Hen nghề nghiệp là gì?
Hen nghề nghiệp có nguyên nhân và tình trạng hen do môi trường nghề nghiệp riêng biệt gây ra và ít gặp ngoài nơi làm việc.
Hen nghề nghiệp xảy ra khi tiếp xúc với dị nguyên tại nơi làm việc trong thời gian ít nhất 2 năm, các tác nhân gây bệnh sẽ gây ra những đợt bùng phát của hen.
Những người có cơ địa dị ứng dễ tiến triển thành hen nghề nghiệp hơn. Nếu chẩn đoán muộn hoặc để bệnh đã nặng thì những triệu chứng hen vẫn dai dẳng ngay cả khi đã loại bỏ tác nhân môi trường.
Công nhân ngành nhựa có thể mắc bệnh hen nghề nghiệp. Ảnh minh họa.
Bệnh hen nghề nghiệp có hay gặp không?
Hen nghề nghiệp khá thường gặp, khoảng 2%-6% công nhân có thể bị hen, nhất là trong các bệnh nghề nghiệp có liên quan đến bụi đường hô hấp (25%).
Hen nghề nghiệp có 2 loại chính:
- Loại 1 là hen xảy ra sau một thời gian dài âm ỉ tiếp xúc tác nhân gây hen.
- Loại 2 là phản ứng nhanh với độ đậm cao các tác nhân gây hen trong môi trường làm việc.
Những nghề có thể gây ra bệnh hen nghề nghiệp
Những người làm trong các nghề sau có thể mắc bệnh hen nghề nghiệp:
- Công nghiệp nhựa, sơn, đánh vani, keo dính hoặc nghề in
- Làm bánh, nông dân, nghề xay xát
- Làm xét nghiệm, diệt sâu
- Điêu khắc, công nghiệp gỗ
- Nhà máy điện, đặc biệt ở những nơi rosin được sử dụng để hàn
- Y tá, kỹ thuật viên xét nghiệm, X-quang
- Nhà máy giặt, thuộc da
- Sản xuất thuốc chữa bệnh
- Nhà máy nhuộm, chế biến thực phẩm, hóa chất
Cách chẩn đoán hen nghề nghiệp
- Khai thác tiền sử dị ứng gia đình và bản thân
- Triệu chứng đầu tiên là ho vào cuối buổi làm việc, tình trạng ho được cải thiện vào cuối tuần và những ngày nghỉ. Bệnh nhân thường nhận thấy triệu chứng hen rõ nhất vào thứ hai và thường dễ chịu hơn vào cuối tuần do có sự thích nghi.
- Khám lâm sàng, đo PEF hàng ngày (giảm PEF hoặc dao động hàng ngày đáng kể trong những ngày đi làm).
- Test da với dị nguyên
- Test kích thích phế quản
Công nhân sản xuất thuốc chữa bệnh có thể mắc bệnh hen nghề nghiệp. Ảnh minh họa.
Người mắc hen nghề nghiệp cần phải làm gì?
- Người bị hen nghề nghiệp nên sử dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân để chủ động tránh tiếp xúc với tác nhân gây bệnh.
- Cần loại bỏ những tác nhân gây bệnh hen trong môi trường làm việc.
- Khi xác định căn nguyên gây bệnh hen, tốt nhất người bệnh nên chuyển sang nơi công tác khác để tránh bị khởi phát các cơn hen.