Hà Nội

Bệnh hen và những điều cần biết

15-01-2011 08:22 | Y học 360
google news

Hen là một bệnh lý mạn tính trên đường thở, gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh và là gánh nặng về y tế, xã hội. Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, hen sẽ được kiểm soát và người bệnh sẽ trở lại cuốc sống, sinh hoạt như bình thường.

Theo báo cáo của Tổ chức phòng chống hen toàn cầu (GINA), trên thế giới hiện có hơn 300 triệu người mắc căn bệnh nguy hiểm này. Hen là một bệnh lý mạn tính trên đường thở, gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh và là gánh nặng về y tế, xã hội. Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, hen sẽ được kiểm soát và người bệnh sẽ trở lại cuốc sống, sinh hoạt như bình thường.

Hen là gì?

Hen là một bệnh mạn tính của đường dẫn khí ở phổi với 2 cơ chế chính:

- Co thắt đường dẫn khí: các cơ quanh đường dẫn khí co thắt gọi là “co thắt phế quản” gây cản trở không khí hít vào cũng như thở ra tại phổi, gây cơn khó thở.

- Viêm đường dẫn khí: tình trạng viêm có thể không do vi khuẩn, làm hẹp đường dẫn khí lại và tiết dịch nhầy gây ho, khò khè, ngộp thở, hoặc khó thở.

Hen thường có các biểu hiện như khó thở, ho, khò khè và nặng ngực ở nhiều mức độ khác nhau, xảy ra trong một số năm nhưng cũng có thể suốt cả cuộc đời. Bởi vậy, nếu người bệnh được chăm sóc tốt, bệnh hen sẽ được kiểm soát và người bệnh có thể sinh hoạt bình thường, ngược lại nếu chăm sóc không tốt, bệnh sẽ tái phát, từ hạn chế hô hấp đến tàn phế thể chất gây giảm những hoạt động sống, thậm chí bị tử vong.

Có thể kiểm soát hen triệt để

Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có khoảng 5% dân số (2004), tương đương với hơn 4 triệu người bị bệnh hen và con số này đang ngày một gia tăng. Mặc dù là bệnh nguy hiểm và không thể chữa khỏi dứt điểm nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh hen triệt để nếu kiên trì tuân thủ theo phác đồ điều trị.

Khi chưa có những hiểu biết đầy đủ về bệnh hen, nhiều người bệnh thường mắc phải sai lầm, làm cho bệnh thêm trầm trọng và khó khăn cho việc điều trị. Những sai lầm thường hay gặp là bệnh nhân chỉ dùng thuốc cắt cơn khi có triệu chứng mà không điều trị phòng ngừa cơn. Vì vậy có thể xảy ra những cơn hen kịch phát gây nguy hiểm đến tính mạng. Việc lạm dụng thuốc cắt cơn còn dẫn đến hiện tượng nhờn thuốc, càng về sau càng phải tăng liều, khi cơn hen cấp xảy ra ngày càng nặng hơn. Còn với những bệnh nhân mặc dù có điều trị dự phòng nhưng không đều đặn, khi thấy bệnh ổn định thường hay ngưng dùng thuốc vì chủ quan hoặc lo ngại tác dụng phụ do dùng thuốc kéo dài, tốn kém... điều này càng làm cho bệnh trở nên khó điều trị hơn khi tái phát. Các thuốc dạng uống chứa corticoid có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ như phù, thay đổi nội tiết, loãng xương, tăng huyết áp, loét dạ dày…

Hiện nay, mục tiêu điều trị hen mà GINA (Tổ chức phòng chống hen toàn cầu) đề ra là giúp người bệnh có những kiến thức đầy đủ về bệnh hen, biết theo dõi và xử lý những diễn biến của bệnh, nhất là khi nào cần phải nhập viện cấp cứu. Giúp người bệnh trở thành bác sĩ của chính mình. Điều trị dự phòng là yếu tố quan trọng nhất, corticoid dạng khí dung dùng dưới hình thức xịt vào họng là biện pháp rất hiệu quả. Nếu trong vòng 2 năm được áp dụng tốt theo phác đồ điều trị, các bệnh nhân hen sẽ không còn phải chịu đựng những tác hại do bệnh gây ra. Đây là bệnh tồn tại suốt đời, vì vậy việc tuân thủ quy trình điều trị sẽ mang lại cho người bệnh sức khoẻ ổn định, có thể làm việc và học tập như bình thường.

Những đối tượng có nguy cơ bị hen

Hiện nay chưa có nghiên cứu chắc chắn để khẳng định chính xác cơ địa ai có thể bị hen và ai không bị. Tuy nhiên, hen hay gặp ở một số đối tượng có yếu tố nguy cơ cao hơn như:

Hen có tính di truyền: nhiều nghiên cứu đã cho thấy nếu cả hai bố mẹ bị hen thì khả năng bị hen ở con là 50%, nếu một trong hai bố mẹ bị hen thì xác suất bị hen ở con là 30%. Hen cũng hay gặp ở trẻ nhỏ mà người ta gọi là hen sữa.

Những người dễ có khả năng mắc hen như có cơ địa dị ứng: viêm mũi dị ứng, chàm, hay phát ban dị ứng hoặc người mẫn cảm với sự thay đổi của thời tiết, dị ứng với các yếu tố dị nguyên như thuốc lá, khí than, bếp ga, lông súc vật, nấm mốc, bụi, hóa chất...

Chẩn đoán bệnh hen

Để chắc chắn bệnh nhân có bị hen hay không? Bệnh ở giai đoạn nào? bác sĩ dựa trên 2 yếu tố chính là triệu chứng và đo chức năng hô hấp. Bệnh nhân hen thường có các triệu chứng sau: khò khè tái đi tái lại (đặc biệt ở trẻ em), ho thường hay bị về đêm,  cảm giác tức ngực và khó thở. 

Các triệu chứng này thường xuất hiện khi có các yếu tố dị ứng hoặc thay đổi thời tiết kể trên. Về xét nghiệm, bệnh nhân được đo chức năng hô hấp (còn gọi là hô hấp kí). Đây là xét nghiệm đơn giản, không đau và có kết quả ngay trong vòng 30 phút. Bệnh nhân hít thở theo hướng dẫn của thầy thuốc qua ống đo. Kết quả cho biết mức độ tắc nghẽn của đường thở và cho biết tình trạng phổi của bệnh nhân có đáp ứng với thuốc chữa hen hay không.

Tại một cuộc hội thảo tư vấn về bệnh hen.

Chẩn đoán phân biệt bệnh hen

Bên cạnh dạng hen điển hình có đủ các triệu chứng: ho, khò khè, khó thở và nặng ngực còn có những dạng hen khó chẩn đoán: hen dạng ho hoặc khó thở đơn thuần, hen ở trẻ em và người già. Bệnh hen đặc biệt là các dạng khó chẩn đoán dễ bị nhầm với các bệnh cảnh khác cần được loại trừ:      

- Lao tiến triển.

- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

- Ho do dùng các loại thuốc ức chế men chuyển trong tăng huyết áp.

- Trào ngược dạ dày thực quản.

- Viêm mũi xoang, họng kéo dài.

- Suy tim.

- Các bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em.

Điều trị và dự phòng

Điều trị cắt cơn: dùng thuốc cắt cơn giúp bệnh nhân mau chóng thoát khỏi cơn khò khè, khó thở. Thuốc dùng cắt cơn thường ở dạng xịt hoặc phun khí dung vì có tác dụng giãn phế quản nhanh chóng hơn dạng uống. Các thuốc dạng xịt như: salbutamol, terbutaline... Bệnh nhân hen nên đem theo thuốc cắt cơn dạng xịt để dùng ngay khi có cơn khó thở.

Điều trị dự phòng và kiểm soát bệnh: dùng thuốc chống viêm, hoặc dạng phối hợp thuốc chống viêm và thuốc chống co thắt phế quản loại có tác dụng kéo dài. Thuốc chống viêm dạng corticoid như budesonide, fluticasone... hoặc kháng leucotriene như montelucast, zafirlucast...

Dạng thuốc phối hợp giữa kháng viêm và giãn phế quản rất hiệu quả trong điều trị các thể hen nặng, giúp kiểm soát bệnh hen tốt. Các thuốc hen dạng xịt hiện đang có tại Việt Nam như: formoterol/ budesonide hoặc salmeterol/ fluticasone.

Tránh tiếp xúc với các yếu tố khởi phát cơn hen: phế quản có thể làm khởi phát cơn hen như: bụi, khói, thuốc lá, khói nhang, nấm mốc, hóa chất, lông gia súc, phấn hoa, không khí lạnh, các thuốc như Aspirin, một số thuốc điều trị tăng huyết áp dạng ức chế men chuyển. Bệnh nhân cần tránh các nguy cơ tiếp xúc có thể bị cảm cúm và nên tiêm phòng cúm mỗi năm một lần.

Ngày thế giới phòng chống hen

Trước thực trạng bệnh hen đang ngày càng gia tăng và để lại những hậu quả nghiêm trọng, Tổ chức phòng chống hen toàn cầu đã lấy ngày Thứ Ba đầu tiên của tháng 5 hàng năm làm Ngày Thế giới Phòng chống bệnh hen. Nhân dịp này, các hoạt động nhằm gia tăng nhận thức của bệnh nhân và gia đình, sự quan tâm của xã hội đã được tổ chức ở nhiều nước trên thế giới. Tại nước ta các hoạt động truyền thông, khám tư vấn hen miễn phí ở nhiều nơi đã giúp ích nhiều cho bệnh nhân hen phát hiện và kiểm soát tốt căn bệnh này.

ThS. Phạm  Văn Tiến


Ý kiến của bạn