Ngoài những vấn đề về sức khỏe thể chất (bệnh tật), các em còn phải gánh trên vai sức khỏe tinh thần như áp lực tâm lý, cám dỗ, bạo lực… thậm chí, vấn nạn ma túy đang len lỏi vào trường học gây những hệ lụy khôn lường…
Sức khỏe học đường là sức khỏe về thể chất và tinh thần đối với lứa tuổi học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường từ mầm non, mẫu giáo đến học sinh trung học phổ thông (cấp ba) là chủ yếu, ngoài ra sinh viên cao đẳng, đại học cũng cần được quan tâm đúng mức.
Một số bệnh học đường thường gặp
Đó là các bệnh mà học sinh mắc phải trong quãng thời gian đi học, có liên quan đến điều kiện vệ sinh (nhà vệ sinh, lớp học, nhà ăn…), bệnh nhiễm trùng gây dịch (bệnh thủy đậu, bệnh tay chân miệng…), ánh sáng, độ chuẩn mực của phòng học, bàn ghế nơi các em học tập như tật khúc xạ (chủ yếu là cận thị), cong vẹo cột sống, rối loạn tâm lý…
Cận thị xuất hiện ngày càng nhiều ở tuổi học đường.
Tật khúc xạ chưa được chỉnh kính là một trong 5 nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa và giảm thị lực. Tại Việt Nam, trẻ em trong độ tuổi từ 6-15 tuổi có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 20-40% ở khu vực thành thị, từ 10-15% tại khu vực nông thôn. Điều này có nghĩa có khoảng 3 triệu trẻ em đang có tật khúc xạ cần được chỉnh kính.
Bệnh cong vẹo cột sống hiện nay ở học sinh đang là vấn đề đáng lo ngại. Theo Bộ Y tế, ở Việt Nam, tỷ lệ cong vẹo cột sống ở học sinh chiếm tỷ lệ khoảng từ 15-30%. Ở trẻ lứa tuổi học sinh, cột sống còn mềm mại, nếu ngồi sai tư thế lâu như cúi gập, ưỡn, vẹo sang phải hoặc trái sẽ dẫn đến cong lưng; vẹo lưng (ở đoạn cột sống ngực); ưỡn lưng do đoạn cột sống thắt lưng ưỡn ra trước. Nguyên nhân cong vẹo cột sống là do học sinh ngồi học không đúng tư thế, kích thước bàn ghế không phù hợp với từng lứa tuổi (quá cao hoặc quá thấp), hoặc ngồi quá lâu để học bài, xem ti vi, máy tính…
Bệnh thừa cân, béo phì ở trẻ tuổi học đường do kinh tế phát triển, đặc biệt ăn uống không hợp lý, không hợp vệ sinh (ăn nhiều chất béo, nhiều đường, ăn nhiều thức ăn nhanh…trong khi ăn ít rau, ít chất xơ, ít trái cây, uống ít nước…). Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh này trong học sinh chiếm khoảng từ 15-40%.
Một vấn đề khá phức tạp là rối loạn tâm thần ở tuổi học đường. Theo điều tra quốc gia do Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện mới đây trên 3.000 học sinh tại Hà Nội và Hải Dương, khoảng 9% em nói từng có ý định tự tử, 6% đã có kế hoạch quyên sinh vì gặp nhiều vấn đề trong học tập, cuộc sống; gần 19,5% học sinh trong độ tuổi 10-16 có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tỷ lệ chung rối loạn tâm thần học đường khá cao (7-25%); số học sinh có ý định tự tử tăng cao (16,9%), trong đó 21,8% phải đến bác sĩ chuyên khoa để được điều trị. Nguyên nhân của hiện tượng này có lẽ do khối lượng học tập quá tải, học thêm, bồi dưỡng ngoài giờ liên miên. Mặt khác một số phụ huynh kỳ vọng ở con em quá nhiều gây áp lực không nhỏ cho con em mình, tạo nên một tâm lý nặng nề cho trẻ. Thêm vào đó điều kiện vệ sinh, chăm sóc sức khỏe trong học tập nhiều nơi chưa đảm bảo, thời gian học chiếm hết thời gian vui chơi giải trí… khiến cho các em luôn trong tình trạng làm việc liên tục, đầu óc căng thẳng (stress) và cơ thể không có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống không điều độ (lúc no, lúc đói, không đúng giờ…), không đúng theo sinh lý của con người. Biểu hiện của rối loạn tâm thần ở lứa tuổi học đường với nhiều mức độ như mất tập trung, căng thẳng, rối loạn giấc ngủ, đau đầu, chóng mặt, khó kiểm soát hành vi, nặng hơn nữa là biểu hiện trầm cảm, thậm chí hoang tưởng tự sát.
Tỷ lệ mắc các bệnh về răng miệng ở học sinh ngày càng có xu hướng gia tăng và chiếm một tỷ lệ rất cao khoảng từ 60-95%.
Ngoài các bệnh học đường, thời gian gần đây người ta thấy tỷ lệ học sinh hút thuốc lá (4,7%), uống rượu, bia có xu hướng gia tăng (22,5%). Đặc biệt, nổi lên vấn nạn bạo lực học đường ở nhiều nơi. Bạo lực học đường bao gồm học sinh với học sinh, thầy cô giáo với học sinh gây bất bình trong quần chúng nhân dân, nhất là các bậc phụ huynh đang có con em theo học ở các trường để xảy ra bạo lực học đường. Nguy hiểm hơn vấn nạn ma túy có nguy cơ thâm nhập học đường.
Nên làm gì để phòng chống bệnh học đường?
Để phòng tránh bệnh cận thị học đường hiệu quả cần đảm bảo nguồn sáng cho lớp học và chỗ ngồi học của các em. Không nên để trẻ em xem ti vi quá nhiều và ngồi gần. Chú ý bổ sung thêm vitamin A cho con trẻ bằng nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng vào bữa ăn như cà rốt, cá… hoặc uống thuốc hỗ trợ bổ sung vitamin A trong các Chương trình của Bộ Y tế.
Để phòng tránh cong vẹo cột sống cho các em, cần uốn nắn tư thế ngồi cho con trẻ hàng ngày để tạo cho các em thói quen ngồi học đúng tư thế.
Nên chăng ngành giáo dục cần xem xét lại chương trình học làm sao cho hài hòa với độ tuổi, các em phải có thời gian chơi để thoái mái tinh thần. Với các bậc phụ huynh không nên gây áp lực cho con em mình trong học tập, đừng kỳ vọng một cách vô lý là bắt con phải học thật giỏi để “đẹp mặt cha mẹ” trong khi năng lực của con mình có giới hạn, thay vào đó cần quan tâm về dinh dưỡng, tạo mọi điều kiện để trẻ được vui chơi thoải mái ngoài giờ học, ngủ đủ thời gian cần thiết.
Cần định kỳ kiểm tra sức khỏe cho các em học sinh.
Vai trò của công tác y tế trong trường học
Trẻ em và học sinh chiếm 1/3 dân số, nếu được chăm sóc, giáo dục tốt sẽ quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đây là lứa tuổi đang trong giai đoạn phát triển, hoàn thiện thể chất, tinh thần, hành vi lối sống và rất dễ mắc bệnh tật. Môi trường trường học có nhiều nguy cơ tiềm ẩn dễ phát sinh bệnh, tật ở trẻ em và học sinh.
Hiện nay nhiều nước trên thế giới xem trường học là nơi để tập trung nâng cao sức khỏe, thay đổi hành vi lối sống cho thế hệ tương lai của đất nước thông qua giáo dục sức khỏe, rèn luyện kỹ năng sống, cải thiện môi trường học tập, điều kiện chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Vì vậy việc tổ chức triển khai xây dựng trường học nâng cao sức khỏe và phòng chống bệnh tật học đường cho học sinh trên phạm vi cả nước là rất cần thiết và phù hợp với xu thế chung của khu vực và thế giới.
Để triển khai đầy đủ và kịp thời các biện pháp chăm sóc trẻ em trong độ tuổi đến trường tại các trường học, vai trò của công tác y tế trong trường học là rất quan trọng và cần thiết. Hoạt động y tế trường học tập trung công tác chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh học đường cho học sinh, phòng chống dịch bệnh có nguy cơ lây truyền trong trường học, đồng thời cũng là nơi đầu tiên sơ cấp cứu cho học sinh trong những trường hợp các em ốm hoặc tai nạn thương tích tại trường trước khi chuyển viện. Điều này rất quan trọng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe học sinh. Cán bộ y tế trường học cũng là người tham mưu cho Hiệu trưởng tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai các chương trình phòng chống dịch, bệnh cho học sinh trong trường.