Hà Nội

Bệnh hô hấp dễ tấn công trẻ trong tiết thu

11-09-2018 17:40 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Bệnh liên quan đến đường hô hấp khá phổ biến ở nước ta, nhất là mùa học sinh tựu trường thường trùng với thời điểm giao mùa từ hè sang thu – khoảng thời gian thuận lợi cho nhiều loại virut, vi khuẩn gây bệnh. Lúc này, trẻ dễ mắc các bệnh lý về đường hô hấp như cúm, viêm họng, viêm mũi họng. Các bệnh về đường hô hấp rất dễ lây lan.

Biểu hiện

Các biểu hiện lâm sàng của viêm đường hô hấp ở trẻ em rất đa dạng và ở nhiều mức độ khác nhau. Thông thường, trẻ bắt đầu với các triệu chứng ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, rồi sau đó là thở nhanh, cánh mũi phập phồng, nặng hơn nữa là nhìn thấy lồng ngực bị rút lõm trong khi thở vào, thở rít, tím tái. Nếu không được xử trí kịp thời trẻ có thể hôn mê, co giật..., thậm chí có thể gây tử vong cho trẻ.

Một đặc điểm cần lưu ý là diễn biến của trẻ từ mức độ nhẹ sang nặng rất nhanh do đó việc đánh giá, phân loại, xác định điều trị kịp thời là rất quan trọng. Tùy theo vị trí, tác nhân gây bệnh, lứa tuổi và cơ địa của trẻ mà bệnh biểu hiện với nhiều mức độ khác nhau.

Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt và bất thường cần tới cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể.

Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt và bất thường cần tới cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể.

Phân biệt một số bệnh lý hô hấp thường gặp

Viêm mũi họng: Thường xảy ra lúc trời lạnh (tháng 10 đến tháng 3). Tuổi dễ bị nhất là 3-6 tuổi. Có nhiều loại virut gây như cúm, Adenovirus, Rhinovirus... Bệnh lây lan rất nhanh nhưng ít nguy hiểm, thường tự giới hạn trong 7-14 ngày.

Một số triệu chứng thường gặp: Trẻ có cảm giác khô mũi, hơi thở nóng trong ngày đầu, sau đó sổ mũi ào ạt. Ngày 2 trở đi, trẻ bắt đầu sốt 38-39 độ C. Ngày 3, sốt giảm có thể còn sốt nhẹ. Sau 7 ngày trẻ sẽ hết sốt, đôi khi đến ngày 10. Nghẹt mũi, sổ mũi, rát cổ, ho nôn ra đờm, uể oải không chịu chơi, biếng ăn.

Viêm amiđan cấp: Amiđan là tổ chức bạch huyết ở hai bên họng  rất dễ bị viêm nhất là ở trẻ dưới 6 tuổi, dễ chẩn đoán, phát hiện. Bệnh thường do vi khuẩn Hemophilus và Streptococcus.

Một số biểu hiện lâm sàng: sốt, ho, đau họng, khó nuốt. Amiđan sưng đỏ, có mủ. Sờ hạch cổ: mềm, sưng đau hai bên. Có thể có biến chứng viêm tấy, áp-xe quanh amiđan.

Viêm VA: Thường ở trẻ từ 6 tháng tuổi đến 4 tuổi nhưng cũng có khi gặp ở trẻ lớn hơn. Biểu hiện của bệnh: Trẻ bị sốt trên 38 độ C. Chảy mũi: lúc đầu trong, loãng; sau nhầy, mủ. Trẻ cũng bị ngạt mũi. Bệnh thường kèm ho; nếu có biến chứng viêm phế quản, ho sẽ trở nên trầm trọng hơn nhiều. Ngoài ra có thể thấy trẻ mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc...

Viêm thanh khí phế quản cấp: Đây là tình trạng viêm phù nề cấp vùng hạ thanh môn. Thường do Parainfluenza virus (75%), sau đó là RSV, Adenovirus, Influenza virus, đôi khi do vi trùng như Mycoplasma pneumoniae. Xảy ra ở trẻ 3 tháng đến 6 tuổi (đỉnh 1-2 tuổi). Bệnh nhân có thể có các dấu hiệu tắc nghẽn đường thở hoặc có  nguy cơ dẫn đến tắc nghẽn đường thở nặng như: lơ mơ, tím tái, vẻ mệt và kiệt sức, co lõm ngực nặng.

Viêm phổi: Là bệnh lý viêm của phổi do tác nhân nhiễm trùng. Tác nhân: Phế cầu và Haemophillus influenzae thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Mycoplasma pneumoniae và phế cầu thường gặp ở trẻ trên 5 tuổi. Lâm sàng: sốt, ho, thở nhanh, khó thở. Xquang là tiêu chuẩn chính của chẩn đoán. Tuy nhiên, Xquang cũng không thể giúp phân biệt giữa viêm phổi do virut và do vi trùng.

Viêm tiểu phế quản: Là bệnh lý viêm nhiễm cấp tính do siêu vi của các phế quản nhỏ & trung bình, xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân do RSV, Adenovirus, parainfluenza, influenza virus, human metapneumovirus, mycoplasma... Bệnh thường được báo hiệu trước bởi nhiễm khuẩn hô hấp trên như ho, sốt, chảy mũi, sau vài ngày thì xuất hiện thở nhanh và suy hô hấp. Co rút lồng ngực thường xảy ra sớm. Tím tái xảy ra khi bệnh nặng lên. Sốt có thể có hoặc không, thở ra kéo dài, đôi khi có thể có ran ẩm nhỏ hạt. Lồng ngực của trẻ trở nên căng phồng. Khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau được xếp vào thể nặng và cần phải nhập viện là: Trẻ bú kém, li bì, cơn ngừng thở, thở nhanh từ 70 lần/phút trở lên, thở rên, phập phồng cánh mũi, co rút lồng ngực nặng, tím tái.

Lời khuyên thầy thuốc

Cách phòng bệnh hô hấp cho trẻ không quá khó thực hiện, cha mẹ chỉ cần hiểu biết cơ bản về bệnh để có phương án phòng, tránh cho trẻ, đặc biệt là về kỹ năng vệ sinh tai mũi họng. Nếu làm tốt khâu vệ sinh nêu trên thì trẻ sẽ không dễ nhiễm bệnh, hoặc nhiễm bệnh thì cũng không bị nặng và ít phải dùng thuốc kháng sinh để điều trị.

Ngoài ra, để hạn chế tối đa khả năng mắc bệnh đường hô hấp ở trẻ trong thời tiết lạnh, quan trọng nhất là cha mẹ phải tìm cách giữ ấm cơ thể và bổ sung hợp lý các loại dinh dưỡng cần thiết cho trẻ; hạn chế đưa trẻ đến chỗ đông người, vì với môi trường chật hẹp thì mật độ virut, vi khuẩn cao, dễ xâm nhập hô hấp của trẻ.

Đặc biệt, phụ huynh lưu ý, khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, có biểu hiện nặng lên, phải kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện, tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc cho trẻ, nhất là các loại thuốc kháng sinh. Phải uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, cần cho trẻ tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh.


BS. Nguyễn Văn Dũng
Ý kiến của bạn