Người bị bệnh hen nên tiêm vaccine gì?

30-08-2023 14:42 | Phòng mạch online

SKĐS - Tôi năm nay 40 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh hen và đang phải sử dụng thuốc dự phòng hen. Mong bác sĩ cho biết tôi có cần tiêm vaccine phòng cúm, vaccine phòng phế cầu hàng năm không? Tôi nên tiêm vào thời điểm nào?

Lê Thanh Vân (Hải Phòng)

Bệnh hen (còn gọi là bệnh suyễn hay hen suyễn) là bệnh xảy ra ở các phế quản (đường dẫn khí) trong hai lá phổi của người bệnh. Bệnh hen là bệnh mạn tính đường thở do viêm co thắt và tăng tính phản ứng đường thở, gây ra các triệu chứng: ho, khò khè, tức ngực, khó thở tái phát.

Bệnh hen có 2 loại là hen dị ứng và hen không dị ứng. Hen dị ứng (hen ngoại sinh) thường khởi phát sớm. Khi tiếp xúc với các dị nguyên như phấn hoa, lông súc vật, bọ nhà sẽ làm khởi phát bệnh hen. Bệnh xuất hiện ở người có cơ địa dị ứng, thường gặp ở trẻ em.

Hen không dị ứng (hen nội sinh) thường khởi phát muộn, không có cơ địa dị ứng, thường gặp ở người lớn. Tác nhân gây khởi phát cơn hen thường không đặc hiệu như nhiễm khuẩn, nhiễm virus, sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm, khói thuốc...

Người có cơ địa dị ứng dễ mắc hen. Cơ địa dị ứng là những người dễ mắc các bệnh dị ứng khác mà trước đó họ đã mắc một hay nhiều bệnh dị ứng như: viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, viêm da dị ứng, chàm, hen, dị ứng thời tiết, mày đay...

Các yếu tố làm khởi phát cơn hen gồm:

  • Nhiễm trùng: vi khuẩn, virus (nhiễm virus đường hô hấp là yếu tố khởi phát hay gặp nhất đối với bệnh hen).
  • Bụi nhà, bọ nhà, lông súc vật, nấm, phấn hoa
  • Ô nhiễm môi trường
  • Gắng sức
  • Không khí lạnh, thay đổi thời tiết
  • Bụi nghề nghiệp

Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh hen và đang dùng thuốc dự phòng hen thì nên tiêm phòng vaccine cúm hàng năm vào mùa thu. Trong trường hợp bạn có kèm các bệnh mạn tính khác như: COPD, đái tháo đường, bệnh tim, bệnh thận thì lại càng nên tiêm vaccine phòng cúm. Lý do vì bệnh cúm có thể gây tăng triệu chứng hô hấp và tăng tỷ lệ tử vong.

Vaccine cúm nên được tiêm mỗi năm dựa theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về chủng cúm gây bệnh. Chống chỉ định là những trường hợp có tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vaccine.

Bị hen nên tiêm vaccine gì?  - Ảnh 1.

Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh hen và đang dùng thuốc dự phòng hen thì nên tiêm phòng vaccine cúm hàng năm vào mùa thu. Ảnh minh họa

Với vaccine phế cầu cũng được khuyến cáo tiêm cho bệnh nhân hen tương tự như vaccine phòng cúm. Những bệnh nhân hen nặng hoặc COPD là những đối tượng có nguy cơ cao với viêm phổi do phế cầu. Viêm phổi do phế cầu chiếm tỷ lệ 1/1.000 ở người lớn, tỷ lệ tử vong từ 10-20%.

Vaccine phế cầu hầu như không có tác dụng phụ. Chống chỉ định duy nhất là phụ nữ có thai. Liều đơn vaccine có khả năng tạo miễn dịch kéo dài. Vaccine phòng cúm và vaccine phòng phế cầu nên tiêm đồng thời.

Để kiểm soát bệnh hen có hiệu quả, bạn cần tránh các yêu tố gây khởi phát cơn hen; tự biết theo dõi mức độ nặng bệnh hen của mình qua thay đổi triệu chứng hen bằng cảm nhận hoặc bằng đo kiểm tra lưu lượng đỉnh PEF; cần biết khi nào tăng bước điều trị, khi nào đi cấp cứu; thực hiện đúng y lệnh, chế độ ăn và kỹ thuật hít, xịt thuốc.

Tiêm phòng cúm giúp giảm biến cố tim mạch ở bệnh nhân suy timTiêm phòng cúm giúp giảm biến cố tim mạch ở bệnh nhân suy tim

SKĐS - Người bệnh suy tim nên tiêm phòng cúm để giảm nguy cơ biến cố tim mạch, các nhà khoa học khuyến cáo.


Đặt câu hỏi

Loading...

Xem tiếp
PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn
Nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai
Ý kiến của bạn