Bệnh huyết khối động mạch chủ cấp do thuốc

25-11-2011 08:21 | Dược
google news

Tăng nguy cơ hình thành huyết khối ở bệnh nhân ung thư đang hoạt động có thể do nhiều nguyên nhân. Đối với bệnh huyết khối động mạch chủ là một biến chứng hiếm gặp

Tăng nguy cơ hình thành huyết khối ở bệnh nhân ung thư đang hoạt động có thể do nhiều nguyên nhân. Đối với bệnh huyết khối động mạch chủ là một biến chứng hiếm gặp nhưng có khả năng tàn phá cao ở bệnh nhân ung thư đang được hóa trị dựa trên cisplatin. Vì vậy, cần phải chẩn đoán sớm và điều trị dứt điểm để giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong.

Hóa trị liệu được xem là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất gây thuyên - huyết tắc tĩnh mạch và động mạch ở các bệnh nhân ung thư. Một nghiên cứu lớn dựa trên dân số đã chứng minh rằng, bệnh nhân có bệnh ác tính đang hoạt động có nguy cơ bệnh huyết khối tăng gấp 4, 5 lần so với dân số không ung thư. Ở bệnh nhân đang hóa trị ung thư, nguy cơ tăng gấp 6 lần so với dân số không ung thư.
 Hình ảnh động mạch chủ bụng bị cắt cụt trên phim DSA.

Cisplatin, một thuốc hóa trị là tác nhân nền tảng trong điều trị nhiều loại ung thư như ung thư biểu mô buồng trứng, ung thư phổi, u lympho, sarcôm và các u tế bào mầm. Một trong những biến chứng quan trọng nhất của hóa trị liệu dựa trên cisplatin là nguy cơ cao xảy ra các biến cố thuyên - huyết tắc mạch. Hầu hết các trường hợp đều có liên quan đến tim (nhồi máu cơ tim), não (đột quỵ, thiếu máu cục bộ) và động mạch chi dưới. Bệnh huyết khối động mạch chủ cấp là một biến chứng hiếm gặp nhưng gây tàn phá nhiều ở bệnh nhân đang điều trị cisplatin, cần được phát hiện sớm và kịp thời điều trị.

Cisplatin có xu hướng gây ra các biến cố mạch máu ở giai đoạn sớm của quá trình hóa trị, với khoảng 45% xảy ra trong hai chu kỳ điều trị đầu tiên.

Cơ chế gây ra biến cố mạch máu của cisplatin chưa rõ, nhưng tổn thương nội mạc dường như đóng vai trò chính yếu. Cisplatin còn được biết là gây tình trạng hạ magnesi máu, được xem là có liên quan đến các biến cố mạch máu. Hạ magnesi máu có thể gây co thắt mạch máu, nhưng không được xem là nguyên nhân gây ra huyết khối ở mạch máu lớn.

Các nghiên cứu đã cho thấy, yếu tố nguy cơ tiềm tàng gây biến chứng thuyên - huyết tắc ở bệnh nhân dùng cisplatin bao gồm: bệnh xơ vữa động mạch hệ thống, di căn gan và liệu pháp chống nôn bằng dexamethasone. Trong thực tế, hầu hết các trường hợp huyết khối động mạch do cisplatin gây ra được mô tả trong y văn đều xảy ra ở những bệnh nhân có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ kể trên.

Cần sớm chẩn đoán và khẩn trương điều trị những bệnh nhân có huyết khối động mạch chủ cấp để ngăn chặn huyết khối và tránh tình trạng thuyên - huyết tắc lan tỏa. Thiếu máu cục bộ ở các cơ quan trong ổ bụng và ở chi là biến chứng rất nghiêm trọng ảnh hưởng xấu đến kết cục. Huyết khối động mạch chủ cấp hiện chưa có điều trị tiêu chuẩn.

Thuốc tan sợi huyết, thuốc kháng đông và phẫu thuật đã được sử dụng với các kết quả thay đổi trên những bệnh nhân có huyết khối liên quan đến cisplatin.

 Hóa trị liệu là một yếu tố nguy cơ gây huyết khối động mạch ở bệnh nhân ung thư .

Hướng dẫn hiện nay cho thấy rằng, ở những bệnh nhân bị thuyên - huyết tắc động mạch cấp, việc điều trị ban đầu nên bao gồm xử trí ngay với kháng đông heparin không phân đoạn.

Ở những bệnh nhân đã được phẫu thuật lấy huyết khối động mạch (embolectomy), khuyến nghị điều trị khởi đầu với heparin toàn phần, tiếp theo là dùng đối kháng vitamin K kéo dài hoặc heparin trọng lượng phân tử thấp (LMWH) dài hạn, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, tình trạng suy yếu của bệnh nhân ung thư có thể là chống chỉ định của phẫu thuật.

Huyết khối động mạch chủ bụng cấp có tiên lượng rất xấu nếu không kịp thời được phát hiện và điều trị. Do các triệu chứng có thể rất kín đáo nên bệnh nhân xem nhẹ, vì thế, bác sĩ cần phải chú ý cao tới những biến chứng mạch máu ở bệnh nhân hóa trị dựa trên cisplatin. Cần xem bệnh sử chi tiết và khám lâm sàng kỹ lưỡng, kiểm tra mạch ngoại vi cần được thực hiện thường quy. Nên kiểm tra ngay CT scan hoặc siêu âm duplex bụng khi phát hiện các triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng kín đáo.

BS. Đồng Ngọc Khanh


Ý kiến của bạn