Dưới đây là một số bệnh trẻ dễ mắc vào mùa lạnh
- Viêm đường hô hấp trên
Viêm đường hô hấp trên là một bệnh thường gặp và hay tái phát. Bệnh thường xuất hiện theo mùa, nhất là mùa đông, mùa hanh khô, trùng với mùa của bệnh hen, viêm phế quản mạn, viêm phổi. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 10 triệu ca tử vong bởi căn bệnh này. Nguyên nhân gây bệnh do virus như cúm, virus hợp bào hô hấp... hoặc vi khuẩn như Hib, phế cầu... và một số yếu tố nguy cơ dễ gây bệnh như trẻ còn nhỏ, sức đề kháng kém, môi trường sống ẩm thấp...
Biểu hiện ban đầu của trẻ là sốt dưới 38,5 độ, viêm thanh quản, viêm xoang, viêm amidan, viêm tai giữa.
Đối với bệnh viêm đường hô hấp trên vào mùa lạnh, cha mẹ phòng tránh cho trẻ bằng cách: Không tiếp xúc với người bệnh; Giữ ấm khi đi đường và khi ngủ; Không để trẻ ở lâu ngoài trời lạnh; Giữ vệ sinh, bảo quản sữa mẹ không nhiễm khuẩn; Đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm dưỡng chất thiết yếu; Tránh yếu tố bụi, hơi nóng, môi trường ẩm thấp có hại cho đường hô hấp.
- Cảm cúm
Cảm cúm là bệnh về đường hô hấp mà trẻ nhỏ hay mắc phải, nhất là vào mùa đông, thời tiết lạnh giá. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), mỗi năm, hàng triệu trẻ em Mỹ bị cúm mùa, hàng nghìn trẻ nhập viện điều trị và con số tử vong liên tục có dấu hiệu tăng cao. Tỷ lệ trẻ em tử vong được đánh giá "cao vượt trội" so với tổng số người chết do cúm ở mọi đối tượng.
Trẻ bị cảm cúm thường có một số triệu chứng như mũi tắc nghẽn hoặc chảy nước mũi, chảy nước mũi có thể rõ ràng lúc đầu, nhưng sau đó thường trở nên đặc hơn và biến thành màu vàng hoặc màu xanh lá cây. Để phòng tránh cảm cúm hiệu quả, cần giữ ấm bàn chân, tay, ngực, cổ, đầu cho trẻ, uống nước ấm và không ăn đồ lạnh. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và môi trường xung quanh.
Cha mẹ đừng quên tiêm phòng cúm cho trẻ trên 6 tháng tuổi mỗi năm một lần. Hạn chế để trẻ tiếp xúc với nhiều người, nhất là với những ai có biểu hiện cảm cúm. Bổ sung cho trẻ thực phẩm giàu Protein, vitamin C từ rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước để nâng cao sức đề kháng.
- Viêm tiểu phế quản
Viêm tiểu phế quản là bệnh phổ biến ở trẻ em với phổi bị nhiễm khuẩn do virus. Virus là tác nhân chủ yếu gây viêm tiểu phế quản ở trẻ như: Virus hợp bào hô hấp (chiếm 30 - 50%), cúm, á cúm, Adenovirus và Rhinovirus.
Bệnh viêm tiểu phế quản làm cho trẻ thở khò khè, khó thở, ho và kèm theo rối loạn ăn uống. Triệu chứng thường gặp nhất là trẻ ho, chảy nước mũi trong, sốt cao.
Ho ngày càng nhiều, thở khó, thở rít. Trường hợp nặng thì tím tái, lồng ngực bị rút lõm, cơn thở bị co kéo khó khăn, thậm chí ngừng thở. Để phòng bệnh, cha mẹ cần chú ý vệ sinh khu vực tai, mũi, họng cho trẻ hằng ngày bằng nước muối sinh lý. Trẻ sơ sinh cho bú sữa đến 12 tháng tuổi, không để trẻ bị lạnh, vệ sinh môi trường sống, không cho trẻ tiếp xúc với các loại khói, mầm bệnh.
Khi trẻ có dấu hiệu khó thở, bú kém, tím tái hoặc có kèm theo các yếu tố như trẻ dưới 3 tháng tuổi, sinh non, có bệnh tim phổi bẩm sinh, trẻ suy giảm miễn dịch thì cần cho nhập viện ngay.
- Bệnh viêm mũi dị ứng
Viêm mũi là bệnh trẻ thường gặp vào mùa đông. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm tai, viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp. Viêm mũi dị ứng ở trẻ xảy ra khi lớp màng lót bên trong mũi (niêm mạc) bị viêm, do gặp phải các dị nguyên bên trong hoặc bên ngoài cơ thể. Cơ chế tác động là khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên, Histamin được giải phóng gây sưng, ngứa và giải phóng nhiều chất lỏng tích tụ trong mũi. Thời tiết lạnh, không khí ô nhiễm cùng sức đề kháng kém sẽ khiến trẻ dễ bị viêm mũi dị ứng hơn. Triệu chứng nhận biết là hắt hơi, ngứa mũi, sổ mũi, trẻ quấy khóc nhiều, đặc biệt vào ban đêm và có thể biến chứng thành viêm xoang, viêm họng... nếu không được điều trị đúng cách.
Để phòng tránh và điều trị cho trẻ, cha mẹ cần giữ ấm vùng mũi, cổ, đầu. Hạn chế để trẻ ngoáy mũi, xoa mũi khi lạnh. Cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, đậu, rau củ quả chín... sẽ giúp trẻ nhanh hồi phục. Nếu trẻ sốt cao trên 38 độ C, cần hạ sốt bằng phương pháp lau mát và dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ. Khi trẻ bị viêm mũi, hàng ngày mẹ dùng dung dịch nước muối 0,9%, nhỏ ngày 3 - 4 lần, cho đến khi trẻ hết chảy nước mũi.
Tóm lại: Vào mùa lạnh số bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý về đường hô hấp có xu hướng gia tăng. Vì vậy, để phòng chống các bệnh trong mùa lạnh, cha mẹ nên cho trẻ tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch. Cùng với đó phải giữ ấm cho trẻ, nhất là giữ ấm bàn tay, bàn chân, ngực, đầu, cổ của trẻ. Nên cho trẻ uống đủ nước và uống nước ấm hàng ngày, không cho trẻ ăn đồ lạnh; bổ sung vào thực đơn hàng ngày của trẻ những thực phẩm giàu Protein, vitamin C từ rau xanh và quả chín. Đặc biệt, khi trẻ có các dấu hiệu bệnh nặng như: Tím tái, bỏ bú, bú kém, không ăn uống được, ngủ li bì khó đánh thức, co giật, thở có tiếng rít… cần đưa ngay trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và xử lý kịp thời.
Mời độc giả xem thêm video:
Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-