Hà Nội

Bệnh hen suyễn ở trẻ em cần điều trị đúng để tránh biến chứng

12-07-2022 06:36 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Hen phế quản (hen suyễn) rất thường gặp ở trẻ em. Bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị đúng để tránh những biến chứng nguy hiểm.

1.Hen suyễn không điều trị kịp thời sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm

Hen suyễn là một bệnh viêm mãn tính của đường thở. Trẻ em có tỉ lệ mắc bệnh hen cao gấp đôi so với người lớn (tỉ lệ mắc bệnh hen ở trẻ em là 10% so với người lớn là 5%). Đây là bệnh có tính chất gia đình và không phải là bệnh truyền nhiễm.

Tình trạng viêm làm cho đường thở trở nên rất nhạy cảm với các chất kích thích khác nhau: Lông động vật nuôi (chó, mèo), gián, khói thuốc lá, hóa chất nặng mùi (xà phòng, chất tẩy rửa, thuốc diệt côn trùng…), phấn hoa, nước hoa, nước xịt phòng, nhang khói…

Khi tiếp xúc với chất kích thích, phế quản sẽ phù nề, co thắt, chứa đầy chất nhầy nên bị tắc nghẽn khiến cho bệnh nhân có cơn ho, khò khè, khó thở.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, hen suyễn ở trẻ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: Xẹp phổi, giãn phế nang đa tiểu thùy, tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất, tổn thương não, suy hô hấp...

Bệnh hen suyễn ở trẻ em có nguy hiểm không, cách nào chữa khỏi? - Ảnh 1.

Hen suyễn có yếu tố gia đình và thường gặp ở trẻ nhiều hơn người lớn.

Khi trong gia đình có tiền sử người mắc bệnh hen, tỉ lệ trẻ mắc bệnh này khá cao. Do vậy cần nhận biết dấu hiệu hen suyễn của trẻ để được khám và điều trị sớm. Người chăm sóc trẻ cần nhận biết sớm các dấu hiệu của cơn hen đang đến: Ho, khò khè, nặng ngực, khó thở, thức giấc về đêm. Lúc này, cần cho trẻ dùng thuốc cắt cơn tác dụng nhanh (dưới dạng hít hay xông) theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau đó cho trẻ nghỉ ngơi hoàn toàn, tránh các hoạt động trong 1 giờ.

2. Hen suyễn có chữa được không?

Tỷ lệ trẻ em mắc bệnh hen khá cao, nhưng trên thực tế lâm sàng, việc chẩn đoán hen ở trẻ em nhiều khi bị chậm trễ, nhất là ở trẻ dưới 2 tuổi. Điều này đã hạn chế hiệu quả điều trị: Trẻ thường xuyên bị lên cơn, phải nhập viện, thậm chí có thể tử vong.

Do vậy, ngoài yếu tố tiền sử gia đình, nếu trẻ bị ho tái đi tái lại nhiều lần (đặc biệt là ho về đêm), khò khè, khó thở xuất hiện hay nặng hơn khi trẻ tiếp xúc với các yếu tố khởi phát (khi thay đổi thời tiết, khi trẻ gắng sức, hay khi ăn "trúng" một thức ăn nào đó…) thì cần nghi ngờ đến hen suyễn và đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc hô hấp để được điều trị sớm.

Tuy hen suyễn ở trẻ khó có thể điều trị khỏi hoàn toàn, nhưng nếu bệnh được phát hiện sớm và tuân thủ theo điều trị của bác sĩ thì có thể kiểm soát được bệnh.

Mục tiêu điều trị là kiểm soát các triệu chứng. Qua khám bệnh, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng, tuổi, tác nhân gây hen suyễn để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng cá nhân.

Điều trị hen suyễn bao gồm dùng thuốc điều trị cơn hen suyễn đang diễn ra và thuốc phòng ngừa lên cơn cấp.

Trẻ dưới 3 tuổi có triệu chứng hen suyễn nhẹ, bác sĩ có thể tiếp tục theo dõi, chưa sử dụng thuốc ngay. Điều này là do tác dụng lâu dài của thuốc hen suyễn ảnh hưởng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn chưa được chứng minh. Dù vậy, trường hợp trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi có những cơn khò khè thường xuyên hoặc nghiêm trọng, nguy hiểm, bác sĩ vẫn phải kê thuốc điều trị thử và đánh giá đáp ứng thuốc của trẻ.

Điều trị hen suyễn ở trẻ em cần tuân thủ chặt chẽ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Bệnh hen suyễn ở trẻ em có nguy hiểm không, cách nào chữa khỏi? - Ảnh 2.

Dù hen suyễn không chữa khỏi hoàn toàn nhưng trẻ có thể sinh hoạt bình thường nếu sử dụng thuốc kiểm soát cơn hen tốt.


Các thuốc phòng ngừa hen hiện nay thường là thuốc kháng viêm dạng hít, cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, thời gian dùng thuốc đủ dài để cải thiện tình trạng hen.

3. Các thuốc dự phòng cơn hen suyễn

Trong điều trị hen suyễn, dùng thuốc phòng ngừa, kiểm soát lâu dài làm giảm triệu chứng viêm trong đường thở của trẻ là rất quan trọng. Hầu hết các trường hợp hen suyễn, cần được dùng hàng ngày các thuốc:

- Corticosteroid dạng hít: Bao gồm các thuốc fluticasone, budesonide, mometasone, ciclesonide, beclomethasone. Bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ sử dụng thuốc này từ vài ngày đến vài tuần trước khi có dấu hiệu chuyển bệnh.

Mặc dù corticoid khi sử dụng lâu dài có tác dụng phụ làm giảm sự tăng trưởng của trẻ, nhưng thuốc dạng hít có ảnh hưởng không đáng kể đến tình trạng này. Hơn nữa, lợi ích của việc kiểm soát hen tốt hơn nguy cơ tác dụng phụ có thể xảy ra, do đó phụ huynh không vì thấy tác dụng phụ mà tự ý ngừng thuốc khi thấy trẻ có dấu hiệu đỡ bệnh.

- Thuốc ngừa triệu chứng hen suyễn: Bao gồm montelukast, zafirlukast và zileuton là những thuốc giúp ngăn ngừa các triệu chứng hen suyễn đến 24 giờ.

- Theophylin: Là loại thuốc giúp cho đường thở thông thoáng. Theophylline giúp các cơ xung quanh đường thở thư giãn và giúp thở dễ dàng hơn.

Thuốc có thể gây một số tác dung phụ: Nhịp tim nhanh, kích động bồn chồn, buồn nôn, mất ngủ, run, dị ứng… Nếu gặp phản ứng nghiêm trọng cần ngừng thuốc và thông báo với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế ngay. Ngoài ra, dù không thấy tác dụng phụ nghiêm trọng, trẻ vẫn cần phải xét nghiệm máu thường xuyên nếu được chỉ định dùng thuốc này.

- Thuốc điều hòa miễn dịch: Các thuốc mepolizumab, dupilumab và benralizumab có thể sử dụng cho trẻ em trên 12 tuổi bị hen suyễn có tăng bạch cầu eosin nặng. Omalizumab thể được cân nhắc cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên bị hen suyễn dị ứng từ trung bình đến nặng.

- Thuốc dạng hít kết hợp: Là những thuốc dạng hít có chứa corticosteroid và chất chủ vận beta tác dụng dài (LABA). Bao gồm các thuốc fluticasone + salmeterol, budesonide + formoterol, fluticasone + vilanterol, mometasone + formoterol…

Do thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài có liên quan đến các cơn hen nặng trong một số tình huống, do đó thuốc LABA phải luôn luôn được dùng kết hợp với corticosteroid. Những loại thuốc hít kết hợp này chỉ được sử dụng sau khi sử dụng các thuốc khác nhưng bệnh hen suyễn không được kiểm soát tốt.

Trẻ sẽ phải sử dụng thuốc phòng ngừa hen lâu dài khi: Bệnh hen không được kiểm soát tốt; thường xuyên lên cơn hen trên một lần trong tuần; bị thức giấc vì cơn hen hơn 2 lần trong tháng; phải dùng thuốc cắt cơn hen mỗi ngày; từng nhập viện vì cơn hen nặng...

4. Các thuốc cắt cơn hen suyễn

Khi lên cơn hen suyễn, cần phải dùng thuốc cấp cứu, trong đó thuốc cắt cơn là rất quan trọng. Thuốc có tác dụng làm giãn đường thở bị phù nề, giúp giảm triệu chứng nhanh chóng, ngắn hạn trong cơn hen suyễn cấp.

Các thuốc cắt cơn bao gồm:

- Thuốc chủ vận beta tác dụng nhanh: Bao gồm salbutamol, levalbuterol dạng hít giúp giãn phế quản có thể nhanh chóng làm giảm các triệu chứng trong cơn hen trong vòng vài phút và tác dụng kéo dài vài giờ.

- Corticosteroid đường uống và tiêm tĩnh mạch: Bao gồm prednisone, methylprednisolone giúp giảm viêm đường thở do cơn hen suyễn nặng. Thuốc có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng lâu dài, vì vậy chỉ được sử dụng để điều trị các triệu chứng hen suyễn nặng trong thời gian ngắn.

Trường hợp thuốc cắt cơn không có tác dụng, trẻ vẫn khó thở, nói năng khó nhọc, phải ngồi để thở, rút lõm vùng xung quanh xương sườn và cổ khi thở, môi và đầu ngón tay bị tím tái… Đây là tình trạng nguy kịch, phải nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Hen là một bệnh không thể trị dứt được nhưng có thể kiểm soát tốt bằng việc tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Phòng ngừa hen sẽ giúp cho trẻ giảm hoặc không còn lên cơn hen, trẻ có thể sinh hoạt - học tập - vui chơi bình thường.

Thuốc phòng ngừa hiệu quả nhất hiện nay là những thuốc kháng viêm dùng dưới dạng hít, cũng rất an toàn và không gây nghiện. Thời gian dùng thuốc phải đủ dài (thường nhiều tháng) để có đủ khả năng cải thiện được tình trạng viêm đường thở.

Cần phải tuân thủ đúng hướng dẫn của thầy thuốc, tái khám đúng hẹn và không bao giờ được tự ý ngưng thuốc ngay cả khi trẻ có vẻ đã tốt hơn.

Ngoài ra, cần hạn chế các yếu tố kích thích có thể làm khởi phát cơn hen như: Không để vật nuôi trong nhà, tránh dùng các loại thuốc xịt như xịt muỗi, nước hoa, xịt phòng, không hút thuốc lá nơi gần trẻ. Nơi ngủ của trẻ cần được dọn dẹp ngăn nắp, sạch sẽ, thoáng mát, không trải thảm. Thường xuyên giặt khăn trải giường và chăn mền bằng nước nóng, phơi khô ngoài nắng.

Không nên cho trẻ chơi thú nhồi bông cũng như không cho trẻ lại gần vật nuôi.

Không cho trẻ ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, đậu phộng, đồ chiên nướng,...

Mời độc giả xem thêm video:

Hè nóng bức -Uống gì vừa thanh nhiệt vừa giảm cân

DS.Nguyễn Minh Thành
Ý kiến của bạn