Bệnh lao kê và những nguy biến

30-08-2018 05:30 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Đây là một thể lao gây bệnh theo đường máu, thực chất là một thể lao nặng, thậm chí gây thương tổn cho toàn bộ cơ thể. Lao kê biểu hiện bởi rất nhiều nốt như hạt kê (1-3mm) rải đều khắp hai bên phổi.

Bệnh xuất hiện do sự lan tràn của vi khuẩn lao theo đường máu tới khắp cả hai bên phổi. Đây là một cấp cứu nội khoa. Lao sơ nhiễm, lao phổi... nếu phát hiện và điều trị chậm trễ thì các tổn thương có thể vỡ vào mạch máu. Vi khuẩn lao xâm nhập vào máu ồ ạt, dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, gây tổn thương lan tràn ở nhiều cơ quan như hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, thần kinh dưới dạng nốt nhỏ như hạt kê. Bệnh thường biểu hiện rầm rộ với các dấu hiệu không đặc hiệu như sốt cao, khó thở, mệt mỏi, gầy sút cân. Chụp Xquang phổi thấy hình ảnh nhiều hạt nhỏ như hạt kê, lan tỏa từ đỉnh đến đáy phổi.

Vi khuẩn gây lao kê là trực khuẩn lao BK. Từ những tổn thương ở phổi, ngoài phổi, BK vào đại tuần hoàn đi khắp cơ thể gây bệnh (tiết niệu, hạch, não, màng não...). Tổn thương là những nốt nhỏ như hạt kê nên gọi là lao kê. Bệnh xuất hiện khi cơ thể bị suy yếu như sau sởi, suy dinh dưỡng, viêm phổi... Cần lưu ý, sau khi BK vào cơ thể, bệnh sẽ diễn biến qua 2 giai đoạn là nhiễm lao rồi đến bệnh lao, phụ thuộc vào mức độ nhiễm nhiều hay ít (lượng BK) và sức đề kháng của cơ thể. Bệnh phát ngay sau khi nhiễm lao gọi là tiên phát, đa số gặp ở trẻ dưới 4-5 tuổi như lao kê, lao hạch, lao màng não... và ít lây.

Lao kê có thể gặp ở trẻ em và người lớn. Lao kê ở trẻ em thường liên quan đến quá trình nhiễm lao và được coi là một biến chứng của bệnh lao sơ nhiễm. Trẻ mắc bệnh có các triệu chứng: Sốt cao dao động, ho khan, khó thở, tím môi và đầu chi, có các triệu chứng não, màng não, hiện nay có đến 80% ca lao kê ở trẻ em có tổn thương ở màng não (dấu hiệu nôn vọt, cổ cứng, quay mặt vào phía tối), khám phổi có nhiều ran ẩm..

Bệnh lao kê và những nguy biếnBệnh lao kê có thể lây nhiễm từ người này sang người khác qua tiếp xúc.

Lao kê thường xuất hiện trên những người có suy giảm miễn dịch như: nhiễm HIV, già yếu, dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc hóa chất điều trị ung thư. Người bệnh thường có tiền sử tiếp xúc bệnh nhân lao. Cần khẩn trương làm thêm các thăm dò để có chẩn đoán xác định bệnh như: nội soi phế quản với rửa phế quản phế nang, sinh thiết phế quản tìm tổn thương nang lao.

Lao kê ở người lớn có 2 thái cực: “nóng” biểu hiện là sốt cao, ho khan, khó thở hoặc “lạnh” các triệu chứng nghèo nàn, kín đáo, chỉ phát hiện khi chụp phổi.

Để chẩn đoán lao kê, trước tiên phải chụp phổi. Trên phim phổi cho thấy tổn thương hạt, nốt với tính chất điển hình là 3 đều: đều về kích thước, đều về độ cản quang và đều về sự phân bố. Để khẳng định bệnh, cần làm thêm các xét nghiệm khác mà trước tiên là tìm vi khuẩn lao (xét nghiệm đàm tìm BK, cấy máu...)

Lao kê cũng được điều trị theo phương pháp trị liệu ngắn ngày, theo dõi trực tiếp (DOTS), đạt hiệu quả 90%. Trong điều trị lao kê, quan trọng nhất vẫn là sử dụng thuốc chống lao. Có thể chỉ định ngay các phác đồ có 4, 5 loại thuốc. Chọn những thuốc có tác dụng diệt khuẩn tốt như: rifampicin,isoniazid... Corticoid được xem là một loại thuốc hạn chế được những tổn thương nặng nề ở phổi và các cơ quan khác, nhất là ở màng não. Việc chống suy hô hấp do tổn thương ở phổi và chăm sóc khi người bệnh hôn mê, khi có tổn thương ở màng não... là rất quan trọng.

Bệnh lao kê rất hay lây qua cả đường thở: không khí bị nhiễm khuẩn BK, đường máu hay qua sữa mẹ. Nếu không có biện pháp phòng ngừa sự lây lan, các thành viên trong gia đình dễ lây lan cho nhau và lây lan ra cộng đồng.

Lao kê là một bệnh lao đường máu nên rất nặng. Khi có tổn thương ở nhiều bộ phận, nếu không được điều trị tốt và chăm sóc cẩn thận, tỷ lệ người bệnh tử vong rất cao. Ngày nay, nhờ có sự tiến bộ của y học và việc sử dụng những loại thuốc kháng lao hữu hiệu, bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng. Để phòng lao kê, cần tiêm vắc-xin BCG cho trẻ mới sinh. Không để trẻ suy dinh dưỡng, mắc các bệnh mạn tính, nếu có thì cần điều trị kịp thời. Giữ nhà ở thông thoáng, vệ sinh thân thể và răng miệng thường xuyên. Tránh tiếp xúc với bệnh nhân lao.


BS. Nguyên Anh
Ý kiến của bạn