Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.
Ông Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế
Phóng viên: Thưa ông, hiện nay những căn bệnh không lây nhiễm nào ông cho rằng đang gia tăng ở những người trẻ tuổi?
Ông Trương Đình Bắc: Hiện nay, bệnh không lây nhiễm (BKLN) đang gia tăng là vấn đề nhức nhối không chỉ của ngành y tế, bởi trước đây thường gặp ở người cao tuổi, thì những năm gần đây các số liệu báo cáo cho thấy nó đang tấn công ở cả những người trẻ tuổi. Những BKLN có dấu hiệu trẻ hóa rõ rệt như bệnh đái tháo đường, đã có trường hợp chẩn đoán đái tháo đường typ 2 ở bệnh nhân mới 8-9 tuổi. Ngày nay, tình trạng thanh thiếu niên bị thừa cân, béo phì tăng cao, đặc biệt ở các thành phố lớn dẫn đến gia tăng bệnh đái tháo đường trước tuổi 40, trong khi trước đây, bệnh này thường gặp ở người cao tuổi.
Bệnh tăng huyết áp cũng là căn bệnh tôi thấy có dấu hiệu trẻ hóa rõ. Khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho thấy trên 10% học sinh có dấu hiệu tăng huyết áp, trong khi trước đây tăng huyết áp hoàn toàn là bệnh của người cao tuổi. Hay bệnh đột quỵ, trước đây cũng là bệnh của người cao tuổi, nhưng gần đây đã gặp những bệnh nhân đột quỵ dưới 40, thậm chí ở tuổi 30…
Phóng viên: Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trẻ hóa này, thưa ông?
Ông Trương Đình Bắc: Sự gia tăng của các bệnh này chủ yếu do 4 yếu tố nguy cơ chính: Sử dụng thuốc lá quá nhiều, không hoạt động thể lực, sử dụng rượu bia ở mức độ có hại và chế độ ăn uống không lành mạnh.
Chúng ta đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tử vong ngày càng lớn của các BKLN ở người trẻ tuổi. Theo báo cáo kết quả điều tra các yếu tố nguy cơ của BKLN năm 2015 của Bộ Y tế, trong nhóm tuổi từ 18 - 69, tỷ lệ mắc tăng huyết áp là 18,9%. 4 yếu tố trên còn là nguy cơ dẫn đến một số bệnh không lây nhiễm khác ở người trẻ tuổi như đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư…
Phóng viên: Tình trạng trẻ hóa người mắc BKLN đang là vấn đề nghiêm trọng, bởi có đến 77% trong 500.000 ca tử vong mỗi năm ở nước ta là do BKLN. Bộ Y tế đã và đang có những hoạt động nào để ứng phó với vấn đề này, thưa ông?
Ông Trương Đình Bắc: Trong số các chương trình mà Bộ Y tế đã triển khai chương trình phòng chống tác hại thuốc lá, phòng chống tác hại rượu bia.
Chúng ta đã có những chính sách cấm bán thuốc lá trong và các khu vực gần trường học, giáo dục cho học sinh không hút thuốc, cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi… Đối với thanh thiếu niên, thì cần phòng chống các yếu tố nguy cơ chung của bệnh không lây nhiễm.
Tiếp đó là chương trình dinh dưỡng. Hiện cả nước có trên 5000 trường học có tổ chức bữa ăn bán trú. Bộ Y tế đã đưa phần mềm tính lượng thực phẩm và dinh dưỡng cho mỗi bữa ăn vào trên 3000 trường học. Trước mỗi bữa có 3 phút hướng dẫn về dinh dưỡng hợp lý, ở đó cũng có xây dựng thực đơn giảm muối. Trong chương trình Sức khỏe Việt Nam, ngành giáo dục cũng đang xây dựng chương trình để đảm bảo trẻ có thời gian vận động 60 phút/ngày, tăng thời gian vận động thể lực. Như vậy, là để can thiệp vào thể chất cho trẻ từ tuổi học đường, ngăn ngừa tình trạng thừa cân béo phì do chế độ dinh dưỡng và tăng cường hoạt động thể lực.
Bệnh tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa
Phóng viên: Với những chương trình như vậy, có gì khó khăn trong việc thực hiện hay không?
Ông Trương Đình Bắc: Có nhiều chương trình để giảm yếu tố nguy cơ, nhưng vẫn còn có những khó khăn. Ví dụ như với ngành giáo dục thì hiện nay chương trình học của trẻ đã khá quá tải, nếu xếp thêm 60 phút vận động mỗi ngày cũng là khó. Việc giáo dục về giảm các yếu tố nguy cơ để phòng BKLN thì phần lớn là lồng ghép, vì thế thời gian học chưa được nhiều, nhiều giáo viên cũng chưa có đủ kiến thức để giảng dạy cho học sinh hiểu một cách thấu đáo về vấn đề này.
Tại các khu dân cư, đặc thù của nhiều thành phố, thị tứ, kể cả nông thôn ở Việt Nam là không có nhiều khu vui chơi công cộng, không có đường riêng chỉ dành cho người đi bộ, đi xe đạp… Về dinh dưỡng, 70% lượng muối vào cơ thể là từ các bữa ăn gia đình, nhưng tài liệu để hướng dẫn bà nội trợ làm sao chế biến giảm muối, bao nhiêu muối là vừa… thì lại chưa có nhiều. Tài liệu để hướng dẫn bà nội trợ thế nào là bữa ăn hợp lý cũng chưa có… Đó thực sự là những khó khăn, rào cản mà ngành y tế không thể đơn độc giải quyết. Nó cần sự phối hợp đa ngành và còn phụ thuộc vào ý thức thay đổi lối sống của người dân.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!