Bệnh Hashimoto: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

10-02-2023 06:58 | Y học 360
google news

SKĐS - Bệnh Hashimoto là một rối loạn tự miễn dịch. Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể không nhận thấy các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh Hashimoto.

Bệnh Hashimoto còn được gọi là viêm tuyến giáp Hashimoto, viêm tuyến giáp lympho bào mạn tính và viêm tuyến giáp tự miễn mạn tính.

Triệu chứng của bệnh Hashimoto

Bệnh Hashimoto tiến triển chậm qua nhiều năm. Ở giai đoạn đầu có thể không nhận thấy các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh. Sự suy giảm sản xuất hormone tuyến giáp có thể dẫn đến bất kỳ điều nào sau đây:

- Mệt mỏi và uể oải

- Tăng cân mặc dù cảm thấy chán ăn

- Nhạy cảm với nhiệt độ, cảm thấy lạnh

- Buồn ngủ

- Da khô, tóc khô và mỏng, móng tay dễ gãy

- Táo bón

- Đau cơ, yếu cơ, cứng cơ ở vai và đùi

- Đau khớp và cứng khớp

- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt (thường là kinh nguyệt nhiều) hoặc khả năng sinh sản

- Các vấn đề về trí nhớ hoặc sự tập trung

- Sưng tuyến giáp (bướu cổ) hoặc tuyến giáp teo nhỏ lại

- Mặt sưng/ phù

- Lưỡi to lên

- Nhịp tim chậm lại

Bệnh Hashimoto: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh 1.

Bệnh Hashimoto phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới.

Nguyên nhân

Bệnh Hashimoto là một rối loạn tự miễn dịch. Hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể tấn công các tế bào tuyến giáp. Có nghĩa là hệ thống miễn dịch của cơ thể đang tấn công các tế bào và cơ quan của chính nó. Thông thường, hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn, virus và các chất có hại khác.

Trong bệnh Hashimoto, hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể tấn công và làm hỏng mô tuyến giáp. Kết quả là tuyến giáp bị viêm và khả năng sản xuất hormone tuyến giáp bị tổn hại, cuối cùng dẫn đến suy giáp. Nguyên nhân khiến hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào tuyến giáp là không rõ ràng. Sự khởi đầu của bệnh Hashimoto có thể liên quan đến:

- Yếu tố gen di truyền

Những bệnh nhân mắc bệnh Hashimoto thường có tiểu sử gia đình có người nhiễm bệnh.

- Hormone

So với nam giới, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn. Vì thế, các hormone giới tính cũng có vai trò quyết định đến nguyên nhân gây bệnh. Đặc biệt, một vài phụ nữ còn mắc bệnh trong thời kỳ đầu mang thai.

- Các yếu tố môi trường

Chẳng hạn như nhiễm trùng, căng thẳng hoặc phơi nhiễm phóng xạ.

Ngoài ra còn có một số yếu tố khác như: tương tác giữa các yếu tố môi trường và di truyền; Cơ thể hấp thụ nhiều i-ốt một cách quá mức cho phép

Chẩn đoán

Đầu tiên, dựa vào các triệu chứng bên trên và việc thăm khám tuyến giáp để xác định xem nó có bị phì đại hay không, bác sĩ có thể dùng một số phương pháp sau để chẩn đoán:

- Xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp (TSH): Mức TSH cao thường có nghĩa là tuyến giáp không sản xuất đủ hormone T4. Xét nghiệm này thường phù hợp nhất với chẩn đoán suy giáp hoặc suy giáp cận lâm sàng.

Bệnh Hashimoto: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh 2.

Hãy đến ngay cơ sở y tế nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng viêm tuyến giáp Hashimoto nào hoặc cảm thấy như mình đang có các bệnh về tuyến giáp.

- Xét nghiệm T4 (thyroxine): Mức T4 thấp cho thấy người đó bị suy giáp.

- Xét nghiệm kháng thể tuyến giáp: Sự hiện diện của kháng thể cho thấy nguy cơ phát triển bệnh suy giáp Hashimoto cao hơn.

Có thể bạn sẽ không cần các xét nghiệm khác để chẩn đoán mắc bệnh Hashimoto. Tuy nhiên, nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh Hashimoto nhưng bạn không có kháng thể kháng tuyến giáp trong máu, bạn sẽ dùng phương pháp siêu âm tuyến giáp. Hình ảnh siêu âm có thể cho thấy kích thước tuyến giáp và các đặc điểm khác của bệnh Hashimoto. Siêu âm cũng có thể loại trừ các nguyên nhân khác gây phì đại tuyến giáp. Chẳng hạn như các nhân tuyến giáp hay có các khối u ở vùng cổ hay không.

Điều trị

Việc điều trị bệnh Hashimoto thường phụ thuộc vào việc tuyến giáp có bị tổn thương đủ để gây suy giáp hay không. Nếu bạn không bị suy giáp, bác sĩ có thể chọn cách đơn giản là kiểm tra các triệu chứng và nồng độ hormone tuyến giáp của bạn thường xuyên. Những người bệnh bị viêm tuyến giáp Hashimoto mạn tính cần phải xác định chung sống với bệnh cả đời bởi tất cả các phương pháp đều không có tác dụng điều trị triệt để bệnh.

Các phương pháp điều trị bệnh hiện nay bao gồm:

- Dùng hormone thay thế: Hormone thay thế được sử dụng trong các trường hợp Hashimoto gây ra tình trạng suy giáp. Thuốc được sử dụng điển hình L-thyroxine (levothyroxine) nhằm ức chế và điều chỉnh sự suy giáp.

- Sử dụng Corticoid:  Khi sử dụng các loại thuốc này phải có chỉ định từ bác sĩ bởi nó có thể để lại nhiều tác dụng phụ nếu sử dụng liều cao hay trong thời gian dài.

- Phẫu thuật: Được chỉ định trong trường hợp bướu giáp to gây chèn ép hoặc khiến người bệnh ảnh hưởng tâm lý, tự ti khi bướu to nằm ở cổ.

Bệnh Hashimoto: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh 3.

Đôi khi các triệu chứng của Hashimoto có thể bị bỏ qua trong thai kỳ vì đều có dấu hiệu mệt mỏi và tăng cân.

Dinh dưỡng ảnh hưởng thế nào đến bệnh Hashimoto?

Tuyến giáp sử dụng i-ốt, một khoáng chất trong một số loại thực phẩm, để tạo ra các hormone tuyến giáp. Tuy nhiên, nếu bạn mắc bệnh Hashimoto hoặc các dạng rối loạn tuyến giáp tự miễn khác, bạn có thể nhạy cảm với các tác dụng phụ có hại của i-ốt. Ăn thực phẩm có lượng lớn i-ốt, chẳng hạn như tảo bẹ hoặc các loại rong biển khác, và một số loại thuốc giàu i-ốt có thể gây suy giáp hoặc làm cho bệnh nặng hơn. Uống bổ sung i-ốt có thể có tác dụng tương tự.

Những người mắc bệnh Hashimoto cần lưu ý những loại thực phẩm và đồ uống để hạn chế hoặc tránh. Bên cạnh đó vẫn cần bổ sung i-ốt liều lượng phù hợp.

Tuy nhiên, nếu bạn đang mang thai, bạn cần bổ sung đủ i-ốt. Vì thai nhi nhận được i-ốt từ chế độ ăn uống của bạn. Quá nhiều i-ốt cũng có thể gây ra các vấn đề, chẳng hạn như bệnh bướu cổ ở trẻ sơ sinh. Nếu bạn đang mang thai, hãy nói chuyện với bác sĩ về lượng i-ốt bạn cần.

Xem thêm video được quan tâm:

Lạm dụng thải độc Detox sau dịp Tết tưởng có lợi mà hại vô cùng | SKĐS


Ths.BS Hoàng Vũ
Khoa Phẫu thuật lồng ngực - Bệnh viện Bạch Mai
Ý kiến của bạn