“Bệnh hiểm” cần thuốc đặc trị

25-03-2014 01:19 | Thời sự
google news

SKĐS - Điều 192 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy...

Điều 192 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, lực lượng công an đã phát hiện và triệt phá hàng loạt “hang ổ” chuyên trồng cây thuốc phiện tại nhà đã gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng này.

Trồng cần sa công nghệ cao

Mới đây, Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm về ma túy Công an quận Lê Chân, TP. Hải Phòng đã bất ngờ đột kích xưởng trồng cần sa do Đỗ Hải Nam (SN 1976, ngụ đường Miếu Hai Xã, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân) làm chủ, thu giữ tại chỗ 1 hộp đựng cần sa khô, 1 túi đựng hạt giống cần sa và 1 lượng lớn cần sa khô, cần sa tươi; nhiều điếu cần sa cùng các dụng cụ để sử dụng ma túy đá, vật dụng sấy, đóng gói cần sa... Tại tầng 3 và 4 của căn nhà (rộng gần 100m2), trinh sát phát hiện được hàng loạt chậu cảnh được Nam trồng cây cần sa. Tại 2 tầng này, công an thu giữ 23 cây cần sa các loại. Khai thác nóng, đối tượng Nam khai nhận đã vào mạng internet nghiên cứu công nghệ trồng cần sa của nước ngoài để trồng tại nhà mình, qua đó đã mua các loại đèn công suất lớn, lắp đặt hệ thống tưới phun nhà kính, hệ thống ánh sáng và không khí cũng được Nam lắp đặt rất công phu, tự động. Đến thời điểm bị phát hiện, Nam đã thu hoạch được 1 lần. Tất cả quy trình từ chăm sóc, thu hoạch sản phẩm cần sa và đóng gói đều được Nam thực hiện tại nhà. Hồ sơ của Công an TP. Hải Phòng cho thấy đây không phải là lần đầu các vụ trồng trái phép cây cần sa được phát hiện. Điều đáng lo ngại là bọn tội phạm ngày càng “nâng cấp” các thủ đoạn để trồng cây cần sa số lượng lớn với tiêu chuẩn, công nghệ của nước ngoài. Cùng thời gian trên, Công an huyện An Dương, TP. Hải Phòng phát hiện Hoàng Văn Hồng (SN 1958, trú xã An Đồng, huyện An Dương) xây hẳn một căn phòng ngầm dưới đất và trang bị hệ thống chiếu sáng để trồng cần sa. Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Hồng, ngoài số lượng lớn cây, hạt giống cần sa, lực lượng công an còn phát hiện cả tài liệu hướng dẫn cách trồng loại cây chết người này. Cũng với hành vi trồng lén cây thuốc phiện trong nhà, ông Trần Đình Huyền (SN 1961) vừa bị Công an huyện Ninh Giang (Hải Dương) triệu tập vì đã trồng đến gần 100 cây thuốc phiện trong vườn. Tuy nhiên, ông Huyền vẫn không hề biết rằng hành vi của mình là vi phạm pháp luật mà thật thà giãi bày rằng nghĩ vợ bị ốm nên trồng cây thuốc ngâm rượu cho vợ uống để trị bệnh chứ không biết đó là cây thuốc phiện!?

Đối tượng Nam và vườn cây cần sa được trồng ở trong nhà.

Đối tượng Nam và vườn cây cần sa được trồng ở trong nhà.

Cần có chế tài mạnh

Việc người dân vẫn lén lút trồng cây thuốc phiện tại nhà dù đã có quy định cấm phải chăng chế tài xử lý vẫn “bí”? Thượng tá Nguyễn Mạnh Hưng - Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an TP. Hải Phòng cho biết, dù nhiều kẻ trồng cần sa trái phép đã bị bắt giữ nhưng không thể xử lý hình sự. Theo điều 192 Bộ luật Hình sự, để xử lý hình sự hành vi trồng cây cần sa, đối tượng phải được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống, khi bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì mới bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp phạm tội có tổ chức hoặc tái phạm thì bị phạt tù 3 - 7 năm. Ngoài ra, số cây cần sa thu hoạch phải trên 1kg mới bị xử lý hình sự về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Thượng tá Hưng cho biết, sở dĩ có điều luật này là do tính nhân văn của pháp luật vì trước đây, nhiều người dân tộc thiểu số ở vùng cao có tập quán trồng cây thuốc phiện. Gần 20 năm nay, Chính phủ đã triển khai chương trình thay thế cây thuốc phiện nhằm giúp đỡ đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, khi bọn tội phạm đã biết vận dụng kẽ hở của luật để lách thì quy định nêu trên trở nên bất cập. Theo luật sư Vũ Bá Vinh - Đoàn luật sư Hà Nội thì: Trường hợp người trồng cây có chứa chất ma túy đã được áp dụng đầy đủ cả 3 biện pháp: “Giáo dục nhiều lần”, “tạo điều kiện ổn định cuộc sống” và “đã bị xử phạt hành chính” nhưng không chịu phá bỏ mà bán lại cho người khác thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy theo quy định tại Điều 192 của BLHS. Người mua lại cây có chứa chất ma túy để tiếp tục chăm sóc thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm. Luật sư Vinh cũng chia sẻ quan điểm riêng: Để triệt phá tận gốc cây thuốc phiện, tránh tình trạng người dân vẫn lén lút tái trồng thì ngoài những biện pháp trên, các ban, ngành có liên quan cần tăng cường công tác giám sát cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những người dân trồng cây thuốc phiện. Việc làm này không thể định kỳ đi kiểm tra, xử phạt, triệt phá mà phải làm thường xuyên, liên tục. Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân cam kết không trồng cây thuốc phiện, các ngành chức năng cần vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, tăng thu nhập để thoát nghèo bền vững.           

Phi Hồng-Mạnh Dũng

 


Ý kiến của bạn