Herpes môi là bệnh do virus Herpes simplex (HSV) gây ra. Bệnh phát triển ở cả nam và nữ giới, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch bị suy yếu. Bệnh có khả năng lây truyền từ người này sang người khác. Bệnh có đường lây phức tạp nên rất khó kiểm soát tốc độ lây lan. Tỷ lệ bị Herpes môi ở nam và nữ giới là như nhau, phổ biến nhất là người đang có hoạt động tình dục không an toàn, đang trong độ tuổi sinh sản.
Trẻ em cũng có thể bị nổi Herpes môi và các cơ quan khác. Bệnh có thể tự biến mất mà không cần điều trị nhưng sẽ bị tái lại rất nhanh. Hiện nay, chưa có cách để loại bỏ triệt để virus HSV ra khỏi cơ thể. Chính vì thế, mục đích điều trị mụn rộp ở môi là phải quản lý bệnh và thực hiện tốt các giải pháp điều trị duy trì.
1. Triệu chứng bệnh herpes môi
Khi mắc bệnh herpes môi sẽ có biểu hiện mụn nước ở khu vực mép môi hoặc viền môi. Mụn rộp hầu như không ảnh hưởng đến khoang họng và cũng ít khi phát triển ở bên trong miệng gồm lưỡi và nướu.
Khi virus HSV xâm nhập vào môi sẽ ủ bệnh trong khoảng vài tuần, thời gian ủ bệnh dài hay ngắn sẽ tùy thuộc vào hệ miễn dịch của cơ thể. Trong thời gian ủ bệnh, bệnh nhân sẽ không nhận ra biểu hiện của bệnh herpes môi, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể lây lan trong thời kỳ ủ bệnh.
Bệnh khởi phát với các đặc điểm ban đầu là một vài nốt mụn nước nhỏ mọc ở môi và không gây đau đớn, không gây ngứa ngáy khó chịu.
Sau một vài ngày, mụn nước sẽ mọc nhiều hơn và tập trung thành mảng phồng rộp da lớn. Mụn bị vỡ khiến cho dịch tiết bị tràn ra các khu vực da khác và làm lây lan mụn nước. Sau một thời gian, tổn thương da sẽ khô lại và đóng vảy, kết thúc một đợt phát triển của herpes môi…
Biểu hiện herpes môi thường diễn biến khá nhanh. Bệnh có thể khỏi sau khoảng 7 ngày được điều trị tích cực tại nhà. Tuy nhiên, virus HSV vẫn tồn tại trong cơ thể và chờ đợi thời cơ để tái hoạt.
2. Bệnh herpes môi có tự khỏi không và làm gì để tránh tái phát?
Vậy câu hỏi đặt ra bệnh herpes môi có tự khỏi không và khi nào cần điều trị? Thông thường khi mắc bệnh herpes môi sau khoảng 7-10 ngày sẽ không còn biểu hiện mà không cần điều trị. Nhưng điều này không có nghĩa là bệnh đã được chữa khỏi. Trên thực tế thì HSV virus vẫn đang tồn tại trong cơ thể và chờ thời gian tái hoạt.
Nếu hệ miễn dịch bị suy yếu thì biểu hiện của bệnh herpes môi sẽ nhanh chóng xuất hiện trở lại. Mỗi đợt tái phát thường sẽ trầm trọng hơn và khó kiểm soát hơn. Bệnh nhân có thể sẽ gặp tình trạng đau rát làm suy giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng đến ăn uống, giao tiếp.
Chính vì thế, khi có triệu chứng bệnh herpes môi cần đi khám để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và được điều trị phù hợp.
Để điều trị dấu hiệu herpes môi thông thường các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng virus. Giải pháp điều trị tại chỗ này thường rất đơn giản và có thể được thực hiện tại nhà. Với người có bệnh lý kèm theo hoặc có thai, cho con bú sẽ được bác sĩ chỉ định phù hợp. Người bệnh không được tự ý lạm dụng thuốc và tự ý điều trị theo mách bảo.
Sau khi các biểu hiện herpes môi đã hoàn toàn biến mất, người bệnh cần chú ý thực hiện tốt các giải pháp nhằm ngăn khả năng tái phát bao gồm: Không để môi tiếp xúc với ánh nắng quá lâu và cần phải giữ ẩm cho môi; Không sử dụng bia rượu, tránh tác động của khói thuốc lá; Giữ sạch môi và không sử dụng chung dụng cụ vệ sinh răng miệng; Điều trị tốt các vấn đề về răng lợi, tình trạng nhiệt miệng đang gặp phải.
Bên cạnh đó cần bổ sung dinh dưỡng một cách hợp lý để nâng cao sức đề kháng và hệ miễn dịch. Tuyệt đối không sờ môi, không làm vỡ mụn nước và không gãi để tránh tổn thương lan rộng. Thăm khám sức khỏe định kỳ từ 3-6 tháng/ lần để có thể sớm phát hiện ra các biểu hiện của bệnh herpes môi và kiểm soát nguyên nhân herpes môi…
Mời độc giả xem thêm video:
Chế độ dinh dưỡng lý tưởng cho những ngày Tết Nguyên đán Quý Mão 2023