Bệnh lao họng thường phát sau lao phổi hoặc lao da, gồm nhiều thể như lao kê họng, lao loét bã đậu ở họng, luput họng và lao họng nguyên phát. Các thể bệnh có biểu hiện và tiên tượng nặng nhẹ khác nhau.
Lao kê họng hiện ít gặp. Thông thường, bệnh nhân đang bị lao phổi. Vi khuẩn lao lan tràn vào họng bằng đường máu khi lao phổi bước vào thời kỳ trầm trọng hoặc lao kết hợp một số bệnh làm suy giảm miễn dịch (như cúm, sởi, sau sinh đẻ...). Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao họng như: Hệ thống miễn dịch bị suy yếu do nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân đái tháo đường, mắc bệnh thận nặng, bệnh nhân ung thư; suy dinh dưỡng, trẻ nhỏ hoặc người già yếu; nghèo đói và lạm dụng chất gây nghiện; thiếu sự chăm sóc y tế...
Bệnh nhân mắc lao họng thường ở độ tuổi 20-40, có biểu hiện sốt, nhiệt độ không đều, ra mồ hôi như tắm, khó thở, nuốt đau nhói lên tai, không ăn được và hay bị sặc lên mũi khi uống nước. Người bệnh mệt mỏi nhiều và gầy sút nhanh. Trong họng có những hạt như hạt kê, lổn nhổn, tập trung thành từng mảng xù xì, dày cộp, khi vỡ ra để lại những vết loét nông rất bẩn...
Tiêm vắc xin cho trẻ là biện pháp phòng ngừa lao tốt nhất. Ảnh: TM
Tiên lượng bệnh thế nào?
Lao họng mạn tính thể loét bã đậu luôn thứ phát sau lao phổi. Bệnh nhân là những người đang bị lao phổi đã được xác nhận là lao phổi thể hang. Biểu hiện: ho khạc nhiều, gầy sút, có vi khuẩn lao trong đờm, chụp phổi thấy tổn thương hang lao... Bệnh nhân đau họng, khó nuốt, nói giọng mũi hoặc khàn tiếng, thường sặc lỏng, nước bọt chảy ra rất nhiều, chảy cả ra ngoài miệng mà không nuốt kịp; tình trạng nuốt đau ngày càng tăng. Miệng và họng có nhiều nước bọt và đờm, hôi, thối. Niêm mạc họng tái nhợt, bị xước nham nhở với những vết loét nông, đáy xám, rất bẩn. Hạch cổ lổn nhổn thành từng chuỗi, hoặc sưng to thành khối, có khi bị nhuyễn hóa và rò mủ. Bệnh diễn biến chậm, nhưng nếu không điều trị kịp thời, tổn thương sẽ ăn mất lưỡi gà, amidan, lan xuống sàn miệng, niêm mạc má. Bệnh nhân suy mòn dần và dễ tử vong.
Luput họng luôn xuất hiện sau luput mặt hoặc luput mũi. Bệnh nhân thường là phụ nữ và không có bệnh tích lao ở phổi. Họ có cảm giác vướng và rát ở họng miệng, thường không thấy đau. Khám họng thấy lổn nhổn những hạt lấm tấm màu vàng xám, những vết loét nông bờ không đều hoặc các vết loét sâu, đầu nhỏ như đầu kim. Vết loét ít xuất tiết. Vùng bị loét về sau có sẹo dúm hoặc dính niêm mạc hầu, lưỡi gà bị biến dạng và dính vào thành họng, gây rối loạn một số chức năng của họng, khiến bệnh nhân khó chịu thường xuyên. Tiên lượng bệnh thường không nặng, ít khi tử vong trừ một số ít trường hợp tiến triển thành lao kê họng.
Lao họng nguyên phát thường biểu hiện không rõ rệt, chỉ giống như viêm amidan thông thường. Người bệnh xanh xao, ăn uống kém, niêm mạc nhợt nhạt, hạch cổ có tính chất của hạch lao... Để chẩn đoán xác định bệnh, cần dựa vào một số xét nghiệm cận lâm sàng như: tốc độ lắng máu, phản ứng Mantoux, sinh thiết nơi tổn thương và hạch cổ có hình ảnh điển hình của lao.
Lao họng được điều trị theo phác đồ phòng chống lao chung, kết hợp vệ sinh mũi họng thật tốt bằng một số thuốc (như thuốc súc họng kiềm nhẹ để làm thay đổi pH của họng) hoặc bằng tia cực tím, tia lửa điện nguội, đốt cote điện...
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bệnh lao họng
Tiêm vắc-xin phòng lao cho trẻ sơ sinh trong vòng 1 tháng sau sinh là cách tốt nhất để phòng bệnh. Người trưởng thành cũng có thể sử dụng vắc-xin nếu sống ở các nước đang phát triển có tốc độ lây lan bệnh lao cao.
Những người bị dương tính với bệnh lao (PPD) không bao giờ uống thuốc để ngăn ngừa bệnh lao dương tính, nên xem xét việc sử dụng thuốc điều trị bệnh lao (INH) trong thời gian đến 9 tháng. Hơn nữa, bệnh nhân nhiễm HIV bị bệnh lao phải sử dụng thuốc điều trị bệnh lao, ngay cả khi kết quả xét nghiệm lao là âm tính.
Nếu có xét nghiệm bệnh lao dương tính, hãy tránh lây lan sang người khác. Thông thường, bệnh nhân lao phải điều trị bằng các thuốc chống lao vài tuần trước khi không truyền nhiễm nữa.
Thường xuyên tiếp xúc với những người bị bệnh sẽ làm tăng cơ hội tiếp xúc với vi khuẩn lao. Vì vậy, nên đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay để làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh.
Những người sống hoặc làm việc trong các nhà tù, các trung tâm nhập cư hoặc nhà dưỡng lão do thiếu dinh dưỡng và trong điều kiện vệ sinh đông đúc... đều có nguy cơ cao mắc bệnh lao, vì bệnh này dễ xuất hiện ở những nơi đông người và thông gió kém. Vì vậy các trường hợp này nên giữ gìn sức khỏe cẩn thận, có nếp sống lành mạnh để ngừa nhiễm bệnh lao.