Theo PGS.TS.BSCKII Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng Miễn dịch Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, những bệnh lý dưới đây liên quan khá mật thiết đến bệnh hen và sẽ khiến tình trạng của bệnh nhân hen nặng lên, gồm:
1. Các bệnh Tai – Mũi - Họng
- Viêm mũi dị ứng: Khoảng 30% bệnh nhân viêm mũi dị ứng sẽ phát triển thành bệnh hen và khoảng 70-80% bệnh nhân hen có những triệu chứng viêm mũi dị ứng. Nguyên nhân thường gặp nhất ảnh hưởng tới kiểm soát hen ở bệnh nhân hen nặng là viêm mũi dị ứng, do viêm mũi kích thích đường hô hấp trên, tăng tiết đờm làm tăng kích thích đường hô hấp dưới và do vậy làm tăng nhạy cảm phế quản, làm nặng thêm tình trạng hen. Ngược lại, kiểm soát viêm mũi dị ứng tốt giúp điều trị hen hiệu quả hơn.
- Viêm xoang, polyp mũi cũng thường được tìm thấy ở những bệnh nhân dị ứng theo mùa, hen. Điều trị tốt viêm xoang, polyp mũi sẽ giúp kiểm soát hen tốt và hiệu quả hơn.
Cần lưu ý đến hội chứng Hen – Viêm mũi dị ứng – Polyp mũi do aspirin.
- Viêm tai: Viêm tai cũng liên quan tới hen. Kiểm soát tốt viêm tai sẽ cũng sẽ cải thiện tốt triệu chứng hen.
2. Trào ngược dạ dày – thực quản
Dịch dạ dày chứa men tiêu hóa và acid làm nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn nhưng do viêm, loét và một số bất thường khác tại dạ dày hay các yếu tố liên quan làm dịch dạ dày không ở tại dạ dày như bình thường mà trào ngược lên thực quản gây viêm thực quản, họng, phế quản…
Bệnh hen và bệnh trào ngược dạ dày – thực quản thường xuất hiện cùng nhau và làm cho hai bệnh cùng nặng thêm.
Kiểm soát tốt được bệnh này sẽ giúp cho việc kiểm soát bệnh kia. Chữa khỏi bệnh trào ngược dạ dày – thực quản sẽ làm cho việc điều trị hen dễ hơn, hiệu quả hơn.
3. Các bệnh tâm lý hoặc tâm thần
Bệnh hen khi có thêm các bệnh tâm lý hoặc tâm thần thường không tuân thủ điều trị, hoặc khi sử dụng thuốc an thần nặng sẽ làm cho bệnh hen nặng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn. Tỷ lệ chết của bệnh nhân hen tăng lên khi bị buồn chán kéo dài, mất người thân, đổ vỡ gia đình, thất nghiệp, nghiện rượu, tâm thần phân liệt…
Chính bệnh hen cũng góp phần làm cho bệnh nhân buồn chán, bi quan, trầm cảm. Vì vậy, giáo dục bệnh hen đầy đủ, tâm lý liệu pháp chu đáo, điều trị rối loạn tâm thần thực thể tốt sẽ làm cho kiểm soát hen hiệu quả hơn.
Tóm lại: Để tránh tình trạng bệnh hen nặng hơn khi mắc thêm các bệnh lý về đường hô hấp, trào ngược dạ dày – thực quản, các bệnh về tâm lý - tâm thần, PGS.TS.BSCKII Nguyễn Văn Đoàn khuyến cáo người bệnh hen cần điều trị triệt để và kiểm soát tốt các bệnh lý về tai mũi họng, điều trị rối loạn tâm thần thực thể và chữa khỏi bệnh trào ngược dạ đày - thực quản mới giúp cho việc điều trị hen dễ hơn và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, các loại vaccine cúm, vaccine phế cầu cũng được khuyến cáo tiêm hàng năm vào mùa thu cho tất cả các bệnh nhân hen nặng, hen mắc kèm theo các bệnh lý mạn tính khác. Hai loại vaccine này nên được tiêm đồng thời.
Mời xem thêm video:
Những bệnh lý về đường tiêu hóa thường gặp trong dịp Tết