Bệnh hủi và văn hoá

12-03-2011 08:34 | Văn hóa – Giải trí
google news

Bệnh hủi là nỗi kinh hoàng trong xã hội Việt Nam truyền thống, được xếp vào loại tứ chứng nan y: phong (hủi, cùi), lao, cổ, lại. Người hủi bị cộng đồng ghê sợ, tránh xa. Ngôn ngữ dân gian dùng từ hủi để chỉ kẻ xấu xa, đáng khinh bỉ, không nên giao thiệp “đồ hủi!” “thằng hủi!” “Không chơi với hủi!”. Ca dao Huế có câu “giẻ rách hủi lở đòi chồm lên cao”.

Thời Pháp thuộc xa xưa, có một thời gian tôi dạy học ở Huế, cùng dạy trường Lycéum Việt Anh với Chế Lan Viên. Tôi chưa lập gia đình, trọ ở Đập Đá, còn anh thuê nhà ở cùng vợ con ở thôn Vĩ  Dạ, không xa nhà tôi lắm. Mỗi lần sang chơi anh, qua tiếng cành lá lao xao trong nhà vườn thôn Vỹ Dạ, tôi tưởng như nghe vẳng tiếng thơ trong trẻo, tươi mát, đan xen tiếng rên đau khổ của Hàn Mặc Tử:

Sao anh không về chơi thôn Vỹ

Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên

Và:

 Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết

Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh

Bệnh hủi đã cướp đi đời nhà thơ vào tuổi 28. Bệnh hủi là nỗi kinh hoàng trong xã hội Việt Nam truyền thống, được xếp vào loại tứ chứng nan y: phong (hủi, cùi), lao, cổ, lại. Người hủi bị cộng đồng ghê sợ, tránh xa. Ngôn ngữ dân gian dùng từ hủi để chỉ kẻ xấu xa, đáng khinh bỉ, không nên giao thiệp “đồ hủi!” “thằng hủi!” “Không chơi với hủi!”. Ca dao Huế có câu “giẻ rách hủi lở đòi chồm lên cao”.

Bệnh hủi đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tín ngưỡng tôn giáo, luật tục xã   hội, văn nghệ văn hoá của các dân tộc trên thế giới.

Thời cổ đại, bệnh hủi đặc biệt có mặt ở Ấn Độ, Trung Quốc và Ai Cập ngay trước Công nguyên, với những chứng cứ rõ rệt. Bệnh hủi xuất hiện ở Tây Âu khoảng đầu CN, nhưng chỉ hạn hẹp một vài địa phương. Đến thời kỳ Thập Tự chinh (thế kỷ 11-13) các vương quốc Thiên Chúa giáo phương Tây đem quân sang Trung Đông để giải phóng các nơi thiêng liêng của Chúa khỏi sự chiếm đóng Hồi Giáo, thì bệnh hủi thành bệnh dịch lây lan rất nhanh. Người hủi bị đối đãi một cách vô nhân đạo. Ở Pháp, ai bị nhận dạng là hủi thì phải dự “lễ khai trừ khỏi thế gian”, y như lễ tang. Ở các nước châu Âu, người hủi phải theo những lệnh cấm ngặt nghèo: mặc quần áo riêng, đến đâu phải lắc chuông để mọi người tránh xa. Có nơi cấm người hủi lấy vợ lấy chồng, buộc phải li dị khi phát hiện bệnh, của cải phải phân tán cho con cháu họ hàng. Họ bị đưa vào nhà thương hủi hoặc chỉ được ở một cái lều bên đường. Họ phải đi xin ăn để kiếm sống.

Thời Trung cổ ở châu Âu, người hủi bị nguyền rủa và bạc đãi, nhưng cũng được  những tổ chức từ thiện tôn giáo săn sóc, kể cả các hiệp sĩ Thập Tự chinh. Năm 1954, ông Follereau đặt ra ngày Quốc tế người hủi, nhắc nhở  hành động quốc tế giúp đỡ người hủi. Năm 1873, bác sĩ người Na Uy là Hansen phát hiện ra vi trùng hủi. Phương pháp cách ly tuyệt đối được xét lại cùng sự ra đời của các phương pháp trị bệnh hủi có hiệu quả.

Trên văn đàn thế giới, số phận người hủi đã tạo ra nhiều áng văn chương sâu sắc. Ở ta, trường hợp Hàn Mặc Tử là điển hình, và cũng là duy nhất trong văn học cổ điển và hiện đại Việt Nam. Như nhà Việt Nam học Lê Thành Khôi đã đúc kết: “Hàn Mặc Tử khởi nghiệp bằng những bài thơ cổ điển, ca ngợi những mối tình quê… Mắc bệnh hủi và sự cách ly từ 1936 đến khi chết  đã tạo cho ông tâm trạng, cảm xúc  để viết  những bài thơ  tuyệt tác, những bài thơ điên loạn, thần bí Kitô giáo pha trộn sự dầy vò, đau đớn thể xác, sự ám ảnh của máu và cái chết, sự ám ảnh của chị Hằng và những tư duy liên miên mang tính vũ trụ với lòng mến mộ Đức Mẹ đồng trinh, niềm hoài bão đặt vào Thượng đế” (bản tiếng Pháp: Lịch sử và Tuyển tập Văn học Việt Nam từ khởi đầu đến ngày nay-Paris 2008). Trong văn chương thế gíơi cũng có những tác phẩm liên quan đến bệnh hủi. Vở ca kịch lãng mạn Người phụ nữ bị bệnh phong của nhạc sĩ Pháp gốc Áo Lazzari (1912) tả một tấn bi kịch về tình yêu và đau khổ, tình yêu muốn vượt lên định mệnh mà không nổi. Trong truyện Người hủi thành Aoste (1811), nhà văn Pháp Xavier de Maistre kể lại cuộc gặp và nói chuyện với một người hủi bị cách ly, sống trong một ngọn tháp. Câu chuyện phản ánh tâm lý đau khổ của người bệnh, rồi tìm được sự bình thản với lòng tin vào một kiếp sau có sự công bằng hơn của Thượng đế. Cuốn tiểu thuyết Những thiếu nữ hủi (1939) là cuốn thứ tư và cuốn cuối trong bộ trường thiên tiểu thuyết của nhà văn Pháp H.de Montherlant. Toàn bộ tác phẩm diễn tả lối sống của một nhà văn ở đời chỉ có hai niềm vui: sáng tác và các cuộc tình duyên, yêu đương  tự do. Tác giả phân tích các điểm yếu của phụ nữ. Tập 4 tập trung nói về tình yêu tan vỡ với một tình nhân người Marốc bị hủi.

Có lẽ những đặc trưng của bệnh hủi làm người bệnh đau khổ đến cực điểm cả về thể xác lẫn tinh thần (trước quan niệm khinh rẻ của người đời) đã hút các nhà thơ nhà văn miêu tả những số phận bị đày đọa trong nỗi cô đơn khủng khiếp của bệnh. Với người bệnh có tài như Hàn Mặc Tử, hẳn ông mong được chia sẻ nỗi đau của mình với bạn đọc.         

 

  Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn