Những thành tựu đạt được trong năm 2014
Mục tiêu của Chiến lược phấn đấu đến hết năm 2020 giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 131 người/100 nghìn dân; giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 10 người/100 nghìn dân và khống chế số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người mắc lao mới phát hiện. Tầm nhìn đến năm 2030 là hướng tới mục tiêu để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.
Sau một năm triển khai Chiến lược một cách toàn diện và sâu rộng dưới sự chỉ đạo, đôn đốc của Bộ Y tế cũng như sự phối hợp tích cực của các ban, ngành, đoàn thể cùng với sự hưởng ứng từ cộng đồng, Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG) đã gặt hái được một số thành công, đẩy nhanh tiến trình hướng tới mục tiêu hết năm 2015: giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 187 người trên 100.000 người dân; giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 18 người trên 100.000 người dân; gỷ lệ mắc lao đa kháng thuốc dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện.
Trong thời gian tổ chức thực hiện Chiến lược năm 2014, nhìn chung các bộ, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung của Chiến lược và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đẩy nhanh tiến trình đạt được mục tiêu năm 2015 cũng như tiến tới “giải quyết cơ bản dịch tễ bệnh lao vào năm 2030”. Hoạt động phối hợp y tế công - tư trong công tác phòng chống lao (PPM) đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ tích cực của Sở Y tế, Hội nghề nghiệp Y tế tư nhân, các ban ngành liên quan trong tỉnh, thành phố. Cụ thể, tiếp tục duy trì và mở rộng triển khai hoạt động PPM tại 24 tỉnh. Triển khai đề tài đánh giá hài hòa mô hình PPM-PAL tại Nam Định. CTCLQG đã có thông báo mời nộp hồ sơ quan tâm tham gia kế hoạch Chiến lược Phòng chống lao Quốc gia giai đoạn 2015 - 2020 để tăng cường hơn nữa sự tham gia rộng rãi và có hiệu quả của các đối tác ngoài CTCLQG và xây dựng một bản kế hoạch toàn diện với sự tham gia triển khai của nhiều đối tác thuộc nhiều khu vực khác nhau. Tăng cường sự phối hợp các cơ sở y tế cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Sự tham gia truyền thông cho công tác phòng chống lao của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung tâm Phát triển Sức khỏe cộng đồng cũng góp phần không nhỏ cho công tác chống lao.
Trong năm 2014, CTCLQG đã tập trung truyền thông, huy động xã hội nâng cao kiến thức của người dân về bệnh lao, đồng nhiễm lao/HIV, lao đa kháng thuốc. Huy động tối đa sự tham gia của các bộ ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể, cộng đồng, người mắc bệnh lao và hoạt động phòng, chống lao thông qua vai trò của Liên minh các đối tác Phòng, chống lao Việt Nam. Mặc dù kinh phí hoạt động truyền thông hầu như là không có cho các chương trình chống lao tỉnh và một số đối tác tham gia phối hợp, tuy nhiên các đơn vị chống lao tỉnh vẫn chủ động vận động nguồn kinh phí từ Sở Y tế, UBND để triển khai Chiến dịch truyền thông trên địa bàn rộng khắp tỉnh, trong khi đó các đối tác CTCLQG cũng chủ động đưa hoạt động truyền thông vào kế hoạch hoạt động thường quy để tổ chức triển khai với các chủ đề, thông điệp truyền thông gợi ý từ CTCLQG.
Hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng chống lao và Ngày Thế giới chống lao 24/3 năm 2014, CTCLQG đã đưa ra chủ đề “Việt Nam quyết tâm thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia phòng chống lao” thể hiện sự cam kết tham gia vào công tác phòng chống lao của toàn hệ thống trính trị, trong đó ngành y tế là nòng cốt cùng với sự tham gia phối hợp của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong nước, quốc tế và người dân. Để thực hiện Ngày Thế giới chống Lao năm 2014, CTCLQG đã hướng dẫn các đơn vị chống lao tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và địa phương về nội dung thông điệp, chủ đề truyền thông cũng như cách thức triển khai chiến dịch truyền thông với các hình thức đa dạng phong phú với phương châm truyền tải một cách nhanh nhất, gần gũi nhất tới mọi người dân kiến thức về bệnh lao, cách phòng chống lao cũng như giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người bệnh lao.
Yếu tố quan trọng nhất trong công tác phòng chống lao là phải làm thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao. Chương trình chống lao tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng chống lao làm một trong những tiêu điểm của chương trình. Nhiều hình thức truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh lao được thực hiện trong toàn dân như: tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp về kiến thức phòng bệnh thông qua các cuộc họp thôn xóm, cổ động tranh cờ biểu ngữ qua các đợt phát động phòng chống lao, phát tờ rơi, treo áp phích ở những nơi đông người... Nhờ các hoạt động truyền thông tư vấn trong quá trình điều trị mà nhận thức người dân tăng lên rõ rệt, tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị giảm dần. Bên cạnh đó CTCLQG cũng trú trọng đầu tư các công nghệ, kỹ thuật và dịch vụ để phát hiện sớm và điều trị hiệu quả bệnh lao, máy Xpert sẽ được triển khai ở tất cả các tỉnh vào năm 2015. Đồng thời cũng mở rộng hợp tác với các nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài về lĩnh vực nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng và hỗ trợ kỹ thuật phòng chống lao, đặc biệt với các tổ chức đã có mối quan hệ lâu dài và có kỹ thuật phòng chống lao tiên tiến. Nhiều cơ sở y tế tư nhân tham gia PPM tự nguyện, nhiệt tình nên sự góp phần của hệ thống y tế công - tư ngoài CTCLQG vào hoạt động phát hiện bệnh nhân lao tăng lên. Năm 2014, CTCLQG tiếp tục bảo đảm cung cấp và tăng cường tiếp cận dịch vụ DOTS chất lượng cao tại các tuyến của hệ thống y tế; tăng cường mở rộng triển khai các hoạt động quản lý lao kháng thuốc, lao/HIV, lao trẻ em. Đồng thời tăng cường phát hiện sớm, giảm thiểu số bệnh nhân không được báo cáo, bảo đảm các bệnh nhân lao được quản lý theo hướng dẫn của Chương trình chống lao tại các cơ sở y tế tư nhân và các bệnh viện đa khoa, bệnh viện trường đại học; tăng cường nghiên cứu áp dụng các thành tựu mới về chẩn đoán, điều trị và dự phòng lao...
Phương hướng hoạt động năm 2015
Bên cạnh những thành quả đã đạt được trong việc triển khai Chiến lược, thực tiễn triển khai thực thi Chiến lược trong năm qua đã bộc lộ một số khó khăn, thách thức như một số đơn vị, địa phương cấp ủy Đảng, UBND các cấp chưa triển khai triệt để Chiến lược, đặc biệt là các đề án hành động của Chiến lược, một số địa phương chưa huy động được cộng đồng, xã hội tham gia vào công cuộc phòng chống lao còn hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ của nước ngoài, vì vậy không chủ động được nguồn tài chính cho các hoạt động phòng chống lao. Đây là một chiến lược rất quan trọng vì nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng chống lao từ các tổ chức quốc tế càng ngày càng giảm dần trong khi tình hình dịch tễ lao ở nước ta còn cao, một số lượng ca bệnh lao đáng kể trong cộng đồng chưa được phát hiện tiếp tục là nguồn lây, tình hình lao đa kháng thuốc đang diễn biến phức tạp, cần có đổi mới về đầu tư với nhiều nguồn khác nhau.
Để đạt được mục tiêu năm 2015 như đã nêu trên, CTCLQG tiếp tục bám sát 8 nhóm giải pháp mang tính khoa học, đột phá của Chiến lược đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện gồm có: giải pháp về chính sách, pháp luật; giải pháp truyền thông; giải pháp chuyên môn kỹ thuật và dịch vụ phòng chống bệnh lao; giải pháp hợp tác quốc tế; giải pháp về cung ứng thuốc và hậu cần kỹ thuật phòng, chống bệnh lao; giải pháp về bảo đảm nguồn tài chính cho công tác phòng, chống bệnh lao; giải pháp về bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống bệnh lao; giải pháp về kiểm tra giám sát.
Có thể nói, với những nỗ lực hoạt động của công tác phòng chống lao đã góp phần làm giảm tình hình dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam. Với các số liệu ước tính về xu hướng giảm khoảng 4,6%/năm tỷ lệ hiện mắc lao, có thể thấy Mục tiêu Thiên niên kỷ “Năm 2015, tỷ lệ hiện mắc lao giảm 50% so với năm 2000” hoàn toàn có thể đạt được nếu Chương trình phòng chống lao nhận được sự quan tâm và đầu tư thỏa đáng. Chính vì vậy, chủ đề chính cho Ngày Thế giới chống Lao năm nay vẫn tiếp nối chủ đề của năm 2014 đó là: “Việt Nam quyết tâm thực hiện thắng lợi Chiến lược Quốc gia phòng chống Lao”. Một lần nữa cho thấy “Bệnh lao không phải của riêng ai”, do đó, để có thể đạt được những mục tiêu đặt ra, sự tham gia phối hợp tích cực của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, chính quyền các cấp và cộng động là một yếu tố vô cùng quan trọng. CTCLQG cũng đưa ra những chủ đề nhấn mạnh điều này: “Chính quyền các cấp hãy hành động ngay vì chậm một ngày sẽ có thêm nhiều người chết vì bệnh lao!” hay “Tăng cường lãnh đạo, cam kết cộng đồng, quyết tâm thanh toán bệnh lao”.
Dự kiến Việt Nam sẽ là nước áp dụng đầu tiên thuốc chống lao mới cho các trường hợp lao tiền siêu kháng thuốc vào tháng 6 năm 2015. Chương trình sử dụng thuốc mới sẽ áp dụng miễn phí cho 100 trường hợp tại 3 thành phố gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Đây là những địa phương có tỷ lệ người mắc lao kháng thuốc nhiều nhất, trong đó TP. Hồ Chí Minh chiếm 40% số bệnh nhân mắc lao đa kháng thuốc của cả nước. Hy vọng, với cách tiếp cận như vậy, người mắc lao sẽ có cơ hội chữa khỏi hoàn toàn và Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3/2014 vừa qua sẽ sớm thành công.
Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, “Bệnh lao có thể chữa khỏi, hãy chung tay cứu lấy sinh mạng con người!” Và đừng lo lắng bởi vì “Bạn có biết chụp phim phổi có thể phát hiện sớm bệnh lao?”. Để bệnh lao không còn là gánh nặng cho người bệnh lao, gia đình người bệnh lao cũng như cho toàn xã hội, chúng ta “Hãy chung tay phát hiện và điều trị lao miễn phí cho tất cả mọi người Việt Nam” hay “Giúp một người chữa khỏi bệnh lao là giảm nguy cơ mắc lao cho chính mình”.
PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung
(GĐ Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm CTCLQG)