Bệnh ký sinh trùng ở Việt Nam có nhiều thay đổi, đã ghi nhận 24 ca nhiễm giun rồng, trước đây chưa từng xuất hiện

01-04-2025 18:35 | Y tế

SKĐS - Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu, tập quán sinh hoạt, ăn uống, canh tác… để các bệnh ký sinh trùng lưu hành và phát triển. WHO từng chứng nhận Việt Nam là quốc gia không có bệnh giun rồng. Tuy nhiên, từ năm 2024 trở lại đây, loại ký sinh trùng này xuất hiện và ghi nhận 24 ca...

Những thông tin trên được TS.BS Hoàng Đình Cảnh - Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đưa ra tại Hội nghị khoa học về Ký sinh trùng toàn quốc lần thứ 51 năm 2025 do Hội Ký sinh trùng học Việt Nam phối hợp với Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Bộ Y tế) tổ chức ngày 1/4 tại Hà Nội.

Bệnh ký sinh trùng ở Việt Nam có nhiều thay đổi, đã ghi nhận 24 ca nhiễm giun rồng, trước đây chưa từng xuất hiện
- Ảnh 1.

TS.BS Hoàng Đình Cảnh - Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho hay: Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu, tập quán sinh hoạt, ăn uống, canh tác… để các bệnh ký sinh trùng lưu hành và phát triển.

TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (đơn vị đăng cai tổ chức hội nghị), cho biết: Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu, tập quán sinh hoạt, ăn uống, canh tác… để các bệnh ký sinh trùng lưu hành và phát triển. Kết quả một số cuộc điều tra dịch tễ trong những năm qua cho thấy tỷ lệ nhiễm bệnh ở nhiều khu vực còn cao, gây tác hại lớn đối với sức khỏe người dân, đặc biệt là các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. 

Các bệnh ký sinh trùng, trong đó có nhiều bệnh được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào nhóm các bệnh bị lãng quên (NTD), chưa được cộng đồng, xã hội quan tâm đúng mức.

"Nhìn lại quá trình phát triển của ngành ký sinh trùng trong nửa thế kỷ qua, mặc dù đã có nhiều thành quả rất đáng ghi nhận như tỷ lệ nhiễm bệnh đối với hầu hết các bệnh ký sinh trùng, bệnh sốt rét... đã giảm nhiều" - TS.BS Hoàng Đình Cảnh nói.

Tuy nhiên, cũng theo Viện trưởng Hoàng Đình Cảnh lĩnh vực này vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đòi hỏi sự đóng góp nhiều hơn nữa của các chuyên gia, nhà khoa học, hội viên Hội Ký sinh trùng để đạt được những thành tựu mới, vượt bậc trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, chẩn đoán và điều trị bệnh ký sinh trùng…

Bệnh ký sinh trùng ở Việt Nam có nhiều thay đổi, đã ghi nhận 24 ca nhiễm giun rồng, trước đây chưa từng xuất hiện
- Ảnh 2.

Quang cảnh hội nghị.

Chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS Đỗ Trung Dũng - Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, trước đây nhiễm giun rồng khá phổ biến trên thế giới, nhưng hiện chỉ lưu hành phổ biến ở các nước châu Phi. Hiện nay thực trạng nhiễm ký sinh trùng tại nước ta có nhiều thay đổi.

Theo ông Dũng, năm 1998, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát chứng nhận Việt Nam là quốc gia không có giun rồng nhưng đến năm 2020, loài ký sinh trùng bắt đầu xuất hiện.

Trong 5 năm qua, cả nước ghi nhận 24 ca nhiễm, đều là đàn ông ở 5 tỉnh, thành gồm: Yên Bái (11 ca), Phú Thọ (8 ca), Lào Cai (2 ca), Hòa Bình (1 ca) và Thanh Hóa (2 ca). Bệnh nhân thường có thói quen ăn thịt động vật chưa nấu chín như cá, ếch, rắn và uống nước lã. Ấu trùng giun rồng vào cơ thể trong 10-12 tháng sẽ phát triển thành giun tìm cách chui ra ngoài.

Đáng chú ý từ khi nhiễm giun đến khi có triệu chứng là khoảng 12 tháng, trong thời gian này bệnh nhân không có triệu chứng

Bệnh ký sinh trùng ở Việt Nam có nhiều thay đổi, đã ghi nhận 24 ca nhiễm giun rồng, trước đây chưa từng xuất hiện
- Ảnh 3.

PGS.TS Đỗ Trung Dũng chia sẻ về bệnh ký sinh trùng, trong đó có bệnh giun rồng. Ảnh: Thanh Loan.

Với người bị nhiễm giun này, hiện nay không có phương pháp chẩn đoán sớm hay điều trị bằng thuốc, mà chỉ đợi giun tự chui ra ngoài. Ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại nước ta là ở Yên Bái. Loại giun rồng ở Việt Nam chỉ tương tự như loài giun rồng mà các bệnh nhân ở châu Phi nhiễm phải chứ không giống hoàn toàn.

Nguy hiểm ở chỗ, giun có thể chui vào các vị trí khác như các ổ khớp, cột sống rồi bị chết, vôi hóa gây ra tình trạng cứng khớp, liệt vì giun chui vào cột sống... 

Để phòng giun rồng nói riêng và các bệnh ký sinh trùng nói chung, PGS.TS Đỗ Trung Dũng khuyến cáo người dân cần thực hiện ăn chín, uống sôi; thường xuyên tiến hành vệ sinh môi trường, nguồn nước, vệ sinh chất thải, rác thải; vệ sinh nhà ăn, nhà bếp, cơ sở chế biến, bảo quản thực phẩm; vệ sinh cá nhân; không dùng phân tươi bón rau, nuôi cá, lợn thả rông; diệt ruồi, nhặng, gián.

Bệnh ký sinh trùng ở Việt Nam có nhiều thay đổi, đã ghi nhận 24 ca nhiễm giun rồng, trước đây chưa từng xuất hiện
- Ảnh 4.
Bệnh ký sinh trùng ở Việt Nam có nhiều thay đổi, đã ghi nhận 24 ca nhiễm giun rồng, trước đây chưa từng xuất hiện
- Ảnh 5.

Các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện một số vụ, cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Hội Ký sinh trùng học Việt Nam cùng gần 300 đại biểu trong nước, các đại biểu đến từ Tổ chức Y tế Thế giới, Canada, các viện nghiên cứu, sở y tế, các giảng viên, nghiên cứu sinh các trường đại học, viện nghiên cứu, các bệnh viện và các trung tâm kiểm soát bệnh tật trên toàn quốc…

Hội nghị khoa học về Ký sinh trùng toàn quốc lần thứ 51 là hoạt động thường niên của Hội Ký sinh trùng học Việt Nam; đồng thời là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, các thành viên của hội trao đổi, chia sẻ, cập nhật những thành tựu, kiến thức, kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học chuyên ngành ký sinh trùng và các lĩnh vực liên quan trong thời gian qua. Hội nghị cũng là cơ hội để nhận diện, phân tích các khó khăn, bất cập trong công tác nghiên cứu, phòng chống, điều trị, xây dựng chính sách và đề xuất các giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe và thảo luận một số nội dung: cập nhật tình hình bệnh ký sinh trùng truyền từ động vật sang người tại Việt Nam; thanh toán bệnh giun Guinea - cập nhật toàn cầu và thực trạng tại Việt Nam; kết quả phòng chống và loại trừ sốt rét tại Việt Nam; những tiếp cận tiến bộ đối với vắc xin phòng bệnh giun sán; nghiên cứu bệnh sán lá lây truyền cho người, động vật và kiểm soát tổng hợp ở Việt Nam; một số ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy và nghiên cứu ký sinh trùng; vắc xin TAK-003 - giải pháp mới trong phòng chống sốt xuất huyết Dengue…

Bác sĩ cảnh báo người đang nuôi thú cưng nên biết để phòng mối nguy hại ít ai ngờBác sĩ cảnh báo người đang nuôi thú cưng nên biết để phòng mối nguy hại ít ai ngờ

SKĐS - Các bác sĩ Viện sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương cảnh báo nhiều người được chẩn đoán u, ung thư nhưng nguyên nhân chính lại từ giun sán của thú cưng.

Thái Bình/ Ảnh: Nhiên - Loan
Ý kiến của bạn