Cẩn thận với các bệnh đường hô hấp
Thời tiết chuyển mùa nhiệt độ thay đổi thất thường ở cả miền Nam và Bắc, Nam nắng hanh khô ban ngày và se lạnh buổi tối, Bắc thời tiết sang xuân, mưa phùn và độ ẩm cao khiến vi sinh vật, nấm mốc phát triển mạnh và gây bệnh. Đây là thời điểm thuận lợi làm tăng các bệnh ở trẻ, nhất là ở những bé có hệ miễn dịch yếu, dẫn đến tỷ lệ trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng.
Đến với NGÀY HỘI GIÁO DỤC SỨC KHỎE HÔ HẤP TRẺ EM 2016, các mẹ được các bác sĩ của Hội hô hấp thành phố cung cấp và tư vấn các kiến thức chăm sóc đường hô hấp của trẻ trực tiếp. Ngoài ra, ngày hội còn có sự tham gia của PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc – Chủ tịch Hội Hô Hấp TPHCM, Trưởng khoa Hô hấp BV Chợ Rẫy, TS. BS. Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Hô Hấp TPHCM, Trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 và PGS.TS.BS Phạm Thị Minh Hồng – Phó Chủ nhiệm bộ môn Nhi, BS điều trị khoa hô hấp, BV Nhi Đồng 2 tư vấn kiến thức hữu ích cho hàng trăm bà mẹ quan tâm đến sức khỏe hô hấp trẻ nhỏ.
Tại ngày hội, hai báo cáo viên chính là BS Minh Hồng và BS Anh Tuấn đã cung cấp cho khách tham dự những thông tin cực kỳ bổ ích trong việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ. Các bác sĩ cho biết đường hô hấp chính là nơi mà nhiều mầm bệnh (vi rút, vi khuẩn) dễ dàng xâm nhập khi trẻ hít thở. Đối với trẻ, đường thở ngắn và hẹp nên mầm bệnh dễ xâm nhập đến đường hô hấp dưới và có thể gây viêm phổi cũng như dễ làm bệnh nặng hơn. Đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, bệnh đường hô hấp thường xuyên tấn công do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên sức đề kháng và khả năng miễn dịch kém. Chính vì vậy, trẻ không đủ sức chống đỡ với sự tấn công của các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài.
Trẻ càng nhỏ tuổi càng dễ nhạy cảm với thời tiết và càng dễ mắc bệnh hơn trẻ lớn và người trưởng thành. Bệnh mùa đông - xuân hay gặp nhất ở trẻ là bệnh đường hô hấp. Bởi vì khi thời tiết chuyển mùa, cả người lớn và trẻ đều dễ mắc các bệnh đường hô hấp, nhưng ở trẻ khi mắc bệnh hô hấp sẽ dễ chuyển bệnh nặng. Ví dụ, cũng là nhiễm cùng 1 loại virus hô hấp (virus hô hấp hợp bào) nhưng trẻ lớn và người lớn khi mắc bệnh có thể chỉ bị cảm, ho thông thường trái lại nếu trẻ nhỏ nhiễm loại virus này thì bệnh lại thường nặng hơn: hơn 90% trẻ dưới 2 tuổi sẽ bị VTPQ – nguyên nhân nhập viện hàng đầu ở trẻ nhỏ trên toàn thế giới. BS. Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Hô Hấp TPHCM, Trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: “Đặc biệt ở các trẻ có bệnh mạn tính, dị tật đường hô hấp bẩm sinh, bệnh tim bẩm sinh, bại não, suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch,… thì bệnh lại càng nặng, nhiều biến chứng và dễ tử vong hơn:
Chia sẻ cùng các bác sĩ tại ngày hội, mẹ Hồ Xuân Hoàng Yến, Quận 10 cho biết “Không ít lần vợ chồng mình phải thay phiên nhau nghỉ làm, thức trắng đêm để ở nhà chăm con. Cứ như vậy, từ khi cai sữa mẹ đến nay, con đã ốm không biết bao nhiêu lần. Hai mươi sáu tháng mà con chỉ nặng có hơn 12kg. Nghe tiếng con ho mỗi đêm, vừa thương con, vừa trách mình không tuân thủ đúng liệu trình điều trị cho con, chỉ điều trị tạm thời mà không dứt điểm được cơn ho.”
Các bác sĩ giúp mẹ có thêm kiến thức
Đối với các bệnh về đường hô hấp, các mẹ cần mặc ấm cho trẻ. Mỗi lần tắm cho trẻ, cần có sự chuẩn bị đầy đủ nước ấm, khăn khô, sạch, quần áo cho trẻ sau khi tắm. Khi ra khỏi nhà, cần mặc cho trẻ ấm hơn, có găng tay, bít tất, khẩu trang, đầu đội mũ ấm, tránh không cho không khí lạnh tác động vào mũi, họng, vùng da hở không có quần áo che kín. Ban đêm ngủ, trẻ thường đạp tung chăn, bố mẹ nên lưu ý đắp chăn cho trẻ để tránh trẻ bị cảm lạnh do ngủ không đủ ấm.
Bác sĩ Trần Anh Tuấn lưu ý vớicác bà mẹ: “Khi thấy trẻ mắc bệnh hô hấp như sốt cao, thở gấp, bỏ bú kéo dài thì cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và có hướng xử trí kịp thời, tránh tự ý điều trị. Bác sĩ Trần Anh Tuấn trấn an các bà mẹ rằng: “Nếu được đưa đến cơ sở y tế sớm, xử trí kịp thời thì kết quả sẽ rất khả quan: 70-80% trẻ VP có thể khỏi bệnh với những loại thuốc kháng sinh thông thường. Để chủ động phòng bệnh, các bậc phụ huynh cần tuân thủ nguyên tắc là tiêm phòng đầy đủ, cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, giữ ấm cho trẻ cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu, nuôi dưỡng trẻ tốt – tránh suy dinh dưỡng, tránh ô nhiễm – khói bụi đặc biệt là khói thuốc lá và khói bếp (than củi), chủng ngừa đầy đủ cũng như thực hành tốt việc rửa tay. Ngoài ra, các mẹ cần tuân thủ đúng liệu trình điều trị của bác sĩ. Hiện nay, nhiều loại kháng sinh có liệu trình điều trị ngắn (3 - 5 ngày) đang được rất nhiều bác sĩ tin tưởng vì lợi ích mà thuốc mang lại, cũng như giúp bệnh nhân tuân thủ liệu trình điều trị,
Các bác sĩ tại bàn tư vấn cũng nhấn mạnh rằng “Cần lưu ý là không phải bệnh nào, người bệnh nào, kháng sinh nào cũng có thể áp dụng biện pháp này. Chỉ qua thăm khám và đánh giá đầy đủ, bác sĩ của bạn mới quyết định được điều này”.
Do đó, việc tuân thủ liệu trình điều trị là việc rất quan trọng mà các bậc cha mẹ tuân thủ. Vì lý do đặc biệt nào đó như bé đi học khó tuân thủ liệu trình, hay bé khó uống thuốc hoặc dễ nôn ói khi uống thuốc…thì cần chia sẻ với bác sĩ điều trị để tìm giải pháp phù hợp.