơ bản về lâm sàng mà bác sĩ có thể cảm nhận được ở bệnh nhân lao kháng thuốc và không kháng thuốc, là khi điều trị bệnh lao thông thường trong quá trình điều trị, bệnh sẽ thuyên giảm rõ rệt, không có triệu chứng. Sau 2 tháng, bệnh nhân gần như đã âm hóa đờm hoàn toàn. Đối với lao siêu kháng hoặc lao đa kháng, hầu như bệnh nhân không thuyên giảm hoặc thuyên giảm rất ít, có thể nặng hơn. Sau 2 tháng điều trị, bệnh nhân lao đa kháng và lao siêu kháng vẫn dương tính với đờm.
Không chỉ chịu hàng loạt tác dụng phụ tổn hại trầm trọng đến sức khỏe, điều trị lao kháng thuốc còn tốn kém gấp hàng chục lần so với bệnh lao thông thường. Hơn nữa, bệnh lao thường chỉ cần chữa trong 6 tháng với tỷ lệ khỏi cao tới 91%. Nhưng với lao kháng thuốc, phác đồ tiên tiến nhất cũng phải kéo dài 9 tháng mà tỷ lệ khỏi chỉ 75%. Tai hại hơn còn là lao đa kháng thuốc có phác đồ kéo dài từ 19 - 24 tháng với những thuốc có nhiều độc tính, gây tổn hại sức khỏe.
Để điều trị cho các bệnh nhân lao kháng thuốc và kháng đa thuốc phải sử dụng theo phác đồ tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Tuy nhiên, điều đáng nói là khả năng tiếp cận với thuốc điều trị còn hạn chế do thuốc mới, chi phí tương đối cao, phần lớn dựa vào nguồn viện trợ từ nước ngoài. Số lượng thuốc dùng để điều trị bệnh lao đa kháng sẽ nhiều hơn và có nhiều tác dụng không mong muốn có thể xảy ra. Do đó, việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân cũng như việc kết hợp với công tác tư vấn của nhân viên y tế, sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, của gia đình là rất quan trọng.