Bệnh Hashimoto là gì? Có nguy hiểm không?

08-02-2023 15:30 | Y học 360
google news

SKĐS - Nếu không điều trị kịp thời, bệnh Hashimoto có thể gây những biến chứng nguy hiểm về tim mạch, thần kinh và đặc biệt là thai kỳ.

1. Viêm tuyến giáp Hashimoto là gì?

Bệnh Hashimoto còn được gọi là viêm tuyến giáp Hashimoto, viêm tuyến giáp lympho bào mạn tính và viêm tuyến giáp tự miễn mạn tính. Viêm tuyến giáp Hashimoto là một rối loạn tự miễn dịch ảnh hưởng đến tuyến giáp.

Trong bệnh Hashimoto, các tế bào hệ thống miễn dịch tấn công và làm chết các tế bào sản xuất hormone của tuyến giáp. Bệnh thường dẫn đến suy giáp, hiếm khi gây cường giáp.

Bệnh Hashimoto và suy giáp thường xảy ra cùng nhau. Nhưng không phải ai mắc bệnh Hashimoto cũng sẽ bị suy giáp. Và không phải tất cả các trường hợp suy giáp đều do Hashimoto.

Bệnh Hashimoto là gì? Có nguy hiểm không? - Ảnh 1.

Bệnh Hashimoto là một rối loạn tự miễn dịch. Hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể tấn công các tế bào tuyến giáp.

2. Biến chứng của bệnh Hashimoto

Nhiều người mắc bệnh Hashimoto thường mắc chứng suy giáp. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe, bao gồm:

Bướu cổ

Bướu cổ là sự mở rộng của tuyến giáp. Khi sản xuất hormone tuyến giáp giảm do bệnh Hashimoto, tuyến giáp nhận tín hiệu từ tuyến yên để sản xuất nhiều hơn. Việc này có thể dẫn đến bướu cổ.

Vấn đề tim mạch

Suy giáp có thể dẫn đến chức năng tim kém, tim to và nhịp tim không đều. Nó cũng có thể dẫn đến nồng độ cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) cao - cholesterol "xấu". Đây là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch và suy tim.

Các vấn đề về sức khỏe tâm thần

Trầm cảm hoặc các rối loạn sức khỏe tâm thần khác có thể xảy ra sớm khi mắc bệnh Hashimoto. Các vấn đề này có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Rối loạn chức năng tình dục và sinh sản

Ở phụ nữ, suy giáp có thể dẫn đến giảm ham muốn tình dục. Bên cạnh đó, không có khả năng rụng trứng và chảy máu kinh nguyệt không đều (thường là quá nhiều). Đàn ông bị suy giáp cũng có thể bị giảm ham muốn tình dục. 

Ngoài ra còn rối loạn chức năng cương dương và số lượng tinh trùng giảm. Nếu không được điều trị, bệnh Hashimoto cũng có thể gây vô sinh do nồng độ hormone tuyến giáp thấp làm ức chế quá trình rụng trứng.

Bệnh Hashimoto là gì? Có nguy hiểm không? - Ảnh 1.

Nếu không được điều trị bệnh Hashimoto có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Myxedema

Myxedema là thuật ngữ y học để chỉ mức độ suy giáp nặng. Tình trạng này có thể phát triển do suy giáp lâu dài, nghiêm trọng, không được điều trị. Các dấu hiệu và triệu chứng của nó bao gồm buồn ngủ, sau đó là thờ ơ, bất tỉnh sâu. Thậm chí có thể dẫn tới hôn mê phù niêm. Đây là tình trạng hiếm gặp, đe dọa tính mạng. Myxedema cần điều trị y tế khẩn cấp ngay lập tức.

3. Ai có nhiều khả năng mắc bệnh Hashimoto?

- Bệnh Hashimoto phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới.

- Mặc dù bệnh có thể xảy ra ở thanh thiếu niên hoặc phụ nữ trẻ, nhưng thường gặp ở phụ nữ từ 30 đến 50 tuổi.

- Khả năng mắc bệnh Hashimoto của bạn tăng nếu các thành viên khác trong gia đình mắc bệnh.

- Nguy cơ mắc bệnh Hashimoto cao hơn nếu bạn mắc các rối loạn tự miễn dịch khác, bao gồm: bệnh celiac (một rối loạn tiêu hóa gây tổn thương ruột non); lupus; viêm khớp dạng thấp; hội chứng Sjogren (một căn bệnh gây khô mắt và miệng); bệnh tiểu đường loại 1; bệnh Addison (tình trạng tuyến thượng thận).

- Những thay đổi điển hình về chức năng miễn dịch khi mang thai có thể là một yếu tố gây ra bệnh Hashimoto bắt đầu sau khi mang thai.

- Quá nhiều i ốt trong chế độ ăn uống có thể hoạt động như một tác nhân kích hoạt ở những người đã có nguy cơ mắc bệnh Hashimoto.

- Tiếp xúc với bức xạ. Những người tiếp xúc với mức độ bức xạ môi trường quá mức dễ mắc bệnh Hashimoto.

Bệnh Hashimoto là gì? Có nguy hiểm không? - Ảnh 3.

Bệnh Hashimoto tiến triển chậm qua nhiều năm. Ở giai đoạn đầu có thể không nhận thấy các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh.

4. Điều gì xảy ra nếu bạn mắc Hashimoto khi đang mang thai?

Đối với phụ nữ mang thai, số lượng sản xuất hormone kích thích tuyến giáp (TSH) khác với bình thường. Nếu mức TSH của bạn không đạt đủ, bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn điều trị bằng hormone tuyến giáp tổng hợp để bảo vệ sự an toàn của thai kỳ và thai nhi.

Hashimoto không được điều trị khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non và thai chết lưu. Hoặc có thể gây tăng huyết áp nguy hiểm vào cuối thai kỳ (được gọi là tiền sản giật). Hashimoto không được điều trị cũng có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển trí não của bé. Bác sĩ sẽ tìm ra phương án tốt nhất để đảm bảo chứng suy giáp của bạn được kiểm soát tốt trong thời kỳ mang thai.

Đôi khi các triệu chứng của Hashimoto có thể bị bỏ qua trong thai kỳ. Vì những dấu hiệu này trùng với dấu hiệu mệt mỏi, tăng cân khi mang thai. Hãy đến ngay cơ sở y tế nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng viêm tuyến giáp Hashimoto nào hoặc cảm thấy như mình đang có các bệnh về tuyến giáp.

Xem thêm video được quan tâm

Sau Tết, Ăn Gì Để Giảm Cân An Toàn Mà Vẫn Khỏe? | SKĐS


Ths.BS Hoàng Vũ
Khoa Phẫu thuật lồng ngực- Bệnh viện Bạch Mai
Ý kiến của bạn