Khi bước vào tuổi 50, phụ nữ thường gặp những bệnh bỗng từ đâu đến khiến họ bối rối và khó khăn khi xử trí. Ở lứa tuổi này, những cơn bốc hỏa đột ngột, chân tay nhức mỏi thường xuyên... luôn làm khổ chị em.
Chứng bốc hỏa ở tuổi mãn kinh
Loãng xương: Tuổi mãn kinh, phụ nữ rất dễ bị loãng xương, đặc biệt những người nhỏ bé, người có tiền sử gia đình bị loãng xương, mãn kinh sớm hay bị cắt buồng trứng. Khi bị loãng xương rất dễ dẫn đến nguy cơ gãy xương hông, xương đùi, cổ xương đùi, xương cẳng chân bị đau lưng và còng lưng do cột sống bị sụp. Loãng xương còn làm mất khả năng vận động tự nhiên của cơ thể, từ đó gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Nguyên nhân gây loãng xương thường do chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất, đặc biệt thiếu canxi và vitamin D. Ngoài ra, phụ nữ hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng thuốc có chứa chất steroid... cũng dễ bị loãng xương.
Phòng ngừa: Cần có chế độ ăn uống tăng canxi ngay từ tuổi vị thành niên, vận động và tập thể dục vừa sức, đồng thời tránh các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, uống rượu, dùng thuốc corticoid. Nên bổ sung 1.000mg canxi và 200 - 4.000IU (đơn vị quốc tế) vitamin D để giúp xương phát triển tốt, nhất là từ nguồn thực phẩm, thức ăn hàng ngày, nên dùng sữa có hàm lượng chất béo thấp (3 cốc/ngày). Việc khám sức khỏe định kỳ là hết sức cần thiết với phụ nữ trung niên. Để sống khỏe mạnh ở tuổi mãn kinh, cần giữ cân nặng bình thường, ổn định huyết áp, giảm mỡ máu, vận động nhiều, ăn ít chất béo, tăng cường rau xanh, trái cây, chất xơ, tập thể dục đều đặn.
Hội chứng tiền mãn kinh: Người phụ nữ trong thời kỳ phát triển, cơ thể liên tục tiết ra estrogen - nội tiết tố nữ - để tạo ra các đặc tính của phái nữ. Sang tuổi mãn kinh, buồng trứng trong cơ thể phụ nữ không phát triển, nội tiết tố không tiết ra nữa, bắt đầu thiếu hụt estrogen. Vùng khung chậu bị ảnh hưởng, rất dễ sinh ra các bệnh viêm âm đạo, ngứa âm hộ, rong kinh, âm đạo khô, giao hợp khó khăn... có thể dẫn đến bệnh sa sinh dục, sa bàng quang, són tiểu. Thiếu estrogen cũng ảnh hưởng tới tâm thần kinh, tuyến nội tiết, hệ vận mạch, gây ra nhức đầu, mất ngủ, giảm trí nhớ, bị bốc hỏa từng cơn, chóng mặt, hồi hộp không lý do, đau nhiều nơi trên cơ thể, dễ cáu gắt, sinh ra những lo âu, dễ buồn tủi...
Phòng ngừa: Có thể uống estrogen thay thế nội tiết buồng trứng khi mãn kinh để điều hòa cơ thể, song phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Ung thư vú: Đây là nỗi ám ảnh của phụ nữ tuổi trung niên - căn bệnh âm thầm mà rất nguy hiểm. Có tới 18% phụ nữ tuổi 40 chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, tăng 77% ở tuổi trên 50. Ung thư vú là căn bệnh gây tử vong khá cao cho phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ có chế độ ăn uống nhiều chất béo. Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ trung niên: Gia đình có người từng bị ung thư vú, nguy cơ tăng gấp 3 - 5 lần; béo phì: nguy cơ gấp 3 lần; không cho con bú sữa mẹ hoặc không sinh con, hoặc có con đầu lòng quá muộn; dậy thì sớm và mãn kinh muộn.
Để phòng bệnh này, ngoài thực hiện lối sống lành mạnh; hạn chế thực phẩm chế biến quá kỹ, thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo; không nên uống rượu, đồ uống kích thích, không hút thuốc lá; tăng cường luyện tập; chị em nên tự khám mỗi tháng xem có gì bất thường ở ngực, nhũ hoa... đồng thời cần được khám định kỳ ở các cơ sở y tế chuyên khoa mỗi năm một lần. Khi nhận thấy các triệu chứng như: sự thay đổi kích thước và hình dạng của vú, xuất hiện những khối u hay sưng tấy ở nách, chảy máu ở núm vú hay đau ngực... thì có thể là dấu hiệu ung thư vú, hãy nhanh chóng đến các cơ sở khám bệnh chuyên khoa để kiểm tra và điều trị khối u khi còn nhỏ.
Bệnh tim mạch: ở độ tuổi sinh nở, hệ thống tim mạch của phụ nữ được bảo vệ bởi các hormon sinh dục nữ (estrogen), các hormon sinh dục này có tác dụng giảm hàm lượng cholesterol của cơ thể, bảo vệ thành mạch và tim. Khi đến tuổi tiền mãn kinh, lượng hormon sinh dục bị giảm đáng kể và bắt đầu giai đoạn bùng nổ các bệnh tim mạch (tăng huyết áp, bệnh mạch vành...) ở phái nữ với diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên, qua nghiên cứu người ta thấy rằng, liệu pháp hormon thay thế không thể giúp được phụ nữ ở tuổi mãn kinh phòng ngừa được sự phát triển của xơ vữa động mạch.
Ngoài sự thay đổi nội tiết, nguyên nhân khiến phụ nữ ở độ tuổi này mắc bệnh tim mạch nhiều hơn so với các độ tuổi khác và nhiều hơn nam giới là do tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 cao hơn, hay bị các rối loạn tuyến giáp hơn, có nhiều vấn đề (áp lực) trong gia đình và công việc hơn so với nam. Hệ thống tim mạch ở phụ nữ cũng dễ bị tổn thương hơn khi có tác động của các tác nhân độc hại, ví dụ thuốc lá, rượu bia... Bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành ở phụ nữ diễn biến phức tạp hơn, hiệu quả chữa trị kém hơn (các phương pháp can thiệp mạch vành hiện đại như thông mạch vành bằng cách đặt stent, nong mạch và nối mạch thông đạt hiệu quả thấp ở phụ nữ), nên vấn đề phòng bệnh, phát hiện và chữa trị kịp thời các bệnh này là quan trọng hàng đầu.
Những biện pháp phòng ngừa bệnh tim mạch ở phụ nữ là giảm cân nếu bị thừa cân, luôn duy trì cân nặng ở mức hợp lý; không nên uống rượu bia, hút thuốc lá; tăng cường rèn luyện thể dục thể thao; chế độ ăn uống phải hợp lý; không quá 5 - 6g muối/ngày; tăng cường ăn các thức ăn có chứa nhiều vitamin E, C, A, B6, B12, acid folic và acid béo không no Omega-3 để bảo vệ thành mạch máu trước nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa; không ăn thịt mỡ, da động vật và hạn chế các đồ ăn có chứa nhiều cholesterol như trứng gia cầm, tim, gan động vật, bơ, kem, sôcôla; tăng số ngày ăn cá, đậu trong tuần, dùng dầu thực vật để chế biến thức ăn...; luôn kiểm soát hàm lượng cholesterol, glucoza máu và các chỉ số huyết áp ở mức độ cho phép; giảm căng thẳng thần kinh...
ThS. Hà Hùng